(Mặt trận) - Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Bởi lẽ, ở nước ta, hầu hết những người có chức vụ, thực chất có quyền - là đảng viên, chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và cũng chỉ người có chức, quyền mới có thể lợi dụng chức, quyền để trục lợi (tức là tham nhũng). Thực tế cũng đã chỉ ra, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vừa là một trong những phương thức, công cụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả, vừa là một trong những phương thức phát hiện nhanh, sớm và hiệu quả các dấu hiệu tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã làm rõ những kẻ hở, bất cập của cơ chế, chính sách dễ bị lợi dụng để tham nhũng, từ đó góp phần dự báo tham nhũng có thể xảy ra, để chủ động có chủ trương, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Thực tế các nhiệm kỳ vừa qua, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, lựa chọn đối tượng, nội dung, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp dễ phát sinh tham nhũng, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cán bộ; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên,… đã kết luận và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời một số tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, trong đó có một số vụ nổi cộm liên quan đến tham nhũng. Nhất là từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng đến nay, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư với quyết tâm chính trị cao đã lãnh đạo, chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiên quyết, kiên trì và bằng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể và một số cá nhân, như: Ban Thường vụ Đảng uỷ: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng cục Hậu cần Bộ Công an, Quân chủng Phòng không không quân - Bộ Quốc phòng,...; Ban Cán sự Đảng các bộ: Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông,...; Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố: Thành uỷ Đà Nẵng, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc,...; Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trong thực hiện công tác cán bộ, Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong thực hiện dự án Formosa; Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ... Qua kiểm tra đã kết luận rõ các sai phạm, trong đó có những biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để trục lợi, đồng thời đã kết luận và xử lý nghiêm minh những tập thể và cá nhân đương chức hoặc nghỉ hưu có sai phạm, kể cả truy tố hình sự, được đảng viên, nhân dân đồng thuận cao, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Đây là một bước đột phá lớn trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với phòng, chống tham nhũng nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa đạt như mong muốn. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng có tăng, nhưng vẫn còn thấp, việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm. Công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng từ sinh hoạt đảng, nội bộ cơ quan, đơn vị còn nhiều yếu kém, rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra, thanh tra nội bộ...
Qua các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo có liên quan đến tham nhũng vừa qua, cho thấy: Nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên là đối tượng kiểm tra chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thấy hết trách nhiệm hoặc còn né tránh trách nhiệm của tập thể và cá nhân; cấp uỷ, tổ chức đảng chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định, quy trình phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chưa cụ thể hoá phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của tổ chức, cơ quan, đơn vị nên lúng túng trong quá trình thực hiện; tổ chức ở những nơi xảy ra vi phạm thường có biểu hiện buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý, thiếu chỉ đạo kiểm tra, giám sát, nể nang, né tránh; tình trạng thiếu dân chủ dẫn đến người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để chi phối, thao túng, thâu tóm quyền lực làm trái hoặc lợi dụng cơ chế tập thể hợp lý hoá ý đồ cá nhân nhằm trục lợi, dẫn đến sai phạm. Tuy nhiên, tình trạng trên chưa có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, nghiêm minh, dẫn đến những vi phạm kéo dài và rất nghiêm trọng.
Vì vậy, để phát huy kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, yếu kém trên, góp phần tích cực, chủ động hơn nữa vào phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với phòng, chống tham nhũng, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chính sau đây:
Một là, công khai và tuyên truyền rộng rãi về tính chất nguy hại của tham nhũng, "lợi ích nhóm" nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, trước hết là cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp về phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm" làm cho hàng triệu con mắt, lỗ tai của quần chúng tham gia vào phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm", làm cho văn hoá phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm" thấm sâu vào đời sống xã hội, để cho mọi người khinh ghét, lên án kẻ tham nhũng, "lợi ích nhóm" và kẻ tham nhũng, "lợi ích nhóm" tự nhận thấy xấu hổ trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, trước xã hội, gia đình và bạn bè, người thân để chủ động tránh.
