Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng: Phát huy vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và công tác giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) -Thời gian qua, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Sóc Trăng đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Để Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Cán bộ giám sát phải bản lĩnh, tâm huyết

Hội thảo khoa học về việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành hướng dẫn khung để cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và quy định giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên để thực hiện nhiệm vụ giám sát nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, Quyết định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng có kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hướng dẫn MTTQ các cấp tham gia góp ý văn kiện đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tích cực tham gia công tác phản biện xã hội.

Trong năm, MTTQ các cấp phối hợp tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ba cấp tiếp xúc cử tri được 557 cuộc có 42.552 lượt cử tri dự, đóng góp 4.463 lượt ý kiến, chất vấn về hỗ trợ kéo điện, làm lộ, làm cầu, nhà tình nghĩa, tình thương, chính sách thờ cúng mẹ Việt Nam anh hùng, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Các ý kiến đó được lãnh đạo địa phương, đại biểu HĐND các cấp xem xét giải quyết hoặc trả lời thỏa đáng đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền; riêng các nội dung thuộc quyền giải quyết của Trung ương đều được các vị đại biểu ghi nhận, tổng hợp và có báo cáo về trên theo quy định.

Nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở, MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền tổ chức 312 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để lắng nghe những ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền cũng như những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh; đồng thời bố trí lịch tiếp công dân để giải quyết những bức xúc của người dân. Trong năm 2019, đã tiếp 543 lượt công dân, tiếp nhận 393 đơn khiếu nại, tố cáo và đã chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết 284 đơn, không có trường hợp khiếu nại đông người.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã cử lãnh đạo tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh. MTTQ các cấp quan tâm kiện toàn 109 ban thanh tra nhân dân với 1.029 thành viên, tham gia giám sát, giải quyết 329 vụ việc của công dân. Thành lập 89 ban giám sát đầu tư của cộng đồng, giám sát 125 công trình. Qua giám sát phát hiện 17 trường hợp có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý dứt điểm. Kiện toàn 784 tổ hòa giải ở cơ sở với 4.317 thành viên, đã tham gia hòa giải 4.315 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đã hòa giải thành 3.595 vụ, đạt 83,3%, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội ngay từ địa bàn dân cư và hạn chế đơn thư vượt cấp.

Xác định mục đích của công tác giám sát và phản biện xã hội là nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Thời gian qua, MTTQ các cấp đã tập trung giám sát trên các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Qua đó, MTTQ các cấp đã chủ trì 121 cuộc giám sát chuyên đề và tham gia cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, các tổ chức thành viên, các ngành tổ chức được 253 cuộc giám sát có liên quan đến lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội và việc thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương và các cơ quan, đơn vị và đã kiến nghị xử lý nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 3 cuộc hội nghị phản biện về dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy chữ Khmer tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và chữ Hoa tại các trường dân lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; dự thảo quyết định ban hành định mức hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 của Chính phủ; dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025. Đối với cấp huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Sóc Trăng tổ chức 2 cuộc hội nghị phản biện về dự thảo Đề án Di dời nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn TP. Sóc Trăng; dự thảo về chính sách tiền lương mới (năm 2021) đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo và không giữ chức vụ lãnh đạo, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao từ người dân. Song song đó, MTTQ các cấp trong tỉnh còn tham gia góp ý dự án luật và văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống sau dịch bệnh. Để đảm bảo chính sách của Đảng, Nhà nước đến được tay đúng đối tượng thụ hưởng, không bỏ lọt người cần hỗ trợ, tránh trục lợi, thất thoát tiền ngân sách, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát việc xét chọn đối tượng và trao tiền hỗ trợ cho người trực tiếp bán vé xổ số kiến thiết lẻ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng dịch Covid-19; đồng thời hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện. Đến nay, MTTQ các cấp đã tổ chức chi hỗ trợ cho 6.233 người bán vé xổ số kiến thiết lẻ trong toàn tỉnh với số tiền trên 5,6 tỉ đồng. Hiện Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng hướng dẫn giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị định số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gồm có 8 nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên giám sát các nhóm đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm…

Theo đồng chí Mạch Gia Khương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX. Ngã Năm, để triển khai thực hiện tốt Nghị định số 42, MTTQ thị xã có kế hoạch và phân công cụ thể MTTQ và các đoàn thể, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm trong công tác rà soát, lập danh sách và hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực từ gói hỗ trợ ý nghĩa, nhân văn này.

Trong triển khai thực hiện Nghị định số 42, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh yêu cầu MTTQ các cấp thực hiện công tác giám sát đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền. Phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở địa bàn khu dân cư; nêu cao trách nhiệm của ban công tác Mặt trận, phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với các tổ chức thành viên để triển khai có hiệu quả công tác giám sát. Công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận phải bảo đảm tính khách quan, công tâm, trách nhiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, không công khai minh bạch và các biểu hiện lợi dụng, trục lợi chính sách. 

H.LAN