Dân số và phát triển: Thách thức mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của Việt Nam

Bước sang thế kỷ XXI, dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và xu hướng mới, khác biệt lớn so với thời điểm hoạch định chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình từ năm 1961. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của Việt Nam cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Ảnh minh họa - Nguồn: kinhtedothi.vn

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, kinh tế - xã hội phát triển, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai có bài bản, có hiệu quả, Việt Nam đã đạt và duy trì được mức sinh thay thế một cách vững chắc. Chỉ tiêu 2,1 con/phụ nữ liên tục được giữ vững từ năm 2006 đến nay và luôn bảo đảm “mức sinh thay thế”. Mô hình gia đình hai con đang trở nên phổ biến.

Chúng ta cũng đang có quy mô dân số lớn và mật độ dân số cao, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng chậm (giai đoạn 2009 - 2019, bình quân hằng năm tăng khoảng 1%). Năm 2017, nước ta có khoảng trên 93 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 110 triệu vào giữa thế kỷ. Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực; giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; môi trường…

Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ “Cơ cấu dân số vàng” do cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh. Năm 2006, Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” khi có trên 66% dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (năm 2016), thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam kéo dài đến khoảng năm 2041. Đây là giai đoạn mang lại nhiều cơ hội nhờ lực lượng dân số trong độ tuổi lao động dồi dào. Tuy nhiên, cũng là thách thức trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm và việc làm có năng suất, chất lượng, thu nhập cao.

Tuy nhiên, từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa và sớm trở thành nước có dân số già với tỷ lệ 10% dân số là những người từ 60 tuổi trở lên. Cũng theo dự báo của Tổng cục Thống kê (năm 2016), Việt Nam sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032 khi chạm “ngưỡng” tỷ lệ 20%(1). Điều đáng chú ý là, trong giai đoạn này, người cao tuổi vẫn chủ yếu là lớp người thuộc thời kỳ chiến tranh, sống ở nông thôn, nghèo khó nên sức khỏe yếu, đi kèm đó là phần lớn không có bảo hiểm xã hội… Đây là những những thách liên quan đến vấn đề an sinh xã hội của nhóm người này nói riêng và là thách thức liên quan đến vấn đề phát triển bền vững của đất nước nói chung.

Bên cạnh đó, tình trạng biết trước giới tính thai nhi ngày càng phổ biến, do tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh diễn ra nghiêm trọng; tình trạng di cư đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh, không được kiểm soát tốt là những đặc điểm tác động tiêu cực vào quá trình phát triển bền vững về mặt dân số, xã hội.

Trên thực tế, chất lượng dân số Việt Nam được đánh giá là tăng lên nhưng tăng chưa cao. Nếu coi chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, thì các kết quả đạt được của nước ta hiện nay còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới(2). Vì vậy, nâng cao chất lượng dân số cần được tiếp cận theo hướng vòng đời để nâng cao khả năng, sự bình đẳng giới trong quá trình tiếp cận và tham gia của toàn bộ dân số ở tất cả các nhóm tuổi tới các cơ hội phát triển và dịch vụ bao gồm sức khỏe, giáo dục, việc làm, phúc lợi, tôn giáo, tài chính và môi trường…, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Được sự quan tâm từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả một số đề án đóng góp vào nâng cao chất lượng dân số, như tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường tư vấn và dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dân số - kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên và thanh niên… và đã thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn chỉ mới thu được trong khuôn khổ từ các đề án mà chưa được nhân rộng trong cộng đồng.

Các đặc điểm và xu hướng dân số hiện nay đã và đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, bởi dân số đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường.

Trước hết, là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia khi có dân số lớn. Một trong những mục tiêu hàng đầu trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc (năm 2003) là chấm dứt đói nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi. An ninh lương thực của Việt Nam hiện đang được bảo đảm và có phần dành để xuất khẩu. Nhưng trong tương lai, khi dân số đông hơn và diện tích đất đai dành cho nông nghiệp bị thu hẹp do yêu cầu mở rộng công nghiệp hóa, thì an ninh lương thực cũng đứng trước những thách thức đáng kể. Hiện nay, diện tích đất trồng lúa bình quân đầu người ở nước ta đã vào loại thấp nhất thế giới nhưng vẫn đang tiếp tục giảm mạnh. Chỉ tính từ năm 2001 - 2010, diện tích trồng lúa giảm gần 370.000ha, và tiếp tục giảm mạnh trong 10 năm tiếp theo 2011 - 2020 do vẫn phải dành đất trồng lúa cho công nghiệp hóa.

Bên cạnh đó, theo dự báo của tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia “có nguy cơ rất lớn” do các tác động của biến đổi khí hậu, trong đó 5,3% tổng diện tích đất của cả nước có thể bị ngập lụt. Đây là khó khăn lớn cho vấn đề an ninh lương thực.

Dân số vẫn tiếp tục tăng, khả năng sẽ đạt gần 110 triệu vào giữa thế kỷ, đòi hỏi tổng cầu về lương thực ngày càng lớn, trong khi đó tổng cung bị đe dọa bởi thu hẹp diện tích, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh tăng...

Hai là, phát triển hệ thống giáo dục phổ thông từ chiều rộng sang chiều sâu. Trong thời kỳ “dân số vàng”, quy mô dân số độ tuổi đi học (5 - 24 tuổi) đã giảm từ hơn 33,2 triệu người năm 1999 xuống còn khoảng 29,5 triệu năm 2013 và tiếp tục giảm trong các năm gần đây do mức sinh thấp. Ở phạm vi hộ gia đình, số con mỗi cặp vợ chồng ít và trên phạm vi toàn quốc, áp lực dân số lên hệ thống giáo dục phổ thông quốc gia giảm mạnh. Số học sinh phổ thông giảm về số tuyệt đối tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Từ “đỉnh điểm” trong năm học 2001 - 2002 với 17.875,6 nghìn học sinh, chỉ còn 14.747,1 nghìn vào năm học 2012 - 2013, tức là giảm tới trên 3 triệu học sinh. Với sự biến chuyển quy mô và cơ cấu dân số trong độ tuổi đi học, đòi hỏi phải chuyển giáo dục từ bề rộng sang bề sâu là một “bài toán khó” đặt ra hiện nay của nền giáo dục Việt Nam.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Đặc điểm nổi bật của dân số trong giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” là tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15 - 64 tuổi) rất cao, dao động từ 66% đến 70%. Trong đó, khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi sẽ thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Đây là dư lợi lớn của “cơ hội dân số vàng” cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lao động đông và tăng nhanh cũng tạo ra thách thức về nâng cao chất lượng lao động, việc làm và việc làm có thu nhập cao. Cơ hội cơ cấu dân số “vàng” chỉ xuất hiện một lần, mỏ vàng không khai thác thì còn, còn cơ cấu “dân số vàng” không khai thác thì sẽ mất.

Bốn là, vấn đề an sinh cho người cao tuổi, xây dựng xã hội thích ứng với dân số già. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, nước ta có 72,5% người cao tuổi sống ở nông thôn. Trong số người cao tuổi, đến năm 2015 cũng mới chỉ có khoảng 48,27% được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội với mức thấp. Như vậy, vẫn còn hơn nửa số người cao tuổi hiện nay sống bằng lao động của mình, bằng nguồn hỗ trợ của con cháu và gia đình. Trong khi đó, ở nông thôn, ruộng đất ít, năng suất, thu nhập thấp, ít có tiết kiệm phòng khi bất trắc ở tuổi già. Trong bối cảnh con ít và con cái di cư, sống xa cha mẹ, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trở thành vấn đề lớn. Bên cạnh đó, là sự khác biệt thế hệ, các thế hệ sinh ra và lớn lên trong các hoàn cảnh kinh tế, xã hội khác nhau: Chiến tranh và hòa bình; kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và kinh tế thị trường; nghèo đói và khá giả; đóng cửa và hội nhập; nông thôn và đô thị hóa... là rất lớn. Nếu không giải quyết tốt sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột thế hệ. Trong khi, sự chuẩn bị cho một xã hội có dân số già chưa được kỹ càng cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội.

Năm là, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như: Khó khăn trong việc kết hôn và duy trì chế độ “một vợ, một chồng” vì tỷ lệ nam nhiều hơn nữ. Điều đó có thể xảy ra tình trạng bất ổn xã hội như nam giới kết hôn muộn, tranh giành trong hôn nhân, ra nước ngoài kết hôn... Nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, mại dâm khó kiểm soát, du lịch tình dục phát triển, nguy cơ lan rộng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS tăng cao, do “khan hiếm” phụ nữ. Gia tăng tội phạm xã hội do nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, mại dâm.... Phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khỏe và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai. Trong khi đó, kỹ thuật hỗ trợ sinh được con trai ngày càng phát triển và phổ biến, khó được kiểm soát dẫn đến những hệ lụy khôn lường do hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Sáu là, nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư. Do quá trình công nghiệp hóa và mở rộng kinh tế thị trường, số người đăng ký hộ khẩu nơi này, cư trú nơi khác ngày càng lớn và phần lớn trong số họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: nhà ở, chỗ ở hợp pháp; thiếu thông tin, ít hiểu biết những kiến thức để bảo vệ chính mình. Nhiều cuộc điều tra cho thấy, các khó khăn trên đã đến mức đáng báo động, nhất là ở các thành phố lớn, trường đại học, các khu công nghiệp tập trung.

Bảy là, vấn đề lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch hóa phát triển ở nước ta đang ở giai đoạn đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm, sơ khai. Trong khi đó, quy mô, cơ cấu, phân bố dân số biến đổi nhanh. Điều này hạn chế tính hiệu quả của các kế hoạch phát triển. Để cải thiện tình trạng này cần nâng cao trình độ cán bộ kế hoạch, có bộ chỉ tiêu về dân số và phát triển, có cơ sở pháp luật. Dân số và phát triển có mối quan hệ hai chiều chặt chẽ nên trong quá trình kế hoạch hóa cần phải xem xét và tính toán rõ ràng mối quan hệ nhân - quả giữa dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố, mức sinh, mức chết, di cư và chất lượng dân số) và phát triển (kinh tế, xã hội, môi trường...) trong toàn bộ các bước: lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch, theo dõi và đánh giá kế hoạch.

Hiện nay, mức sinh của Việt Nam giảm và đã đạt được mức sinh thay thế một cách bền vững. Và vì vậy, ngày 04-01-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đây là kết luận mới và rất quan trọng. Kết luận này được cụ thể một số nội dung sau:

Thứ nhất, chuyển trọng tâm chính sách dân số, từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”, với các nội dung được Kết luận số 119-KL/TW chỉ rõ, như: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Như vậy, với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với 6 nội dung, có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với trước đây là chỉ tập trung vào nội dung kế hoạch hóa gia đình. Việc “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”, về bản chất là sự mở rộng chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đây là một chủ trương mới và rất lớn của Đảng, là một bước ngoặt lớn trong chính sách dân số của Việt Nam, kể từ năm 1961 đến nay.

Thứ hai, chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển, công tác kế hoạch hóa gia đình được thực hiện theo phương thức mới và hoàn toàn không phải là “từ bỏ kế hoạch hóa gia đình. Ví như vẫn phải “duy trì mức sinh thay thế” để trung bình số con của mỗi bà mẹ khoảng 2,0 - 2,1 con, thì không thể “từ bỏ kế hoạch hóa gia đình” được. Do đó, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ cũng phải được tăng cường và phù hợp giữa các địa phương có mức sinh khác nhau như Kết luận số 119-KL/TW chỉ rõ: “Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.

Thứ ba, lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển. Quy mô, cơ cấu, phân bố dân số đã và đang có xu hướng biến đổi nhanh. Để bảo đảm nguyên tắc con người là trung tâm của phát triển; để kế hoạch có tính thực tiễn, hiệu quả cao, phải tổ chức tốt công tác dự báo dân số và tính đến yếu tố dân số trong kế hoạch hóa phát triển. Trước hết là kế hoạch hóa lao động - việc làm tận dụng cơ cấu dân số vàng; kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo; kế hoạch hóa y tế cần tính đến cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh, di cư; chính sách an sinh xã hội cần tính đến già hóa dân số diễn ra nhanh.

Thứ tư, đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông mà trọng tâm là “dân số và phát triển”. Điều này không đơn giản, vì những tư duy kế hoạch hóa gia đình trong hơn nửa thế kỷ qua, đã “ăn sâu” trong mỗi cặp vợ chồng, trong từng gia đình và trong toàn xã hội. Thành tựu đạt mức sinh thay thế một cách vững chắc; cơ cấu dân số thay đổi nhanh và đã hình thành cơ cấu dân số “vàng”; già hóa dân số; mất cân bằng giới tính khi sinh; di dân, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ; tác động kinh tế - xã hội trong thời kỳ mức sinh thấp, gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân; các giải pháp nâng cao chất lượng dân số (yêu cầu tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sau sinh,...) cần được thông tin, tuyên truyền rộng rãi không những cho người dân mà còn cần cho cả cán bộ, nhất là các nhà hoạch định chính sách. Với những nội dung trên, việc đa dạng hóa kênh truyền thông, chuyển tải những thông điệp phù hợp tới từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền là yêu cầu cấp bách hiện nay./.

----------------------------------------------------------------------

(1) Từ khi bước vào “quá trình già hóa” đến khi đạt đến ngưỡng “dân số già” ở nước ta chỉ diễn ra trong khoảng 27 năm (2011 - 2038). Trong khi đó, ở Pháp là 115 năm, ở Thụy Điển: 85 năm, ở Úc: 73 năm, ở Mỹ: 69 năm...
(2) Chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những thước đo chất lượng dân số. Năm 1990, HDI của Việt Nam là 0,475 xếp thứ 108 trong 144 nước so sánh; năm 2014, HDI tăng lên 0,666 xếp thứ 116/188 nước so sánh. Rõ ràng, chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao.

Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng, Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế

Theo Tạp chí Cộng sản