Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Khen thưởng theo công trạng thay vì thành tích

(Mặt trận) - Sáng 28/10, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp sáng 28/10. Ảnh: Lâm Hiển 

Các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng và cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung những vấn đề mới phát sinh, phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nêu rõ, dự thảo Luật đã mở rộng các đối tượng được khen thưởng như người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, kể cả cá nhân, tập thể nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua, yêu nước.

Cho rằng dự thảo Luật cần tiếp tục quan tâm, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu vấn đề, về thủ tục bình xét công tác thi đua, khen thưởng định kỳ và đột xuất, Luật hiện hành quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ, mà không có sự phân cấp, phân ngành rõ ràng trong tổ chức đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng, nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang; còn phân định cấp trên với cấp dưới, dẫn đến hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn mang tính hình thức.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa phát biểu tại điểm cầu tỉnh Cần Thơ 

Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang nhường thành tích, kết quả cho nhau để bảo đảm có thời gian liên tục. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng, nhằm bảo đảm ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất, kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được đề nghị.

Cũng qua Báo cáo tổng kết Luật Thi đua, khen thưởng có nhận định, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng có nguyên do quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác thi đua, khen thưởng còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, khó định lượng. ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) lưu ý, mấu chốt vấn đề khiến công tác này chưa chất lượng, hiệu quả chủ yếu do khâu tổ chức, triển khai thực hiện, chứ không hoàn toàn do luật. Đại biểu Phạm Hùng Thắng, đề nghị, khen thưởng căn cứ vào công trạng chứ không phải là thành tích sẽ bớt tính tràn lan, hình thức. Hơn nữa, dự thảo Luật cần có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong thi đua, đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng. Hiện, dự thảo Luật đã có quy định, xong chưa thể hiện rõ điều này.

ĐBQH Phạm Hùng Thắng phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hà Nam 

Liên quan đến việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, các ĐBQH Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên), Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nhất trí với việc bổ sung hình thức khen thưởng này tại điểm d, khoản 2, Điều 51. Đại biểu Vũ Hồng Luyến nêu rõ, lực lượng thanh niên xung phong là lực lượng phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở đường thời chiến và tham gia tháo gỡ bom mìn trên các tuyến đường Trường Sơn, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thu dọn chiến trường, làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Lào, Campuchia... Lực lượng thanh niên xung phong luôn xung kích đi đầu; được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng khác. Do đó, việc bổ sung Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang là thiết thực, để ghi nhận sự hy sinh, cống hiến cho lực lượng này.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc khi bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, vì lực lượng Thanh niên xung phong đã được nhận các hình thức khen thưởng cao nhất của Nhà nước và về cơ bản, các cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã được xét khen thưởng như những đối tượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo niên hạn, công trạng, thành tích. Thanh niên xung phong nếu là người có công với cách mạng còn được thực hiện chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và những chính sách khác đối với thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế, