Bắc Giang, Đồng Nai tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai

(Mặt trận) - Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh: Bắc Giang, Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Các đại biểu biểu quyết thống nhất lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Báo Bắc Giang

Tại Bắc Giang: Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo kết quả giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú thường xuyên và cử tri tại cơ quan, đơn vị đối với người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh.

Qua đánh giá, công tác bầu cử luôn có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và tổ chức thành viên.

MTTQ từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hiện tốt các bước quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm số lượng, cơ cấu, thành phần theo quy định.

Hầu hết hồ sơ của các ứng cử viên đều đáp ứng đúng yêu cầu về thủ tục, điều kiện giới thiệu hoặc tự ứng cử. Các ứng cử viên đều có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và độ tuổi theo đúng quy định, đạt mức độ tín nhiệm cao tại nơi công tác.

Hội nghị đã thảo luận và biểu quyết thống nhất lập danh sách sơ bộ 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV (không tính đại biểu do trung ương giới thiệu). Trong đó, 11 người được cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu và 2 người tự ứng cử. 

Hội nghị thảo luận và biểu quyết thống nhất lập danh sách sơ bộ 148 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu 147 người; tự ứng cử 1 người. Danh sách sơ bộ bảo đảm thành phần, số lượng, cơ cấu theo hướng dẫn.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bầu cử tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, sự phối hợp của Ủy ban Bầu cử tỉnh, Ủy ban MTTQ các cấp trong triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và là ngày hội lớn của toàn dân.

Về nhiệm vụ trước mắt, bà Lê Thị Thu Hồng yêu cầu, sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổ chức tốt hội nghị cử tri nơi cư trú của người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, bảo đảm chặt chẽ về nội dung, trình tự, thời gian theo quy định. Việc tổ chức hội nghị phải bảo đảm thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Huy Anh 

Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua kiểm tra các hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh gửi đến cho thấy, các cơ quan, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đều làm đúng và đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục hồ sơ, đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai, có tính thống nhất cao, đúng luật và đạt yêu cầu về cơ cấu, thành phần do Hội nghị hiệp thương lần 1 đã quyết định.

Cụ thể, về ĐBQH, tổng số ứng cử viên là 21 người. Trong đó, Trung ương giới thiệu 6 ứng cử viên; cơ quan, tổ chức, đơn vị tỉnh Đồng Nai giới thiệu 14 ứng cử viên và 1 ứng cử viên tự ứng cử. Trong đó, tỷ lệ nữ đạt 42,85% (hiệp thương lần thứ 1 dự kiến 40%); tỷ lệ trẻ tuổi đạt 14,28% (hiệp thương lần thứ 1 dự kiến 5%); tỷ lệ tái cử đạt 14,28% (hiệp thương lần thứ 1 dự kiến 15%).

Về đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, có 136 người tham ứng cử, trong đó có 134 người được cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu ứng cử và 2 người tự ứng cử. Theo Ban thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh, qua kiểm tra hồ sơ cho thấy, có 2 đơn vị chưa đạt yêu cầu về cơ cấu kết hợp. Song, hầu hết các trường hợp được giới thiệu đều đạt yêu cầu theo phân bổ của Ban thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh; các đơn vị giới thiệu người đều đạt yêu cầu về định hướng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai Cao Văn Quang phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Huy Anh 

Đáng chú ý, về cơ cấu thành phần, tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu trẻ tuổi đều tăng so với dự kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ 1. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu nữ: 44,1% (dự kiến 34,81%); ngoài Đảng: 10,29% (dự kiến 9,63%); trẻ tuổi: 26,47% (dự kiến 14,81%).

Bên cạnh đó, về cơ cấu chính trị xã hội, đại biểu khối MTTQ và các đoàn thể, khối tổ chức, xã hội nghề nghiệp tăng ứng cử viên so với dự kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ 1. Cụ thể, Khối MTTQ và các đoàn thể tăng 4 ứng viên, đạt là 8,82% (dự kiến 5,93); khối tổ chức, xã hội, nghề nghiệp tăng 1 ứng viên, đạt tỷ lệ 5,14% (dự kiến 4,44%).

Theo đánh giá tại các hội nghị, đây đều là những thay đổi phù hợp với định hướng chung. Do đó, các đại biểu đều nhất trí cao thông qua biên bản và danh sách sơ bộ của những người ứng cử ĐBQH khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 tỉnh. Trong đó, một số ý kiến bày tỏ sự phấn khởi trước chất lượng của người ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh kỳ này, đặc biệt là ở việc trình độ tri thức, chuyên môn của người ứng cử cao; tỷ lệ người trẻ tuổi và tỷ lệ nữ tăng lên…

Các hội nghị cũng bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử; lấy ý kiến cử tri nơi công tác, hoặc nơi làm việc của người tự ứng cử. Theo đó, từ ngày 21-3 đến 13-4 sẽ triển khai việc lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên ĐBQH và HĐND tỉnh theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang nhấn mạnh, hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND là một hội nghị rất quan trọng, nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân tham gia góp ý trực tiếp đối với việc giới thiệu nhân sự để xem xét ứng cử viên đó có thật sự đủ tiêu chuẩn, phẩm chất của người đại biểu hay không. Qua đó, sẽ tìm được những ứng cử viên thật sự xứng đáng để tiếp tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 nhằm xem xét đưa vào danh sách bầu cử chính thức. Yêu cầu của việc lấy ý kiến nhận xét tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH và HĐND là phải được thực hiện dân chủ, đúng pháp luật, đảm bảo thời gian quy định.