Bến Tre, Quảng Nam, An Giang: Bảo đảm tiến độ và quy trình bầu cử

(Mặt trận) - Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, để đảm bảo tiến độ và các bước của quy trình bầu cử, ngày 22/4, các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, An Giang đã họp nhằm thông qua dự kiến phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo các đơn vị bầu cử; dự thảo văn bản công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và hướng dẫn tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri đối với người ứng cử.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN 

 Ngày 22/4, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bến Tre tổ chức kỳ họp thứ 5, Kỳ họp nhằm báo cáo kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ 3; thông qua dự kiến phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo các đơn vị bầu cử; dự thảo văn bản công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; đại diện các đoàn kiểm tra, giám sát báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện công tác kiểm tra bầu cử đối với cấp huyện, cấp xã.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi đề nghị Ủy ban Bầu cử các cấp hoàn thiện hồ sơ danh sách những người ứng cử; tập trung công tác tập huấn nghiệp vụ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bầu cử, các ứng cử viên để mọi người hiểu nhiệm vụ, quy trình thủ tục, kỹ năng tiếp xúc cử tri; rà soát, niêm yết danh sách cử tri; hoàn thiện các hồ sơ, thông tin còn thiếu sót được các đại biểu góp ý; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất chống dịch và trang thiết bị cho bầu cử. Tiểu ban Tuyên truyền cần triển khai các giải pháp, phương thức tuyên truyền để người dân đi bầu cử, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ cử tri. Thành viên Ủy ban Bầu cử tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, sự phân công và kế hoạch tập trung cần thực nhiệm vụ, tăng cường giám sát địa bàn phụ trách.

Trước đó, ngày 16/4, tại Hội nghị hiệp thương lần ba, căn cứ số lượng, cơ cấu và thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, các đại biểu thống nhất giới thiệu 10 người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Như vậy, đơn vị tỉnh Bến Tre có 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (trong đó, có 3 người do Trung ương giới thiệu) để bố trí cho 3 đơn vị bầu cử.

Hội nghị hiệp thương lần ba cũng thống nhất giới thiệu 87 người tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó có 31 nữ (đạt 35,63%), 25 người trẻ tuổi (28,73%), 9 người ngoài đảng (10,34%) và 31 người tái ứng cử (35,63%).

Tại các huyện, thành phố và các xã, thị trấn, Ủy ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã lập danh sách 493 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 6.686 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

* Ngay sau khi hoàn thành công tác hiệp thương lần thứ 3, sáng 22/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 để triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại Quảng Nam đạt được tiến độ theo kế hoạch đề ra. Từ ngày 13/4, UBND cấp xã đã tiến hành xong việc lập và niêm yết danh sách cử tri theo quy định tại trụ sở UBND cấp xã và tại nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu để cử tri kiểm tra, giám sát, phát hiện thiếu sót, kịp thời bổ sung, điều chỉnh; đồng thời, viết thẻ cử tri để phát cho cử tri tham gia bỏ phiếu.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, để đảm bảo tiến độ và các yêu cầu, quy trình bầu cử theo luật định, Ủy ban Bầu cử tỉnh sẽ thiết lập đường dây nóng, đặt tại Văn phòng Ủy ban Bầu cử tỉnh (trụ sở Sở Nội vụ) nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong ngày bầu cử. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thành lập đường dây nóng để giải quyết những vấn đề phát sinh tại cơ sở và có trách nhiệm báo cáo tình hình trước, trong và sau ngày bầu cử.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, xuất phát từ thực tế và yêu cầu đặt ra, Ủy ban Bầu cử tỉnh đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cho ý kiến đối với việc tổ chức bầu cử sớm tại 6 xã biên giới thuộc huyện Nam Giang; hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử đối với công dân Việt Nam đang làm việc tại Lào.

Cụ thể là trường hợp các công nhân Việt Nam, trong đó có nhiều người có hộ khẩu thường trú tại xã La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đang làm việc tại Công ty Thủy điện Xê Ka Man đóng trên lãnh thổ Lào, gần Cửa khẩu Nam Giang. Theo quy định, số công nhân này đã được lập danh sách cử tri, sẽ bỏ phiếu bầu tại khu vực bầu cử thuộc xã La Dêê và bỏ phiếu cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Dêê tại Cửa khẩu Nam Giang. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, số công nhân này không được ra khỏi công ty vì phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Do đó, họ không thể đến bỏ phiếu tại Cửa khẩu Nam Giang.

Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng nhấn mạnh: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức tốt Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người ứng cử dù là lãnh đạo Trung ương hay ở cơ sở đều được bình đẳng trong quá trình vận động bầu cử. Đối với các ứng cử viên phải luôn tôn trọng cử tri thể hiện qua việc nghiên cứu và xây dựng Chương trình hành động của mình trong quá trình vận động bầu cử.

