Vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, việc tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, có sự đổi mới về nội dung, phương thức. Bài viết đưa ra một số giải pháp góp phần để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy đầy đủ và có hiệu quả cao nhất vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội trong nhiệm kỳ mới 2024 - 2029.

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

MTTQ huyện Gio Linh tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội

Tổng Bí thư chủ trì Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

 

Vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ghi nhận, được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và trong nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng, Nhà nước1. Các văn bản này là cơ sở chính trị - pháp lý cho hoạt động tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xuất phát từ bản chất cũng như từ tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách hiến định là một “tổ chức liên minh chính trị” đã được Hiến pháp ghi nhận2. Là “tổ chức liên minh chính trị” nên tôn chỉ, mục tiêu và nội dung hoạt động có tính chính trị phải là trọng tâm và ưu tiên xuyên suốt trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong các nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của mình, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và thực hiện giám sát, phản biện xã hội là những hoạt động có tính chính trị cao nhất, thể hiện rõ nhất, sâu sắc nhất tính chất, tôn chỉ và mục đích hoạt động của tổ chức “liên minh chính trị”. Thực sự tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội một cách có hiệu lực và hiệu quả thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới khẳng định được vị thế, vai trò của một “tổ chức liên minh chính trị” đúng nghĩa. Đồng thời, đây cũng là bình diện thể hiện vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” như quy định tại Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam3, thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân trong việc tham chính để bảo đảm Đảng, Nhà nước luôn trung thành với Nhân dân, gắn bó và phục vụ Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân.

Tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang những giá trị và nội dung cụ thể khác nhau. Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện ngày càng có hiệu quả các hoạt động quan trọng như: tham gia góp ý kiến về tổ chức bộ máy và nhân sự cho các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; góp ý về hoạt động của các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và giám sát hoạt động, việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là của những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; tham gia xây dựng, góp ý, phản biện xã hội đối với việc xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng và hiệu quả trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, như: tham gia xây dựng, ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú; tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri để vận động bầu cử; tham gia tuyên truyền phục vụ bầu cử; giám sát cuộc bầu cử... Các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã góp phần quan trọng vào thành công của các cuộc bầu cử.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên lắng nghe, tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước; kịp thời phản ánh về tình hình, ý kiến của Nhân dân với Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề ảnh hưởng lớn đến Nhân dân. Sáu tháng, hằng năm, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước trình bày tại các kỳ họp Quốc hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ngày càng quan tâm thực hiện và nâng cao hiệu quả việc tham dự các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân để phản ánh ý kiến Nhân dân, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, góp ý đối với hoạt động của các cơ quan này. Công tác phối hợp giữa Mặt trận với cơ quan nhà nước cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Tham gia công tác tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Toà án nhân dân cùng cấp lựa chọn người đủ điều kiện, tiêu chuẩn giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân. Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thẩm định hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cùng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả vào việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đầu mỗi nhiệm kỳ Quốc hội và định kỳ hằng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều tham gia góp ý và có kiến nghị về định hướng, kế hoạch và nội dung xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, chủ trì soạn thảo và trình Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia tích cực xây dựng Đề án của Bộ Chính trị “Chiến lực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tham gia góp ý xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương đã phối hợp với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp để kiến nghị, thảo luận đóng góp ý kiến và các chính sách, kế hoạch của Nhà nước; chính sách kế hoạch của chính quyền địa phương phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đã chủ động phối hợp có hiệu quả với các cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật.

Tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và “Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020”; chủ trì phát động "Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; nghiên cứu xây dựng đề tài khoa học cấp bộ và đề án về cuộc vận động toàn dân phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của cộng đồng trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát, phản biện xã hội

Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được thống nhất trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở, có sự đổi mới đột phá về nội dung, phương thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động, kịp thời lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc xây dựng, thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì thành lập 31 đoàn giám sát chuyên đề; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương đã chủ trì, phối hợp giám sát được 231.110 cuộc.

Trong đó, Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh chủ trì giám sát được 7.508 cuộc; cấp huyện chủ trì giám sát được 39.794 cuộc; cấp xã chủ trì giám sát được 183.808 cuộc. Nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm công tác xây dựng Đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp...

Nhìn chung, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mang lại những kết quả tích cực, giúp cho các cấp ủy, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp khắc phục nhiều hạn chế, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 16 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án luật, đề án liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, được Nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều tổ chức thành viên Mặt trận cũng tổ chức phản biện xã hội được nhiều dự thảo văn bản liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức 85.886 cuộc phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 6.979 cuộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã tổ chức 16.002 cuộc phản biện; cấp xã đã tổ chức 62.905 cuộc phản biện. Nhìn chung, các ý kiến, kiến nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, phản hồi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có lúc, có nơi chưa thật sự chủ động và linh hoạt trong chủ trì phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt quyền và trách nhiệm được giao (nhất là về nhân sự, tài chính) trên thực tế hầu như chưa đủ. Việc phân công, phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức vẫn còn có mặt hạn chế.

Một số giải pháp phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy đầy đủ và có hiệu quả cao nhất vai trò tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội trong nhiệm kỳ mới (2024 - 2029), trước hết, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị và xã hội. Cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo cơ sở đổi mới mạnh mẽ về tổ chức bộ máy và nội dung, phương thức hoạt động của cả hệ thống Mặt trận cũng như của từng cơ quan, tổ chức Mặt trận.

Cần quan tâm sửa đổi, hoàn thiện các chủ trương, quy định còn chưa phù hợp và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể hóa hơn nữa quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các quan hệ và cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước, tổ chức đảng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chủ thể. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng cơ chế, nội dung và quy trình phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật; xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; các quy trình giám sát và phản biện xã hội...

Trong tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp định kỳ chủ động lựa chọn nội dung thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, vấn đề mà Nhân dân quan tâm để xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội; chú trọng những vấn đề phát sinh được dư luận Nhân dân quan tâm, bức xúc để bổ sung thực hiện kịp thời.

Chủ động đề xuất xây dựng, thực hiện các quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động với các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước. Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò các thành viên của Mặt trận, trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, hội đồng tư vấn, người uy tín, tiêu biểu. Mặt trận các cấp cần chủ động, kịp thời có quan điểm, chính kiến về những vấn đề, vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân.

Đổi mới việc xây dựng, trình bày các báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo hướng thể hiện kịp thời, chính xác, có địa chỉ cụ thể và có hiệu lực, có chính kiến và có bản lĩnh hơn ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với những hạn chế, vi phạm trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức. Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, nhất là những bức xúc của Nhân dân và ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kiên trì theo dõi, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động thực hiện việc tham gia và giám sát các cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Quan tâm theo dõi, giám sát và tham gia vào việc xử lý, giải quyết những vụ việc tranh chấp, khiếu nại có ảnh hưởng lớn, phức tạp, gây bức xúc kéo dài trong Nhân dân. Tham gia đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm thực hiện các nguyên tắc tố tụng; hoàn thiện các chế định về hội thẩm nhân dân, bào chữa, tranh tụng có sự tham gia của đại diện tổ chức, đoàn thể.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần thực hiện tốt hơn việc đề xuất hoàn thiện thể chế, các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kế hoạch về tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực. Triển khai nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chương trình hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc nghiên cứu, phát động cuộc vận động toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng.

Mặt trận Tổ quốc các địa phương cần chủ động tham gia xây dựng và vận động Nhân dân thực hiện các quy ước, hương ước; phát huy vai trò tự quản của Nhân dân trong cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; vận động Nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thường xuyên kiện toàn, hướng dẫn, tập huấn, phát huy vai trò của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế thực hiện dân chủ của Nhân dân, Mặt trận làm nòng cốt để Nhân dân tham gia ngày càng rộng rãi, thực chất hơn vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế. Phát huy có hiệu lực, hiệu quả hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong thời kỳ mới.

Chú thích:

1. Xem: Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ; Quyết định số 99- QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về "hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong nội bộ" gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Kết luận số 54-KL/TW ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ… Hiến pháp năm 2013; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... và nhiều văn bản khác có liên quan.

2. Điều 9 Hiến pháp năm 2013.

3. Điều 9 Hiến pháp năm 2013, Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

NGUYỄN QUANG MINH - Tiến sĩ,

cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam