Trà Vinh: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) - Với vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, UBMTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh luôn tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững, mạnh, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Giám sát, phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tổng Bí thư chủ trì Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

 Đồng chí Nguyễn Văn Triết (bìa trái), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh cùng đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, nắm tình hình hộ dân bị hỏa hoạn tại xã Song Lộc, huyện Châu Thành để kịp thời hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh Phạm Tiết Cường cho biết: thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam các cấp được phối hợp triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả. Nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, nhất là qua 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 (NQLT số 403) quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Chủ động giám sát, kiến nghị kịp thời

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp chủ động thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp, tạo điều kiện để UBMTTQ Việt Nam các cấp hoạt động hiệu quả, đặc biệt là công tác giám sát, phản biện xã hội. UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt các quy chế phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, các ban, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong thực hiện hoạt động giám sát đối với các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo quy định.

Qua 05 năm thực hiện NQLT số 403, UBMTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân được 681 nội dung giám sát; thành lập 924 đoàn giám sát với các nội dung như: giám sát việc giải quyết một số vụ việc tồn động, kéo dài ở địa phương; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2021 - 2026; việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên…

Với nội dung giám sát thực hiện Đề án hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh (Nghị quyết số 34).

Qua giám sát, Đoàn giám sát đã nắm được quá trình thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà, các địa phương còn vướng một số khó khăn như: chủ hộ đi làm ăn xa, chưa liên hệ được, hộ không có đất xây dựng nhà, một số hộ không có vốn đối ứng nên không nhận hỗ trợ... thành viên Đoàn giám sát trao đổi, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc ngành chuyên môn phối hợp các địa phương nỗ lực, thực hiện tốt chính sách chăm lo cho gia đình chính sách, đáp ứng nguyện vọng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Các địa phương chỉ đạo hoàn thành kế hoạch còn lại trong Nghị quyết số 34, đồng thời thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người có công từ nay đến năm 2025.

Riêng cấp xã, ngoài việc thành lập các Đoàn giám sát, Ban Thanh tra nhân dân giám sát được 1.173 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 3.257 cuộc.

Đồng chí Kim Thị Mai Loan, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành cho biết: thời gian qua, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của UBMTTQ Việt Nam xã đã giám sát việc thi công các tuyến đường giao thông liên ấp; xây dựng cầu nông thôn, cất nhà Đại đoàn kết, thi công công trình nạo vét kênh cấp II, cấp III trên địa bàn xã… Qua giám sát, Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã kiến nghị các đơn vị trong quá trình thi công làm ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn và làm cản trở việc đi lại của người dân. Qua đó, các đơn vị có liên quan kịp thời khắc phục, tạo niềm tin cho người dân.

Phản biện xã hội đi vào trọng tâm, trọng điểm

Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được UBMTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện tốt. Trong 05 năm, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức 153 hội nghị phản biện xã hội. Riêng cấp tỉnh, qua giám sát và phản biện xã hội, MTTQ tỉnh đã có 82 kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và có nhận thông tin phản hồi từ các cơ quan chức năng.

Gần đây nhất, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị phản biện đóng góp Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh mời các hội đồng tư vấn của Mặt trận cùng các vị nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về dự, góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng.

Đồng chí Hoàng Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế thuộc UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã đóng góp rất tâm huyết và cụ thể từng mục của Đề án như: tiềm năng, thực trạng phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà vinh giai đoạn 2011 - 2020; quan điểm, các phương án phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu và các khâu đột phá trong phát triển; các giải pháp thực hiện Đề án.

Đồng chí Hoàng Thanh Tâm cho biết: phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong các văn bản. Từ đó, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội và đảm bảo tính hiệu quả. Đề án này sẽ góp phần khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của các địa phương trong tỉnh, nhất là tại các Khu Đô thị như thành phố Trà Vinh và thị xã Duyên Hải, nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nói chung và nói riêng là người dân tại khu vực phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, chúng tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo, đóng góp chuyên sâu để Đề án thực sự hiệu quả khi ban hành, thúc đẩy được phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Đối với UBMTTQ Việt Nam các cấp huyện Châu Thành, thực hiện NQLT số 403, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 35 hội nghị phản biện. Đồng chí Đồng Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành cho biết: để cuộc phản biện đạt hiệu quả, chất lượng, thời gian qua, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên nắm thông tin về các chủ trương, chính sách dự kiến được ban hành và lựa chọn các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để đề xuất cấp ủy cho chủ trương tổ chức phản biện xã hội; phát huy vai trò của các tổ tư vấn, cán bộ hưu trí, những người nắm chắc kiến thức, am hiểu sâu về các lĩnh vực có liên quan để tổ chức phản biện đạt hiệu quả cao.

Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án của UBND huyện về phát triển du lịch huyện Châu Thành năm 2023 - 2025, định hướng năm 2030. Hội nghị tiếp nhận được 08 ý kiến phản biện của các đại biểu đối với dự thảo Đề án, nhất là yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cần đánh giá thêm về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển du lịch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; công tác tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; nguồn vốn, kinh phí thực hiện Đề án; hiệu quả kinh tế của Đề án. Công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hình ảnh đặc trưng địa phương, các điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Xây dựng, kêu gọi nhà đầu tư để phát triển các điểm đến đầu tư vào các loại hình du lịch...

Có thể thấy, qua nhiều năm, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh đã đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và luôn được các đơn vị có liên quan chú trọng, nghiêm túc thực hiện, qua đó đạt được kết quả khá quan trọng. Thông qua hoạt động này, Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện, gần gũi với cuộc sống, đi vào thực tiễn; phục vụ Nhân dân ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

SƠN TUYỀN