Sửa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cần đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo

(Mặt trận) - Ngày 17/2, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị dự kiến một số nội dung phản biện xã hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Quang cảnh Hội nghị.

Dự hội nghị có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật và các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, theo Kế hoạch số 677/KH-MTTW-BTT, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị phản biện đối với 2 dự án Luật này vào đầu tháng 3/2023. Ngày 14/02/2023, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các vị Ủy viên Ủy ban, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và nhà ở vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm phát huy tối đa trọng trách và tâm huyết, trí tuệ của các thành viên Hội đồng tư vấn vào mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác phản biện xã hội đối với các dự án Luật, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị dự kiến một số nội dung phản biện xã hội vào hai dự án Luật này với mong muốn các vị thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề, nội dung lớn, những quy định còn bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn đời sống xã hội đang đặt ra.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu, tổ chức phản biện về một số nhóm vấn đề lớn như đảm bảo tính thống nhất giữa 3 dự án Luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đặc biệt Luật Đất đai là đạo luật gốc cùng Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự, từ kết cấu các chương, mục, kỹ thuật lập pháp. Trong vấn đề về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nhà ở và bất động sản cần đi sâu quản lý nhà nước đối với nhà chung cư; quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản, trong đó lưu ý vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong kiểm soát quyền lực.

Đối với Luật Nhà ở (sửa đổi) các ý kiến đề xuất cần tập trung phản biện về chính sách phát triển nhà ở tái định cư thể hiện trong dự thảo cần phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của phát triển kinh tế xã hội. Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần tập trung phản biện về chính sách kinh doanh nhà ở, công trình bất động sản sẵn có; công trình, bất động sản được hình thành trong tương lai cần phù hợp với chính sách Luật đất đai sửa đổi. Các quy định về điều tiết thị trường bất động sản cũng cần phải phù hợp và góp phần ổn định thị trường bất động sản lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần cân nhắc thật kỹ thời điểm ban hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật đất đai bởi ba đạo luật này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó Luật đất đai là đạo luật gốc và có những nội dung, quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; cần xây dựng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và nhà ở để tránh cho việc một số cá nhân sở hữu chéo; đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh bất động sản giữa người nước ngoài và người Việt Nam để hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.