Hai là, kiểm soát chặt chẽ quyền lực được giao cho tổ chức, cá nhân, nhất là của người đứng đầu để ngăn ngừa, chặt đứt điều kiện, cơ hội gây ra tham nhũng, "lợi ích nhóm". Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mẫu mực, trong sáng, trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII) về công tác cán bộ và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Quy định trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn của mình và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm" ở ngay cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Ba là, hoàn thiện các quy định của Đảng, ban hành, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ công tác kiểm tra, giám sát đối với phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm". Đồng thời, các cấp uỷ, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm"; nâng cao tinh thần tự phê bình, phê bình, văn hoá "tự sửa", "tự xử" và tính chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Bốn là, cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhất là các vụ việc liên quan đến tham nhũng. Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, xác định đúng đối tượng, nội dung và thời điểm kiểm tra; tổ chức đoàn kiểm tra bảo đảm số lượng, chất lượng, xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra có chất lượng, hiệu quả. Tổ chức tốt việc thu thập và giải quyết đơn tố cáo dấu hiệu tham nhũng, "lợi ích nhóm". Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong phát hiện dấu hiệu tham nhũng, "lợi ích nhóm". Thực hiện giám sát thường xuyên và tăng cường giám sát chuyên đề để chủ động kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực, phát hiện sớm dấu hiệu tham nhũng, "lợi ích nhóm" của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu để kiểm tra, kết luận và xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, nghiêm minh và đồng bộ cả về kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền và xử lý bằng pháp luật, không có vùng cấm, không có vùng trắng, không có ngoại lệ, không có khoan nhượng, không có điểm dừng, không nhẹ trên, nặng dưới, không trên nóng, dưới lạnh, không để tình trạng trên thì chuyển động, dưới thì im lặng,... Đối với những vụ việc phức tạp về tham nhũng, "lợi ích nhóm", uỷ ban kiểm tra cấp trên cần hỗ trợ, "tiếp sức" cho uỷ ban kiểm tra cấp dưới, khi cần thiết có thể kiểm tra cách nhiều cấp. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, chất lượng hiệu quả phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm". Những vụ vi phạm nghiêm trọng, làm thất thoát lớn hoặc chiếm dụng tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân, ngoài việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần thông báo đến các tổ dân phố để người dân, lên án và tích cực đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, "lợi ích nhóm".
Năm là, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, "lợi ích nhóm". Cần tăng hình thức kỷ luật đối với các hành vi tham nhũng, "lợi ích nhóm"; sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, theo hướng coi tham nhũng là giặc “nội xâm” là "việt gian bán nước" để có chế tài xử lý nghiêm khắc, đồng bộ, triệt để hơn; đồng thời mở rộng sự khoan hồng cho người ra đầu thú sớm, chủ động khai báo thành khẩn và khắc phục hậu quả, tạo điều kiện cho những người hối cải chuộc lỗi, đồng thời có tác dụng răn đe lớn với các đối tượng khác. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, "lợi ích nhóm" và tiếp tục thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định.
Đối với những trường hợp đã tham nhũng, "lợi ích nhóm" cần quy định việc thu hồi đầy đủ tài sản do tham nhũng, đồng thời có quy định tỷ lệ phạt về giá trị vật chất cao hơn giá trị do tham nhũng mà có, kể cả người đó đã nghỉ hưu hoặc đã chết (nếu chết thì tịch thu của những người đang thụ hưởng tài sản của người tham nhũng) để không dám tham nhũng. Khi vừa thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 27/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 223 về trừng trị các tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, trong đó tại Điều thứ nhất ghi rõ: "Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, hoặc phu lạm, hoặc biển thủ công quỹ hay của công dân đều bị phạt khổ sai từ 5 đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ, phu lạm hay biển thủ. Tang vật hối lộ bị tịch thu sung công. Người phạm tội còn có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản". Cán bộ, đảng viên ở "ngôi vị" càng cao, càng phải xử nặng; làm mạnh và kiên quyết, triệt để, nghiêm khắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không sợ "đụng chạm", không sợ "liên lụy", không sợ thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta...
Chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự điều hành, quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân, chúng ta sẽ từng bước đấu tranh kiên quyết, kiên trì, triệt để, bài bản, thận trọng, không nóng vội, không chủ quan thì nhất định sẽ ngăn ngừa, khắc phục, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tham nhũng, "lợi ích nhóm". Trong đó công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thực sự là một trong những công cụ quan trọng và đóng góp tích cực hơn nữa vào việc phòng, chống tham nhũng, "lợi ích nhóm" ở nước ta.
Cao Văn Thống
Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương