Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách an sinh xã hội bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay

Hơn 30 năm đổi mới đất nước theo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với những thành tựu đạt được về kinh tế, như kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng ngày càng hợp lý, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên,... Đảng và Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện tốt quyền được hưởng an sinh xã hội của nhân dân. Trong các kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên nhấn mạnh vai trò của chính sách an sinh xã hội và quyết tâm của Đảng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Cần cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế cơ sở, ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn - Nguồn: baoquangninh.com.vn

An sinh xã hội là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ của một xã hội, một cộng đồng, một quốc gia. Được hưởng an sinh xã hội là một trong những quyền và đòi hỏi chính đáng của con người. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh: “An sinh xã hội là sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng, nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội do bị ngừng hoặc bị giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời, bảo đảm chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con”(1). Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động... Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân(2). Quan điểm, chủ trương trên của Đảng được Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện bằng các chính sách và chương trình nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức thu nhập tối thiểu, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin,... thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và sự trợ giúp của Nhà nước. Theo đó, hệ thống an sinh xã hội ở nước ta được xác định tập trung vào 4 nội dung chính và đã đạt được một số thành tựu nhất định, có tác động tích cực góp phần “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”(3).

Một là, tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.

Thông qua Chương trình việc làm quốc gia; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các ưu đãi về tín dụng kết hợp với đào tạo và giới thiệu việc làm và tìm kiếm việc làm cho người lao động đã góp phần thực hiện tốt chức năng an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Tính đến hết tháng 3-2016, tổng nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm đạt 6.858 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.261 tỷ đồng, Quỹ Việc làm của địa phương: 2.597 tỷ đồng), đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Khi triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9-7-2015, của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm”, tính đến ngày 30-4-2016, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Nhà nước đã cấp bù lãi suất cho vay tín dụng ưu đãi khoảng 1.925 tỷ đồng, với 76.801 khách hàng được vay vốn đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện giảm nghèo và học tập nâng cao trình độ(4).

Chính phủ đã ban hành trên 20 chính sách tín dụng ưu đãi; sử dụng cơ chế vay tín dụng thông qua các chương trình, tổ chức, đoàn thể để hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động bị mất việc làm, người lao động có đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp phát triển sản xuất, tín dụng cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai rộng rãi. Tháng 10-2015, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật được thành lập được coi là “cú hích” mạnh mẽ để công tác người khuyết tật, được chú trọng và thực hiện có hiệu quả hơn. Cả nước có hơn 6 triệu người khuyết tật, với hơn 1.130 cơ sở đào tạo nghề có tổ chức dạy cho người khuyết tật, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Trong 5 năm (2010 - 2015) có khoảng 120.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và cho vay vốn(5).

Trong 5 năm đã tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người, trong đó đi lao động nước ngoài khoảng 469 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,3%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 1,64%, thấp hơn mức 1,89% của năm 2015 và 2,4% của năm 2014(6). Tính đến ngày 01-4-2017, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I-2017 ước tính là 1,74%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,8%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,25% (giảm so với quý I-2016 là 1,76%; 0,7% và 2,29%)(7).

Hai là, mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già,...

Hệ thống an sinh xã hội đã có tác động tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho cuộc sống con người, khi bản thân không tự khắc phục được, như thất nghiệp, người thiếu việc làm, người có thu nhập thấp, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, người nghèo nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội. Trong việc giải quyết các vấn đề xã hội được thực hiện thông qua các hình thức, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ và cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội...

Phạm vi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng và ngày càng tăng. Nếu như trước đây, đối tượng bảo hiểm xã hội của nước ta chỉ bó hẹp trong phạm vi công nhân, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang thì hiện nay bảo hiểm xã hội được mở rộng tới mọi đối tượng trong toàn xã hội. Năm 2014, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc là 11.451.531 người; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 196.254 người; tham gia bảo hiểm y tế là 53.218.416 người(8). Năm 2015, đã có trên 12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ số người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ số người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,7% dân số cả nước, tương đương với 76,1 triệu người, tăng 5,6 triệu người so với năm 2015..Đặc biệt, những năm qua, Nhà nước ta đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo. Điều này đã tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn về y tế cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp kết hợp chế độ trợ cấp tạm thời với chế độ giải quyết việc làm cho người thất nghiệp. Điều này thể hiện tính xã hội vô cùng sâu sắc, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với chính sách về việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, bảo hiểm thất nghiệp vừa bù đắp thu nhập, vừa tạo động lực tích cực cho người thất nghiệp chủ động tìm cơ hội trở lại làm việc. Ở Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu triển khai thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-2009 với 5.993.000 người tham gia. Đến năm 2014 đã có 9.213.302 người tham gia. Đến hết tháng 9-2016, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10,64 triệu người, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Ba là, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, thiên tai, đói nghèo,...) thông qua các khoản tiền mặt hoặc hiện vật từ ngân sách nhà nước.

Nếu năm 2012, tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015, con số này tăng lên khoảng 6,6% GDP. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước không giảm bất cứ một chính sách, một khoản chi nào dành cho an sinh xã hội, thậm chí còn tăng so với trước. Theo báo cáo, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2016 là 7.303 tỷ đồng, bao gồm 3.786 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2.470 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 1.047 tỷ đồng cứu đói và cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, có 18,3 triệu thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước(9). Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, tổng kinh phí huy động từ ngân sách trung ương, các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm 2017 là 3.775 tỷ đồng, bao gồm: 2.119 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.297 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 359 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có 9,4 triệu thẻ bảo hiểm y tế, số thẻ/khám, chữa bệnh miễn phí đã được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Bốn là, tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin.

Đa số người lao động đã tiếp cận được y tế cơ sở, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm, hết năm 2016 đạt 81,7% dân số cả nước. 62/63 tỉnh, thành đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 63/63 tỉnh, thành đạt phổ cập giáo dục cho học sinh cấp tiểu học. Tình trạng nhà ở, nước sạch và thông tin được cải thiện đáng kể: diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 17,5m2 năm 2010 lên 22m2 năm 2015.

Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều biến động về kinh tế, nguồn lực của đất nước còn hạn chế, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn coi trọng công tác đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản... Theo đó, nhiều chính sách an sinh xã hội được ban hành, các chương trình xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, được dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã đạt và vượt chỉ tiêu thời gian hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giảm nghèo của Liên hợp quốc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/ năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015. Riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Nhưng đến hết năm 2016, con số này tăng lên gần 10% (một phần do tiêu chuẩn nghèo đa chiều dựa trên đo lường thu nhập mới được áp dụng).

Tuy nhiên, lĩnh vực xã hội ở nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, một số mặt yếu kém còn kéo dài, chậm được khắc phục: “Tỷ lệ bao phủ và chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Quỹ Bảo hiểm xã hội chưa bền vững. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nhiều mặt còn hạn chế”(10). Chênh lệch về chỉ số với mức trung bình của cả nước còn lớn. Một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo còn chồng chéo, chưa đồng bộ, hiệu quả thực hiện chưa cao và chưa thật sự khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Nguyên nhân của những hạn chế trên bắt nguồn trước hết từ việc nhận thức về vai trò của an sinh xã hội chưa cao, chưa thống nhất, thậm chí xem an sinh xã hội đơn thuần là sự cứu trợ, trợ giúp, ưu đãi khiến cho việc huy động nguồn lực cũng như việc xây dựng và vận hành hệ thống an sinh xã hội còn thiếu và kém hiệu quả. Mức độ bao phủ còn thấp, đối tượng còn hẹp, hệ thống an sinh xã hội còn bất bình đẳng. Nguồn đầu tư cũng như quản lý, giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng yêu cầu và hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, hạn chế trong việc thực hiện kém hiệu quả chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội đã làm cản trở tiến bộ và công bằng xã hội. Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội còn nhiều hạn chế. Hiện tượng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư còn lớn và có xu hướng gia tăng...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, bên cạnh việc nâng cao năng suất, hiệu quả lao động nhằm tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn lực để Nhà nước có thực lực vật chất thực hiện tốt các chính sách hệ thống an sinh xã hội đối với mọi tầng lớp dân cư, cần đồng thời quán triệt thực hiện một cách đồng bộ những nhóm giải pháp sau:

Một là, đổi mới nhận thức về chính sách an sinh xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân. Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu. Việc đổi mới nhận thức về an sinh xã hội cần tập trung:

Thứ nhất, coi “Chiến lược an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” là bộ phận của “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020”. Theo đó, công tác giáo dục, tuyên truyền phải tiến hành hết sức sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, từ cấp lãnh đạo đến từng người dân với nội dung và hình thức đa dạng nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, tổ chức, cá nhân về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng và thực thi an sinh xã hội trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Thông qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân, tạo phong trào thực hiện an sinh xã hội...

Thứ hai, đổi mới tư duy và tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực an sinh xã hội, vì mục tiêu công bằng xã hội. Theo đó, đường lối của Đảng cần quán triệt đầy đủ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội gắn với tiến bộ xã hội với mục đích giải phóng con người, độc lập tự do của Tổ quốc, người dân phải được hưởng ấm no, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, người nghèo, người yếu thế thì đủ ăn, có lực vươn lên, người đủ ăn rồi thì giàu có, người giàu có rồi thì giàu hơn nữa. Do vậy, Đảng cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội theo hướng dân chủ hóa, phát hiện, khai thác mọi tiềm năng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các tầng lớp dân cư để phát triển hệ thống an sinh xã hội. Bảo đảm công bằng, bình đẳng trong đóng góp và thụ hưởng an sinh xã hội thể hiện từ việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật trong điều hành, quản lý cán bộ, viên chức. Đồng thời, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát, phản biện của các cơ sở dịch vụ, các đối tượng thụ hưởng đối với chủ trương của Đảng trong lĩnh vực an sinh xã hội...

Thứ ba, hoàn thiện chức năng xã hội của Nhà nước nhằm thực sự phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển an sinh xã hội, trong thực hiện tốt việc quản lý, cung ứng và huy động nguồn lực cho an sinh xã hội. Giải pháp hàng đầu là phải xây dựng, hiện thực hóa phương hướng phát triển hệ thống an sinh xã hội. Đó là tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về an sinh xã hội thành cơ chế, chính sách, luật pháp, cân đối, phân bổ ngân sách nhà nước nhằm phát triển an sinh xã hội đa tầng và linh hoạt, tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân được thụ hưởng tính ưu việt của an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy công bằng xã hội.

Thứ tư, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong thực hiện an sinh xã hội. Thông qua các hoạt động của mình, các tổ chức xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội nói riêng và đất nước nói chung. Vì vậy, cần phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc giám sát và phản biện xã hội đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với an sinh xã hội. Sự giám sát của các tổ chức xã hội sẽ phản ánh chân thật, đầy đủ mọi nhu cầu về an sinh xã hội của mọi tầng lớp dân cư giúp cho cơ quan quản lý nắm bắt nhu cầu xã hội một cách đầy đủ, khách quan, để kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách, pháp luật an sinh xã hội phù hợp.

Hai là, đổi mới việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Thứ nhất, phát triển kinh tế gắn với thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và chính sách phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo”(11). Phát triển kinh tế phải lấy phúc lợi xã hội và phúc lợi cá nhân làm mục tiêu, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi thành viên trong xã hội được thụ hưởng những điều kiện tối thiểu cần thiết. Nói cách khác, phát triển kinh tế cần một “cột chống” của an sinh xã hội. Chỉ có phát triển kinh tế mới có được cơ sở vật chất - thực lực để bảo đảm và kiện toàn chế độ an sinh xã hội, là điều kiện trọng yếu để điều chỉnh kết cấu kinh tế, xúc tiến công bằng xã hội. Phát triển kinh tế là điều kiện để nâng cao mức phúc lợi cho mọi thành viên trong xã hội, cải thiện các điều kiện về y tế, giáo dục, giảm tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho các gia đình có thu nhập thấp.

Thứ hai, thực hiện chính sách an sinh xã hội phổ quát và toàn diện. Để tạo cơ sở cho Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện và hoàn thiện an sinh xã hội lành mạnh, bền vững, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, những năm tới, chúng ta cần chú ý đến những trụ cột của nó, trước hết là bảo hiểm xã hội. Xây dựng và phát triển trên hệ thống bảo hiểm xã hội an toàn, bền vững là cơ sở thúc đẩy tiến bộ xã hội cần:

