Xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm sát thực tiễn

(Mặt trận) - Bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội cũng khẳng định vai trò quan trọng của dự án luật này, đồng thời góp ý một số nội dung liên quan việc bảo đảm hoạt động cho lực lượng quan trọng ở cơ sở này.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 27/10/2023 

Đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới

Góp ý vào dự án luật tại phiên họp của Quốc hội sáng 27/10, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) nhấn mạnh, đây là dự án luật có vai trò rất quan trọng, nhiều nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có tác động trực tiếp đến người dân, liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Dự thảo luật so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã được tiếp thu tối đa các ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, có nhiều điểm mới và cần thiết được thông qua tại kỳ họp này.

Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy dự thảo luật đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng này gắn với kiện toàn, tinh gọn đầu mối nhằm tăng cường công tác bảo đảm ANTT, xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đại biểu cũng cho rằng, việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi kiện toàn ba lực lượng là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gọn đầu mối, dễ điều hành và không làm tăng biên chế.

Mặt khác, về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu bày tỏ thống nhất cao với dự thảo luật quy định sáu nhóm nhiệm vụ từ Điều 7 đến Điều 12. Theo đó, lực lượng này chỉ tham gia hỗ trợ công an cấp xã bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa bàn cơ sở, không trùng lặp nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở.

Cũng bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải ban hành dự án luật, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, đây là một quyết sách góp phần bảo đảm sự bình yên, an ninh cho nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là dự án luật mà Quốc hội khóa XIV chưa thống nhất thông qua tại Kỳ họp thứ 10, năm 2020. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nội dung luật có gì khác biệt so với khi trình Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ, khi dự án luật này được ban hành thì ngân sách nhà nước phải chi tăng thêm bao nhiêu trong khoản chi thường xuyên, vì với quy định của dự án luật, lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được bố trí địa điểm làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị trang phục, công cụ hỗ trợ…

Bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở

Góp ý tại Điều 26 về nhiệm vụ chi của địa phương, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, tại địa phương nhiều, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách về phát triển kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương hằng năm rất lớn nên vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương còn rất khó khăn, ngân sách chủ yếu là phụ thuộc vào Trung ương.

Trong khi đó, chính sách do Trung ương đã ban hành và được ban hành mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Do vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi theo hướng quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoặc có thể chia theo mức hỗ trợ của các vùng, miền gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và an ninh trật tự của các địa bàn.

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết tổ chức lại lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở theo hướng thống nhất quản lý các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, bảo đảm an ninh trên địa bàn theo luật định là trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền cấp xã, cả hệ thống chính trị, không phải chỉ của công an xã.

Ngược lại, cấp ủy Ủy ban cấp xã và hệ thống chính trị cũng rất cần có lực lượng bảo vệ ANTT cho các hoạt động của mình, tuy nhiên chính quyền cấp xã lại không có công chức và lực lượng công an.

Đại biểu đề nghị quy định trong luật lực lượng này chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy chính quyền cấp xã. Do đó, đại biểu đề nghị sửa Điều 4 của dự thảo luật thành: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở chịu sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã và sự chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của công an xã. Quy định như vậy cũng thuận lợi cho việc cấp kinh phí cho chính quyền cấp xã để trực tiếp tài trợ hay phụ cấp cho lực lượng này.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn

Phát biểu giải trình vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng hợp ý kiến đại biểu từ Kỳ họp thứ 5 đến nay cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành luật cũng như với nhiều nội dung của luật do Chính phủ trình.

Các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật đã được các đại biểu quốc hội cho ý kiến cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giải trình tiếp thu chỉnh lý trong hồ sơ dự thảo luật.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào nhiều nội dung như: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở, việc xây dựng bố trí lực lượng bảo đảm các điều kiện hoạt động đối với lực lượng này, về tổ bảo vệ an ninh, công tác chỉ đạo, quan hệ của các lực lượng này và trách nhiệm của các lực lượng phối hợp chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của lực lượng bảo vệ trị an ở cơ sở, quan hệ giữa lực lượng bảo vệ an ninh ở cơ sở với các tổ chức bảo vệ dân phố, dân phòng hiện nay, bảo đảm ngân sách và các phương tiện hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở, tiêu chuẩn nghĩa vụ, trách nhiệm của người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở…

Bộ trưởng Công an khẳng định, đây là những nội dung đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật và trong quá trình xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở khảo sát, đánh giá toàn diện thực tiễn khách quan, làm cơ sở để đề xuất nội dung quy định như trong dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi.

Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.