Vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở hiện nay

(Mặt trận) - Theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 (điều 25, khoản 1) thì giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.

MTTQ huyện Gio Linh tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội

Tổng Bí thư chủ trì Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tháng 3/2024

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Hoạt động giám sát được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng ủy cấp xã, Hội đồng nhân cấp xã, các quyết định của Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Mặt trận Tổ quốc là tổ chức đại diện của các tầng lớp nhân dân trong xã, phường, thị trấn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, Quyết định của Ủy ban Nhân dân cấp xã có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân trong xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó sẽ kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Đảng ủy, các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, các quyết định của Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Giám sát mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục, để theo dõi cập nhật thông tin; tập hợp, tổng hợp dư luận, ý kiến, kiến nghị của xã hội, của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc ở cấp xã.

Hoạt động giám sát cũng giúp cho chính quyền ở cơ sở nâng cao ý thức, trách nhiệm gương mẫu, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp Luật của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Nguyên tắc của hoạt động giám sát

Trong quá trình hoạt động giám sát phải tuân theo các nguyên tắc: Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Không chồng chéo, quá trình hoạt động không làm trở ngại các hoạt động của chính quyền, tổ chức, cá nhân ở cơ sở được giám sát.

Khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì giám sát phải bảo đảm sự tham gia của Nhân dân, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; trước khi giám sát phải tập hợp được ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân về lĩnh vực giám sát; tập hợp ý kiến, kiến nghị của các thành viên của Mặt trận, cá nhân tiêu biểu có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư ở địa phương, người có uy tín.

Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan và xây dựng Dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị của nước ta, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Do đó việc thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trong giám sát là rất cần thiết phải được bảo đảm kiến nghị giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không mang tính mệnh lệnh, bắt buộc, không có chế tài, mà chỉ mang tính chất kiến nghị, đề xuất để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền xem xét, tiếp thu và trả lời kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được thực hiện công khai minh bạch, khách quan và xây dựng

Pháp luật đã quy định toàn diện, đầy đủ, cụ thể và rõ ràng các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý không chỉ cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà còn là cơ sở để các cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhất là những cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và những người có quyền, lợi ích liên quan theo dõi việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện vai trò, quyền và trách nhiệm của mình.

Việc tiến hành các hoạt giám sát phải theo những quy trình, cách thức đã được pháp luật quy định, được thông báo công khai theo những thời hạn nhất định trước khi tiến hành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

Các tài liệu, số liệu và các luận cứ phục vụ cho hoạt động giám sát đều phải được thu thập từ những nguồn hợp pháp và với cách thức do pháp luật quy định, có thể kiểm chứng; Các báo cáo kết quả giám sát, những kiến nghị sau giám sát phải khách quan công tâm, mang tính xây dựng và được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; Đôn đốc chính quyền xem xét, trả lời các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện với sự tham gia chứng kiến, đưa tin của các phương tiện thông tin truyền thông trong xã, phường, thị trấn.

Đối tượng giám sát ở cơ sở

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền xã, phường, thị trấn là theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; của chính quyền cấp trên; Nghị quyết của Đảng ủy, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức cấp xã.

Bởi vậy, vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã đối với chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn là một trong những công tác hàng đầu trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, trong đó có Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của Đảng, Nhà nước. Tăng cường giám sát để tạo đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phát huy tối đa trí tuệ các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật, phản biện, đóng góp ý kiến hoàn thiện khâu đột phá về thể chế phát triển đất nước, thể chế phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, các chủ trương của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quần chúng nhân dân”.

Thực trạng và giải pháp đối với hoạt động giám sát chính quyền ở cơ sở của MTTQ Việt Nam

Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, pháp luật quy định về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tế của hoạt động giám sát đã bộc lộ những hạn chế như: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc cấp xã còn chưa nắm vững tính chất, mục đích, nguyên tắc; đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong hoạt động giám sát đã được quy định trong luật Mặt trận Tổ quốc, do vậy trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giám sát còn những khó khăn, trở ngại, vướng mắc.

Chính sách pháp luật và cơ chế cụ thể về giám sát chưa được quy định chi tiết, đầy đủ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn cụ thể của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh đối với công tác giám sát ở cơ sở.

Công tác triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng còn chậm, nhiều nơi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ ở cơ sở chưa được tập huấn đầy đủ về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, nhất là về kỹ năng giám sát của MTTQ Việt Nam.

Công tác giám sát trong 5 năm 2015-2020 mới chỉ tập trung giám sát ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã còn những hạn chế nhất định. Trong thực hiện giám sát một số nơi cán bộ Mặt trận chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh.

Số liệu tổng hợp hàng năm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Năm 2015-2020, cấp xã toàn quốc, Ban thường trực Ủy ban MTTQ giám sát được 446.012 cuộc, bình quân 1 năm giám sát được 8 cuộc; Số liệu 2020- 2023, cấp xã toàn quốc giám sát được 242.841 cuộc, bình quân mỗi năm, mỗi xã giám sát được 4 cuộc.

Từ thực tế nêu trên, thời gian tới, MTTQ cần tạo chuyển biến trước tiên về tư tưởng, nhận thức. Theo đó, Ủy ban MTTQ cấp xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, trong xã hội và trong Nhân dân ở địa phương mình về vai trò giám sát của MTTQ trong giai đoạn hiện nay, với tính chất là thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của chính quyền cơ sở.

Đối tượng giám sát của MTTQ ở cơ sở là chính quyền cấp xã, cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức

Nội dung giám sát của MTTQ cơ sở cần tập trung vào các lĩnh vực như: Giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng ủy cấp xã; Giám sát việc thực chính sách pháp luật của Nhà nước của chính quyền cơ sở liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân địa phương; Giám sát việc thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở; Giám sát cán bộ, đảng viên theo Quy định 124-QĐ/TW; Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng

Trong phương thức hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phải nắm vững kỹ năng công tác giám sát; chủ động, chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm; Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở cơ sở như: kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng; giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở, của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên có hoạt động giám sát ở cơ sở.

Về điều kiện bảo đảm cho công tác giám sát ở cơ sở: Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phải dự trù kinh phí đầy đủ cho công tác giám sát của MTTQ theo quy định, hướng dẫn của pháp luật về tài chính, để chính quyền cấp xã bảo đảm kinh phí thực hiện có hiệu quả công tác giám sát của Ban Thường Ủy ban MTTQ VN cấp xã.