Chuẩn bị sẵn sàng để hướng tới Ngày hội của non sông

(Mặt trận) - Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường nhưng đến thời điểm này, Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ban Bầu cử, Tổ Bầu cử ở các địa phương trên cả nước đang gấp rút chuẩn bị chu đáo cho ngày hội lớn (23/5), ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Ảnh: Quang Vinh

Đề cao công tác phòng dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngày 8/5/2021, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ký ban hành Công văn số 2343/MTTW-BTT về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế; đồng thời đảm bảo điều kiện thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Công văn cũng nhấn mạnh tới việc Mặt trận các cấp cần chủ động phối hợp để tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tế. Địa phương nào có dịch phải thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ và ngành y tế; vận động cử tri thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi đi bầu cử đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn, tránh đi bầu cử tập trung vào cùng một thời điểm dẫn đến đông người làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đối với công tác triển khai thực hiện công tác bầu cử tại các địa phương, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn. Tại các địa phương, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Bầu cử cùng cấp để triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn, tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử theo tinh thần đảm bảo an toàn chống dịch và đúng theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được thành lập theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Cụ thể, theo báo cáo số 1924/BC-BNV của Bộ Nội vụ: có 63 Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh; 682 Ủy ban bầu cử cấp huyện và 10.134 Ủy ban Bầu cử cấp xã; 184 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.059 Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 6.188 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 69.619 Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Cùng với đó, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, tại mỗi khu vực bỏ phiếu, các địa phương đã thành lập 84.767 tổ bầu cử.

Ủy ban nhân dân cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn, trong đó, chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu…, nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân.

Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, trên cả nước có tổng số cử tri là 69.198.594 người thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021.

Trong công tác chuẩn bị an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, thành viên Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế của Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Minh Đức cũng cho biết, tiểu ban đã phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an và Y tế xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn các địa phương để mỗi địa bàn đều có phương án bảo đảm an toàn tốt nhất cho quá trình chuẩn bị bầu cử, cũng như ngày bầu cử 23/5.  

Không chỉ xây dựng kịch bản, chuẩn bị phương án xử lý các tình huống phát sinh, Tiểu ban đã yêu cầu các Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố báo cáo thông tin liên quan về tình hình an ninh trật tự, dịch tễ, các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn bầu cử theo tuần.

Đến nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên toàn quốc đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Lực lượng Công an phối hợp với Quân đội có kế hoạch cụ thể bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các ‘‘điểm nóng’’ có thể xảy ra trên địa bàn.

"Từ tháng 4 đến ngày bầu cử, Tiểu ban yêu cầu các địa phương, bộ ngành liên quan báo cáo theo từng ngày. Các địa phương nếu có tình huống phát sinh đều phải báo cáo ngay để Hội đồng Bầu cử quốc gia xác định phương án xử lý nhanh nhất, bảo đảm an toàn cho quá trình chuẩn bị bầu cử. Với tinh thần xử lý nhanh nhất mọi tình huống phát sinh, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19", ông Nguyễn Minh Đức thông tin.

Cũng tại Văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT ngày 13/4/2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia đề cập tới nội dung: trong trường hợp cử tri đã được phát thẻ cử tri nhưng sau đó di chuyển đến nơi ở khác và vì lý do dịch bệnh mà không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã có tên trong danh sách cử tri thì chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, cử tri mang thẻ cử tri đã được phát đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu để đề nghị được bổ sung vào danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại nơi mới. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận được đề nghị của cử tri có trách nhiệm thu lại thẻ cử tri mà cử tri đã được cấp trước đó, bổ sung danh sách cứ tri và cấp thẻ cử tri mới để cử tri tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu phù hợp trên địa bàn, đồng thời thông báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã phát thẻ cử tri cũ để cập nhật vào danh sách cử tri thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Ngày 8/5/2021, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Văn bản số 214/VPHĐBCQG-TT thông báo ý kiến của Hội đồng Bầu cử quốc gia về việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Tổ bầu cử phối hợp chặt chẽ với cán bộ ở thôn, tổ dân phố khẩn trương thực hiện rà soát danh sách cử tri trong quá trình phát thẻ cử tri cho cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị hòm phiếu phụ. Trường hợp đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu (7 giờ ngày 23.5.2021) mà Tổ bầu cử vẫn không thể liên hệ được với cử tri để phát thẻ cử tri do cử tri có tên trong danh sách không có mặt tại nơi đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì Tổ bầu cử thông báo đến UBND cấp xã để xóa tên người đó trong danh sách cử tri.

UBND cấp xã nơi nhận được đề nghị của cử tri có trách nhiệm thu lại thẻ cử tri mà cử tri đã được cấp trước đó, bổ sung danh sách cử tri và cấp thẻ cử tri mới để cử tri tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu phù hợp trên địa bàn, đồng thời thông báo ngay đến UBND cấp xã nơi đã phát thẻ cử tri cũ để cập nhật vào danh sách cử tri thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác. 

Đối với trường hợp cử tri đã có tên trong danh sách cử tri nhưng chưa nhận được thẻ cử tri mà nay lại có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại địa phương khác nhưng do điều kiện phòng, chống dịch bệnh nên không thể quay về khu vực bỏ phiếu mà mình đã có tên trong danh sách cử tri để xin cấp giấy chứng nhận để tham gia bỏ phiếu ở nơi khác thì cũng có thể đến UBND cấp xã nơi mình có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu để đề nghị được bổ sung vào danh sách cử tri và thực hiện bỏ phiếu trên địa bàn. UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để cử tri được bổ sung tên vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu phù hợp trên địa bàn và thông báo ngay đến UBND cấp xã nơi cử tri đã có tên trong danh sách cử tri trước đó để cập nhật thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư số 1/2021 về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở địa phương. Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng có Văn bản số 660/HĐBCQG-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri để bảo đảm quyền của công dân trong điều kiện danh sách cử tri sẽ còn nhiều biến động do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cá đơn vị chức năng đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình hoạt động của các cơ quan thường trú ngoại giao, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức nhân quyền quốc tế trên địa bàn. Các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, địa điểm bỏ phiếu, in ấn, cấp phát tài liệu, thẻ cử tri, danh sách, tiểu sử những người ứng cử, phiếu bầu cử... đã được các địa phương quan tâm, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm bàn giao cho các tổ chức phụ trách bầu cử theo đúng thời hạn quy định.

14 tỉnh, thành phố có các khu vực bỏ phiếu được bầu cử sớm

Đại tá Lê Đình Việt, Tổ trưởng Tổ Bầu cử sớm trên biển chứng kiến cử tri Nhà giàn DK1/16 bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, ngày 12/5/2021. Ảnh: TTXVN phát 

Tính đến thời điểm này, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã đồng ý cho phép 14 tỉnh, thành phố trong toàn quốc có các khu vực bỏ phiếu được phép tiến hành bầu cử sớm so với ngày bầu cử 23/5/2021 đã được Quốc hội ấn định. Ngoài các Khu vực bỏ phiếu sớm tại Kon Tum và Đắk Lắk còn có thành phố Hải Phòng, Cần Thơ, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Đắk Nông, Hậu Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An cũng có khu vực bầu cử sớm trước ngày bầu cử 23.5.2021.

Theo đó, ngày 12/5, tàu Cảnh sát biển (CSB) 9003 đang thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên khu vực vùng biển thềm lục địa phía Nam của Việt Nam đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham gia bầu cử sớm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và Ủy ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai công tác bầu cử cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tàu CSB 9003 đang thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển. CBCS tàu CSB 9003 sẽ tham gia bầu cử sớm trên biển tại Tổ bầu cử số 9 (thuộc đơn vị bầu cử của tỉnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thượng tá Lê Văn Tú, Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 cho biết: “Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên về việc tăng cường CBCS và phương tiện lên đường làm nhiệm vụ tại vùng biển nhằm phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, ngày 12/5, tất cả CBCS tàu CSB 9003 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng đã cập mạn tàu Trường Sa 19 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân để CBCS trên tàu thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026".  

Tại đây CBCS tàu CSB 9003 đã được đại diện Tổ bầu cử số 9 phổ biến, quán triệt về nguyên tắc, thể lệ bầu cử, nhận thẻ cử tri, nghiên cứu danh sách ứng cử viên đại biểu các cấp. Đúng 8 giờ 30 phút CBCS tàu CSB 9003 đã thực hiện nghi thức chào cờ, hát quốc ca, khai mạc bầu cử. Chỉ trong ít phút, 100% CBCS tàu CSB 9003 đã bỏ phiếu, hoàn thành nghĩa vụ công dân và quyền đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.