Quy định trách nhiệm phản hồi của đối tượng chịu sự giám sát

(Mặt trận) - Để Mặt trận làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới, theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, cần phải bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc phản hồi, tiếp thu và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

GS.TS Trần Ngọc Đường. 

Theo GS Trần Ngọc Đường, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bao gồm nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đến an ninh trật tự ở nông thôn. Vì thế, phải huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta vào cuộc. Trong đó, MTTQ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở các cơ sở, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên để đảm bảo cho người dân và cộng đồng dân cư là chủ thể, là nòng cốt trong xây dựng NTM; giúp cho người dân được biết, được bàn, được quyết định, được tự mình làm, tự giám sát và được thụ hưởng kết quả một cách công khai và minh bạch.

Để làm tốt vai trò đó, trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động, như: tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM; gắn kết việc xây dựng NTM, đô thị văn minh với việc thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do MTTQ các cấp chủ trì đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân.

“MTTQ Việt Nam các cấp đã coi trọng các hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng NTM bằng việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quy hoạch xây dựng, trong huy động, sử dụng nguồn lực từ nhân dân, trong việc thu chi tài chính, đền bù giải phóng mặt bằng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Qua các hoạt động giám sát và phối hợp giám sát với các tổ chức cơ quan nhà nước, Mặt trận đã nắm bắt kịp thời thông tin, lắng nghe được ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Từ đó, kịp thời đưa ra các kiến nghị với cấp ủy và chính quyền địa phương điều chỉnh việc thực hiện chương trình, mục tiêu xây dựng NTM cho phù hợp với lòng dân và xử lý các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, cản trở việc thực hiện”- GS Trần Ngọc Đường nói.

Để tiếp tục phát huy thành quả nói trên, đặc biệt là trong việc nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp trong xây dựng NTM, theo GS Trần Ngọc Đường, MTTQ các cấp phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng NTM nói riêng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ thời gian qua chỉ ra rằng, các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội không được cơ quan, cá nhân là đối tượng chịu sự giám sát, phản hồi nên không biết kết quả giám sát, phản biện như thế nào. Vì thế, Luật cũng cần phải bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc phản hồi, tiếp thu và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện. Đồng thời, quy định trách nhiệm theo dõi đến cùng của chủ thể có quyền giám sát đối với việc tiếp thu và thực hiện các kiến nghị của mình.

Theo GS Trần Ngọc Đường, việc tổ chức các cuộc giám sát định kỳ đối với các cấp chính quyền, với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên, thu hút được sự tham gia của những người tiêu biểu trong dân cư là các cuộc giám sát có hiệu lực và hiệu quả trực tiếp trong việc xây dựng nông thôn mới. Tại các cuộc giám sát này, một mặt động viên và phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, mặt khác chỉ ra những thiếu sót, hạn chế của chính quyền và các cá nhân có trách nhiệm để kịp thời uốn nắn và khắc phục, tạo ra động lực mới, mạnh mẽ cho phong trào xây dựng NTM.

Để các hoạt động giám sát và phản biện xã hội mạnh mẽ hơn thì MTTQ cần tập trung vào những vấn đề trực tiếp gắn với cuộc sống của nhân dân, gắn với quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân mà trọng tâm là hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đang cản trở công cuộc xây dựng NTM. Theo đó, nội dung giám sát của MTTQ trong xây dựng NTM là việc tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và của những cá nhân có trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

“Xây dựng NTM là một chủ trương có nội dung rộng lớn, tổng hợp. Do đó, giám sát của MTTQ phải biết lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc gắn trực tiếp đến lợi ích chính đáng của nhân dân trong cuộc vận động xây dựng NTM, nhằm tạo ra những tác động dây chuyền đến việc thực hiện toàn bộ chủ trương, chính sách, pháp luật xây dựng nông thôn mới”- GS Trần Ngọc Đường nói.