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt và có thể hỗ trợ lẫn nhau (bao gồm hệ thống bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí...); trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội; chương trình giảm nghèo... Hệ thống an sinh xã hội đa tầng nhưng phải có trọng tâm, chú trọng xây dựng và hoàn thiện những trụ cột chính của nó là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, ưu đãi xã hội, để bảo đảm tính bền vững của cả hệ thống an sinh xã hội. Cần xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội hoàn chỉnh theo nguyên tắc đóng - hưởng (bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp). Tách bảo hiểm xã hội đối với khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp, chú ý đến những nhóm yếu thế trong xã hội, như dân tộc thiểu số, bộ phận dân cư mất việc, các đối tượng nhận cứu trợ, trợ giúp xã hội... Đa dạng hóa các hình thức cứu trợ xã hội, chuyển mạnh sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, tạo cơ hội và ưu tiên cho các đối tượng nhận trợ cấp tiếp cận các nguồn lực kinh tế, dịch vụ công thiết yếu, bình đẳng về giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, văn hóa - thông tin,... thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội bằng việc phân bổ ngân sách nhà nước và các chương trình chống nghèo có mục tiêu theo địa lý nhằm chuyển nguồn lực tới các tỉnh nghèo và huyện nghèo; trực tiếp hỗ trợ các gia đình nghèo, các xã nghèo... Đối với dịch vụ giáo dục cần tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về giáo dục. Mở rộng và tăng cường hỗ trợ, nhất là đối với thanh, thiếu niên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã, thôn, bản, vùng kinh tế khó khăn... để bảo đảm phổ cập giáo dục bền vững. Đối với dịch vụ y tế tối thiểu cần triển khai các chiến lược, chương trình, đề án về y tế, nhất là đề án về khắc phục quá tải bệnh viện. Cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế cơ sở, ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em... Về bảo đảm nhà ở tối thiểu cần có chính sách cải thiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động ở các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên... Về bảo đảm nước sạch tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, hải đảo, vùng ngập lũ và nhiễm mặn. Cải thiện cơ bản tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của dân cư vùng nông thôn, dân tộc thiểu số và vùng cao. Về bảo đảm thông tin cần tăng cường truyền thông đến những người dân nghèo, vùng nghèo, vùng kinh tế khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo...

Thứ ba, xây dựng thị trường lao động chủ động. Nhằm bảo đảm thực hiện quan hệ xã hội giữa người lao động có nhu cầu việc làm với người sử dụng lao động, thông qua các hình thức thỏa thuận giá cả tiền công và các điều kiện làm việc khác trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hay bất cứ một thỏa thuận nào khác. Thực tế cho thấy, trong các quan hệ giao dịch hay đàm phán trên thị trường lao động, cán cân thường nghiêng về phía người sử dụng lao động, bởi số người tìm việc vẫn nhiều hơn số lượng việc làm, người tìm việc cũng thường có nguồn lực hạn chế... Do đó, cần xây dựng chính sách thị trường lao động chủ động, đây là biện pháp nhằm ngăn ngừa nạn thất nghiệp và thiếu việc làm với mục tiêu tạo việc làm và tăng thu nhập, điều hòa về cầu lao động, nâng cao công bằng xã hội (hỗ trợ nhóm lao động yếu thế)... Chính sách thị trường lao động chủ động bao gồm: hỗ trợ tìm kiếm việc làm nhằm rút ngắn thời gian và chi phí của người tìm việc và chủ sử dụng lao động; đào tạo về thị trường lao động; hỗ trợ khởi sự các doanh nghiệp; trợ cấp trả lương, tạo việc làm chuyên biệt cho các nhóm đối tượng khác nhau... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội./.

------------------------------------------------------------

(1) Beyond HEPR: A framework for intergrated national systempf Social security in Vietnam UNDP - DFID 2005
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 137
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 26
(4) Hơn 3 triệu lao động có việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm tại Baodansinh.vn, ngày 17-5-2016
(5) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Việc làm cho người khuyết tật tại www.molisa.gov.vn, ngày 29-12-2015
(6) Tổng cục Thống kê (2016), Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, tại trang www.gso.gov.vn
(7) Tổng cục Thống kê (2017): Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2017, tại trang www.gso.gov.vn
(8) Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2015): Kết quả công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, Báo cáo số 389/BC-BHXH, ngày 4-2-2015, Hà Nội, tr. 1
(9) Tổng cục Thống kê (2016): Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, tại trang www.gso.gov.vn
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 256
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 269

Trương Thị Thanh Quý - TS, Trường Đại học Y Hà Nội

Theo Tạp chí Cộng sản