Tăng cường tiếp xúc cử tri tại cơ sở

(Mặt trận) - Tăng cường TXCT tại thôn, bản, tổ dân phố, tiếp xúc với cả đại diện cử tri tại trụ sở xã và tiếp xúc trực tiếp với cử tri tại bản; chọn lọc nội dung cần báo cáo kỹ, sâu với cử tri, bảo đảm sát và phù hợp với từng đối tượng cử tri; bố trí đan xen đại biểu giữa 2 đơn vị bầu cử khi TXCT để có điều kiện nắm tình hình cũng như giám sát chéo việc thực hiện trách nhiệm đại biểu của 2 đơn vị bầu cử khác nhau… là những đổi mới trong hoạt động TXCT của một số Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thường trực HĐND, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lào Cai gặp gỡ người dân thôn Cầu Xum, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai 

Nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành

Trong các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động TXCT, việc tăng cường tổ chức TXCT tại thôn, bản, tổ dân phố sẽ giúp đại biểu HĐND có thêm những thông tin cần thiết, các căn cứ thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn; đồng thời, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua đó, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương.

Đơn cử, qua ý kiến phản ánh của cử tri thôn Cầu Xum, xã Vạn Hòa, ngay trong tháng đầu năm 2022, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai tại thành phố Lào Cai đã gặp gỡ, trao đổi với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, đại biểu HĐND xã tại thôn và một số hộ dân, nghe phản ánh tâm tư nguyện vọng, qua đó đã tiếp thu một số kiến nghị cử tri. Điển hình, thôn Cầu Xum hiện có 56 hộ dân, tất cả đều đã có nhà, đất ở ổn định. Tuy nhiên, còn 10 hộ dân đăng ký tạm trú đã lâu hiện có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ở ổn định lâu dài; đa số các hộ dân trong thôn định cư từ trước năm 1979 đến nay, được Nhà nước giao đất thổ cư để ở, đất rừng để bảo vệ và sản xuất phát triển kinh tế. Hiện nay, thành phố đang có phương án thu hồi diện tích rừng do Nhân dân trong thôn quản lý để bàn giao lại cho Công ty TNHH một thành viên Hoàng Liên Thanh nhưng Nhân dân chưa đồng thuận.

Nguyên nhân do một số hộ dân từ nhiều đời đã khai phá, làm nương và quản lý đất rừng (từ trước năm 1979), thực hiện chủ trương của tỉnh, thành phố nhiều hộ dân trồng cây gây rừng như quế, cao su và cây ăn quả... đã cho thu hoạch. Nay, tuy chưa thực hiện phương án thu hồi diện tích rừng do Nhân dân trong thôn quản lý nhưng Công ty Hoàng Liên Thanh đã phát lấn vào rừng của dân. Bên cạnh đó, hiện nay, Công ty triển khai dự án san gạt mặt bằng đất rừng trên thượng nguồn, khi mưa lũ đất đá trôi làm sạt lở ao, vùi lấp cây cối hoa màu ruộng vườn của Nhân dân nhưng chưa có phương án đền bù cho Nhân dân… Các đại biểu đã đề nghị các cấp, các ngành liên quan kiểm tra, rà soát để giải quyết, trả lời cụ thể, dứt điểm, tránh gây bức xúc cho Nhân dân.

Bố trí đan xen đại biểu giữa 2 đơn vị bầu cử

Còn với Tổ đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu ứng cử tại huyện Than Uyên nhiệm kỳ 2016 - 2021, đối tượng tiếp xúc được lựa chọn cả tiếp xúc với đại diện cử tri tại trụ sở xã và tiếp xúc trực tiếp với cử tri tại bản. Nội dung TXCT đã bám sát định hướng của Thường trực HĐND tỉnh, có sự chọn lọc nội dung cần báo cáo kỹ, sâu với cử tri, bảo đảm sát và phù hợp với từng đối tượng cử tri như: Các chính sách về phát triển nông nghiệp thì thông báo đến cử tri nông thôn; về quy hoạch, đổi tên, đặt tên đường, phố thì tuyên truyền sâu đến cử tri thị trấn; về chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh thì tiếp xúc với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo... Do đó, hầu hết các nghị quyết của HĐND tỉnh đều được cử tri nắm bắt rõ nội dung và thực hiện hiệu quả. Trước, sau các đợt TXCT, Tổ đều trao đổi, phân công rõ trách nhiệm của đại biểu trong việc nắm bắt, nghiên cứu nội dung, chuẩn bị chu đáo để cuộc TXCT thực sự đạt chất lượng.

Cùng với đó, Tổ đã bố trí đan xen đại biểu giữa 2 đơn vị bầu cử khi TXCT để có điều kiện nắm tình hình cũng như giám sát chéo việc thực hiện trách nhiệm đại biểu của 2 đơn vị bầu cử khác nhau. Mỗi lần TXCT, Tổ bố trí chia 3 nhóm, mỗi nhóm có 1 đại biểu chuyên trách hoặc công tác tại huyện, 1 đại biểu tái cử, 1 đại biểu mới tham gia đại biểu, để có người làm nòng cốt nắm xuyên suốt nội dung Tổ đã, đang tiếp thu và theo dõi giải quyết tại địa bàn.

Từ kế hoạch TXCT được xây dựng cụ thể chi tiết, bố trí thời gian, địa điểm, phân công đại biểu HĐND và lãnh đạo UBND, lãnh đạo phòng, ban chức năng liên quan phù hợp, khoa học, tạo điều kiện cho đại biểu thể hiện được vai trò trách nhiệm tốt hơn; đồng thời, khi cử tri cần trả lời, giải thích về lĩnh vực nào, cấp nào đều có chuyên môn tiếp thu, giải trình theo yêu cầu của cử tri. Do đó, hầu hết các ý kiến của cử tri được giải đáp ngay từ cơ sở, được cử tri đồng tình.

Với đặc thù cử tri miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thường e ngại hoặc nêu không thoát ý, người điều hành buổi TXCT vừa gợi ý, định hướng nội dung chuyên sâu, vừa linh hoạt, gợi mở, dành nhiều thời gian, tạo điều kiện tốt để đại diện cử tri thể hiện tâm tư, nguyện vọng, đề xuất ý kiến, kiến nghị chính đáng của mình. Cùng với đó, Tổ đại biểu quan tâm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng, thường xuyên rà soát tình hình giải quyết để thông báo đến cử tri tại các kỳ tiếp xúc tiếp theo.