Bác Hồ với việc chống tham nhũng, tham ô, lãng phí…

(Mặt trận) - “Quan liêu là nói cán bộ, chứ còn đồng bào có mệnh lệnh gì ai. Còn tham ô thì cũng thường do mấy chú có chức có quyền lợi dụng mà tham ô, tình hình mất dân chủ cũng thế... Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí”. (Hồ Chí Minh)

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Vào dịp Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam mới, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo, Hồ Chủ tịch nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn ở cánh đồng xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây  năm 1958. (Ảnh TL)

Cũng xuất phát từ ham muốn tột bậc đó, ngay sau ngày độc lập, Người đã chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại phiên họp quan trọng này, Người nêu sáu nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, đó là: “Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để cứu giúp người nghèo; mở chiến dịch chống nạn mù chữ; mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại; bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện...”. Ngày 17/10/1945, Báo Cứu quốc đăng thư của Người gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư Người đã chỉ rõ những lỗi lầm mà các cấp chính quyền ở một số nơi lúc bấy giờ mắc phải như: Cậy thế, tham ô, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Những lỗi lầm, sai sót đó đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cách mạng, đến mối quan hệ giữa chính quyền, giữa Đảng với nhân dân. Người căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Ngày 3/4/1946, Người ký Sắc lệnh lập “Ban Trung ương vận động đời sống mới” nhằm giáo dục cho cán bộ và nhân dân tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, xoá bỏ tư tưởng và tập quán lạc hậu của chế độ thực dân phong kiến. Ngày 17/3/1952, Người viết bài về chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Bài báo có đoạn: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”.

Chúng ta từng biết, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã từng ký lệnh tử hình đối với Trần Dụ Châu, Đại tá, phụ trách quân nhu vì tội tham nhũng. Về vấn đề chống lãng phí, trong bài đăng Báo Nhân dân 20/6/1959 phê phán một số địa phương mổ bò bừa bãi, Bác viết: “Hội nghị xóm mổ bò. Hội nghị xã mổ bò. Hội nghị huyện cũng mổ bò! Ngược đời hơn nữa là: Hội nghị phụ lão bàn về sản xuất và tiết kiệm, hội nghị liên hoan tổ đổi công và khai mạc HTX nông nghiệp cũng đều mổ bò! Có HTX mổ đến 2 con! Đó là lãng phí rất nghiêm trọng và khá phổ biến.”

Trong bài nói chuyện của Bác Hồ với cán bộ và nhân dân Hà Bắc tại cuộc mít tinh ở sân vận động thị xã Bắc Giang ngày 17/10/1963, Người kêu gọi: "... Phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại, như lười biếng, cờ bạc, buôn gian bán lậu, tiêu sài xa xỉ, gả bán, cưỡng ép v.v... Để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đồng bào các dân tộc phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà. Cán bộ phụ trách các ngành từ tỉnh đến xã phải đi sâu, đi sát cơ sở, phải thực sự quan tâm đời sống nhân dân. Phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Bác đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo và đòi hỏi nghiêm khắc phẩm chất, năng lực của họ.

Ngày mùng 1 Tết Đinh Mùi (1967) khi về thăm Hà Bắc, Bác nói: “Hà Bắc có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có nhiều khuyết điểm. Có những khuyết điểm đó là do đâu?... Bác nghe nói thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, mất dân chủ ở đây vẫn còn nhiều. Việc này Bác hỏi đồng bào có thể trả lời, bởi vì hỏi các cô, các chú cán bộ thì khó trả lời. Quan liêu là nói cán bộ, chứ còn đồng bào mệnh lệnh gì ai. Còn tham ô thì cũng thường do mấy chú có chức có quyền lợi dụng mà tham ô, tình hình mất dân chủ cũng thế.

Trong buổi nói chuyện với đồng bào, Bác còn yêu cầu: “Cán bộ phải tôn trọng dân chủ, nhưng đồng bào phải đòi quyền dân chủ nhân dân của mình. Mình làm cách mạng để thực hiện dân chủ, không phải làm cách mạng để thành “Cán chủ”. Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã giành nhiều thắng lợi to lớn như Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, nhưng tham nhũng, tiêu cực, tham ô, lãng phí, tệ nạn xã hội… vẫn còn nhiều mà toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm tiêu diệt. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được toàn dân hưởng ứng. Đảng ta cũng đã có Nghị quyết 04 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng nhằm tạo bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về phòng, chống tham nhũng. Chúng ta lại có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết lần thứ 4, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân ta đang đồng sức, đồng lòng quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm tham nhũng”. Và, những lời Bác Hồ dạy chúng ta về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta trên con đường đổi mới vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Nguyễn Tuấn Anh

Trưởng ban Tuyên giáo, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam