Sẽ thực hiện thành công Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

(Mặt trận) - Những bất cập trong việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở tái định cư... được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trên diễn đàn Quốc hội chiều ngày 3/11. Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng khẳng định, sẽ thực hiện tổng thể đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng cũng tin tưởng, sẽ thực hiện thành công Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Hồ Long 

Phải bảo đảm tái định cư không chỉ là giải quyết chỗ ở

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc phát triển nhà ở tái định cư thời gian qua khi Nhà nước thu hồi đất còn nhiều bất cập, "có nơi có, có nơi không, mà không thì nhiều hơn", có nơi xây dựng chưa tính đến nhu cầu của người dân nên không có người ở để hoang hóa, gây thất thoát, lãng phí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp xử lý tình trạng này. 

"Đúng là thực trạng như đại biểu phản ánh, đó là nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 2014", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận.

Trả lời về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng nêu rõ, thứ nhất, do người dân không có nhu cầu tái định cư. Thứ hai, nhà ở tái định cư xuống cấp, không đảm bảo chất lượng. Thứ ba, công tác tái định cư chủ yếu mới quan tâm đến việc người dân có chỗ ở còn các chính sách an sinh xã hội tiếp theo như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm, phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân sau khi di dời, tái định cư thì chưa được quan tâm thoả đáng. Thứ tư, vị trí dự án không thuận lợi về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo. Thứ năm, nhiều dự án hình thành từ trước khi có quy định về đóng kinh phí bảo trì, thành lập Ban quản trị, quản lý, vận hành chung cư, đến nay yêu cầu người dân đóng các khoản phí liên quan đến quản lý, vận hành, bảo trì cũng rất khó khăn. Thứ sáu, việc quỹ nhà tái định cư dù Luật Nhà ở đã có quy định về chuyển đổi công năng nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể triển khai thực hiện được do vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện.

Lý giải rõ hơn về nguyên nhân thứ sáu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Luật Nhà ở đã có quy định về việc mua bán nhà ở thương mại theo hình thức đặt hàng hoặc mua nhà ở xã hội để bố trí tái định cư nhưng các quy định còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng nên các địa phương chưa có cơ sở để triển khai thực hiện. Cùng với đó, nhà tái định cư ở xa khu vực trung tâm, không thuận lợi về giao thông, sinh hoạt của người dân nên không đáp ứng được yêu cầu để thu hút người dân vào ở nhà tái định cư. Quy định hiện hành về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý, bố trí nhà tái định cư chưa cụ thể, việc quản lý, sử dụng nhà tái định cư trong thời gian vừa qua cũng không được quan tâm.

Nêu giải pháp sắp tới, theo Bộ trưởng có 4 giải pháp gồm: 

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở, đất đai theo hướng đồng bộ để đảm bảo việc tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân không chỉ là giải quyết chỗ ở mới mà phải đảm bảo một không gian sống đồng bộ với đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thứ hai, xác định nhu cầu nhà ở tái định cư; rà soát kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư cho từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu về công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện ổn định sinh hoạt cho Nhân dân.

Thứ ba, rà soát công tác quy hoạch các khu tái định cư để định hướng xây dựng các khu tái định cư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phải đảm bảo vị trí làm sao cho kết nối giao thông thuận lợi để đảm bảo điều kiện sống, điều kiện đi lại của người dân,

Thứ tư, rà soát, bổ sung các quy định về nguyên tắc, hình thức bố trí tái định cư và các nguồn vốn để thực hiện nhà ở tái định cư và cũng phải quan tâm nâng chất lượng nhà ở tái định cư để đảm bảo điều kiện ở, điều kiện sống của người dân.

Thực hiện tổng thể, đồng bộ nhiều giải pháp để gỡ vướng mắc nhà ở xã hội

Thời gian qua, xuất phát từ chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng, đúng đối tượng nên pháp luật quy định rất cụ thể các thủ tục để áp dụng chính sách này. Cụ thể như: thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và thủ tục miễn tiền sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai năm 2013; thủ tục về thẩm định giá nhà ở xã hội, thủ tục xác định về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội... quy định tại Nghị định 49/2021. Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh), chính những điều này đã dẫn đến thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với các thủ tục xây dựng nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, nhà đầu tư mệt mỏi, bỏ cuộc, từ đó số lượng nhà ở xã hội hoàn thành rất thấp so với chỉ tiêu đề ra. "Xin hỏi Bộ trưởng giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này? - đại biểu đặt câu hỏi. 

Trả lời chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận "đúng như đại biểu phản ánh", các thủ tục theo quy định pháp luật về nhà ở xã hội hiện nay còn phức tạp và kéo dài, như: trình tự, thủ tục mua bán nhà ở xã hội; hay việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng chưa đủ hấp dẫn, quy định diện tích dành tối thiểu trong dự án nhà ở xã hội để cho thuê cũng chưa khả thi... Quy định hiện nay cũng chưa cho phép doanh nghiệp hợp tác xã mua, thuê, thuê mua nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động của doanh nghiệp.

Nêu giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục tập trung, quan tâm rà soát các quy định của pháp luật để đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy trình, thủ tục như đại biểu đã đề cập, đồng thời thực hiện các giải pháp để tháo gỡ thủ tục hành chính trong đầu tư đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển nhà ở xã hội.

"Trong quá trình thực hiện Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và cho công nhân sẽ thực hiện cụ thể các giải pháp này trong thời gian tới", Bộ trưởng cam kết.

Liên quan đến Đề án 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, "qua phiên chất vấn, công nhân lao động, người thu nhập thấp rất phấn khởi khi nghe Bộ trưởng nhắc đến Đề án này không dưới 10 lần, cảm thấy rất phấn khởi, rất hy vọng. Họ nhắn tin cho tôi và cũng đề nghị gửi tới Bộ trưởng một câu hỏi. Bộ trưởng hãy cho biết rất ngắn gọn những giải pháp, lộ trình, những việc cần phải làm, làm như thế nào, ai làm để có thể thực hiện thành công đề án này? Theo Bộ trưởng, các bộ, ngành, các địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng như thế nào để thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng giao?" 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, theo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, trên cơ sở xác định nhu cầu nhà ở xã hội của các địa phương tổng hợp về và khả năng nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu này, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng xác định mục tiêu đặt ra hoàn thành khoảng 570 nghìn căn nhà. Giai đoạn 2 là từ 2025-2030, cũng trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Bộ Xây dựng đã xác định trong Đề án sẽ hoàn thành khoảng 845 nghìn căn nhà. 

Về giải pháp thực hiện Đề án này, Bộ trưởng cam kết, sẽ thực hiện tổng thể, đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua đến giải pháp triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về quy hoạch, về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội cũng như đảm bảo trong quá trình nghiên cứu chính sách để quy định, xác định được quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu để thực hiện đề án.

"Với các giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt và có sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp thì chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân", Bộ trưởng nhấn mạnh.