Đối với các địa phương, đề nghị Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện thị xã, thành phố tích cực phối hợp tổ chức tốt các Hội nghị tiếp xúc cử tri và làm tốt công tác vận động cử tri tham dự đông đủ. Cuộc vận động bầu cử sẽ được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ban Chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh An Giang họp lần thứ 3 
* Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021-2026) trên địa bàn An Giang được tiến hành đảm bảo về nội dung, thời gian theo luật định. Các tiểu ban giúp việc, các sở, ban, ngành thành viên UBBC tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tiến độ đã đề ra.

Đến nay, UBBC tỉnh đã tiếp nhận 129 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành. Trên cơ sở đó đã ban hành 56 văn bản liên quan đến công tác bầu cử để chỉ đạo, hướng dẫn UBBC cấp huyện, xã triển khai thực hiện. Tỉnh đã thành lập 3 Ban bầu cử ĐBQH, 16 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 107 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.160 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 1.386 Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu theo đúng quy định.

Cơ quan thường trực UBBC tỉnh tiếp nhận 15 hồ sơ ứng cử ĐBQH, 1 trường hợp tự ứng cử xin rút không tham gia ứng cử; 110 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 1 trường hợp tự ứng cử xin rút không tham gia ứng cử; 694 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 7.914 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. UBND các xã, phường, thị trấn đã điều tra, rà soát tổng hợp danh sách cử tri những người đủ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo từng khu vực bỏ phiếu để đưa vào danh sách cử tri.

Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh An Giang đã thống nhất lựa chọn, lập danh sách 11 người ứng cử ĐBQH khóa XV và 103 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh (nhiệm kỳ 2021-2026). UBBC tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền bầu cử; đảm bảo tình hình an ninh trật tự...

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương cho biết: “Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn và đăng tải đề cương tuyên truyền cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tài liệu hỏi - đáp về bầu cử trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh để các địa phương, đơn vị tuyên truyền, đồng thời phổ biến rộng rãi trong nội bộ và nhân dân; hướng dẫn lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội các cấp đăng tải, chia sẻ các tin, bài viết tích cực, các bài viết phản bác lại các luận điệu xuyên tạc về cuộc bầu cử trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook...”.

Để đảm bảo an ninh trật tự và y tế cho cuộc bầu cử, Tiểu ban an ninh, trật tự và y tế UBBC tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo các điều kiện để công tác tổ chức bầu cử được hoàn thành tốt, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời xây dựng kế hoạch, kịch bản về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để ứng phó kịp thời, hiệu quả trong thời điểm diễn ra bầu cử theo chỉ đạo của UBBC.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: “Đã khẩn trương, tích cực, chủ động, quyết liệt triển khai có hiệu quả các mặt công tác bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử. Triển khai các phương án để bảo vệ tốt công tác bầu cử trên cơ sở phân công, phối hợp giữa 3 lực lượng công an, quân sự, y tế, giải quyết, xử lý các khiếu nại, khiếu kiện nếu có phát sinh một cách triệt để. Xây dựng 3 phương án bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh COVID-19. Hiện đang đấu tranh với các loại tội phạm, trộm cắp, đấu tranh tội phạm không gian mạng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để phát sinh các “điểm nóng”, phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử”.

Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh lần thứ 3, bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Trưởng ban Chỉ đạo Bầu cử tỉnh An Giang nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ đã chuẩn bị để tổ chức thành công bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Đề nghị các thành viên ban chỉ đạo tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo khí thế sôi nổi cho công tác bầu cử, nâng cao kiến thức cử tri, để người dân thực hiện tốt quyền bầu cử, đấu tranh với các luận điệu xấu độc. Về công tác nhân sự, tổ chức thực hiện tốt hội nghị hiệp thương lần thứ 3 chọn lực lượng ứng cử viên tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn, điều kiện và chất lượng; lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. Công tác vận động tranh cử làm đúng thời gian, đúng luật, bình đẳng. Tập trung lãnh đạo công tác nhân sự; phân bổ, niêm yết danh sách ứng cử viên ĐBQH và HĐND các đơn vị bầu cử dân chủ; tăng cường giải quyết khiếu nại tố cáo; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.

Bà Võ Thị Ánh Xuân lưu ý, tổ chức tiếp xúc cử tri; in ấn và cấp phát tài liệu liên quan đến bầu cử kịp thời, đảm bảo số lượng theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các ứng cử viên; tập huấn nghiệp vụ về công tác bầu cử cho các ban bầu cử, tổ bầu cử; cập nhật biến động số lượng cử tri. Chủ động xây dựng phương án phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, phá hoại, gây rối để chủ động trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử. Có kịch bản phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cháy nổ trước, trong và sau thời gian diễn ra bầu cử.../.