Thành phố Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong giám sát tổ chức đảng, đảng viên

(Mặt trận) - Sáng 20/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân về giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp” trên địa bàn thành phố.

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

Để Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Cán bộ giám sát phải bản lĩnh, tâm huyết

Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo đề dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhận định, thời gian qua, thành phố chọn 9 đơn vị làm điểm tổ chức giám sát, bao gồm TP.Thủ Đức, quận 1, 5, 7, 11, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè. Đồng thời, tổ chức giám sát một cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy và 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp; giám sát 1 Đảng ủy cấp xã và 1 Chủ tịch UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, thành phố còn chọn 6 đơn vị làm điểm Tổ chức “Hội nghị nhân dân”, bao gồm: Quận 3, 4, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân. Các địa phương nêu trên đã chủ trì tổ chức 31 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó: Giám sát các Ban xây dựng Đảng: 3 cuộc; các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận, huyện: 8 cuộc; Đảng ủy, UBND phường, xã, thị trấn: 12 cuộc; giám sát người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu UBND phường, xã, thị trấn: 8 cuộc.

 
 
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề được người dân quan tâm như việc tuyển dụng, bố trí, quy hoạch điều chuyển vị trí công tác viên chức, giáo viên; giám sát thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; thực hiện phát triển y tế cộng đồng, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn, trong đó chú trọng việc kiện toàn mạng lưới trạm y tế phường và vận hành trạm y tế lưu động trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị; công tác cải cách thủ tục hành chính; việc thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng về kinh tế đã có bản án; việc thực hiện cấp giấy căn cước công dân.

Trên cơ sở báo cáo của các đoàn giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã có báo cáo về kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát gửi các đơn vị được giám sát đề nghị khắc phục những thiếu sót, hạn chế theo yêu cầu của đoàn giám sát, đồng thời gửi Ban Thường vụ cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo các đơn vị được giám sát thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị sau giám sát của Mặt trận.

Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, xã, thị trấn đã tổ chức 159 cuộc giám sát, trong đó chỉ có Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 24, Phường 28, quận Bình Thạnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát đối với Chi ủy chi bộ khu dân cư về việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu phát biểu tại Hội nghị

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đánh giá, thời gian qua hệ thống Mặt trận của thành phố đã thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn, chỉ đạo, đặc biệt là tại các đơn vị được chọn làm điểm. Qua đó, đã ghi nhận, xem xét và giải quyết ngay ý kiến đóng góp của Nhân dân liên quan đến các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, lòng lề đường, vệ sinh môi trường, cung cách phục vụ của cán bộ, công chức trực tiếp nhận và tham mưu giải quyết hồ sơ của dân…

Tuy nhiên, theo bà Tô Thị Bích Châu, gần 1 năm triển khai thực hiện công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do đó, hệ thống MTTQ từng cấp của của thành phố cần đánh giá, xem xét những nội dung tồn tại của mình để đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể, rõ ràng hơn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Về công tác trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Tô Thị Bích Châu đề nghị hệ thống Mặt trận thành phố cần tăng cường quán triệt trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thành phố về nội dung Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy trong việc lãnh đạo MTTQ Việt Nam các cấp giám sát tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Cùng với đó cần phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở quận, phường trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Bà Tô Thị Bích Châu cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực dự báo, nhìn nhận, phân tích, đào tạo, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp thông qua công tác bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban công tác Mặt trận; nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn, chi hội khu phố, ấp. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Mặt trận đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố.

Cũng theo bà Tô Thị Bích Châu, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần gắn việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy với triển khai thực hiện Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí hàng năm, vận động Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng nhằm làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, qua đó giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường quản lý cán bộ, công chức, đảng viên, kịp thời giáo dục, xử lý cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm; phòng ngừa, ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm với Nhân dân; đồng thời phát huy vai trò của Nhân dân và Ban công tác Mặt trận tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư theo Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 23/10/2013 về tiếp tục thực hiện Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 01/12/2017 về việc ban hành quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của Ban Thường vụ Thành ủy.

“Cần tổ chức các hoạt động giám sát việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân các cấp trong việc góp ý việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, những vấn đề “nóng” mà Nhân dân quan tâm; theo tinh thần các Quyết định số 935-QĐ/TU và Quyết định số 936-QĐ/TU ngày 28/4/2017 và Quyết định số 994-QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy”, bà Tô Thị Bích Châu gợi mở.

Bà Tô Thị Bích Châu cũng nhấn mạnh tới việc phát huy vai trò, năng lực, kinh nghiệm của các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Tổ tư vấn, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các chuyên gia, nhà khoa học, huy động sự tham gia và hiệu quả của các cơ quan truyền thông đối với các hoạt động giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền…; đồng thời tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đảm bảo dân chủ thực chất, khắc phục cơ bản dân chủ hình thức.

"Tăng cường công tác giám sát, tập trung vào một số lĩnh vực như công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục hành chính, quy hoạch sử dụng đất, về các nguồn thu trong dân; việc tiếp thu và giải quyết các ý kiến của Nhân dân của chính quyền, nhất là tại cơ sở. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; đồng thời, tăng cường công tác hòa giải những vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở địa bàn dân cư.", bà Tô Thị Bích Châu nói.