Trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1.8.2024

(Mặt trận) - Chiều nay, 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1.8.2024

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại nghị trường.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Bộ Chính trị đã có ý kiến về việc đưa dự án Luật này vào nội dung chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép xây dựng dự án Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Thông báo số 3870/TB- TTKQH ngày 14.6.2024.

Dự thảo Luật được bố cục thành 5 điều.

Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Điều 2 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Điều 4 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Điều 5 là hiệu lực thi hành.

“Các điều nêu trên được sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024. Riêng khoản 10, Điều 255 và khoản 4, Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1.1.2025”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.

Mặt khác, dự thảo Luật không có nội dung liên quan đến các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Qua rà soát, so sánh và đối chiếu Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cho thấy dự thảo Luật không trái, không xung đột với các quy định này.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật không làm phát sinh thủ tục hành chính; được xây dựng trên quan điểm tiếp cận bình đẳng, không có sự phân biệt về giới trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống "không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này".

Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh: tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 1.8.2024; mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các luật.

Đối với nội dung sửa đổi khoản 10, Điều 255, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định như dự thảo Luật thực chất là cho phép tiếp tục thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư theo pháp luật có hiệu lực trước ngày 1.8.2024 về đầu tư, nhà ở, đấu thầu (thời điểm có hiệu lực sau điều chỉnh của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đầu tư năm 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Đất đai năm 2024) đối với các dự án thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đến hết ngày 31.12.2024 (theo thời điểm có hiệu lực ban đầu của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đầu tư năm 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Đất đai năm 2024) nhằm tháo gỡ vướng mắc do tác động trực tiếp của việc sửa đổi hiệu lực của các luật.

Tuy nhiên, đặt trong tổng thể nội dung Luật Đất đai, việc sửa đổi khoản 10, Điều 255 như dự thảo Luật dẫn đến nội dung khoản này không còn mang tính chất chuyển tiếp giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát kỹ lưỡng, tránh phát sinh xung đột pháp luật do các nội dung chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở.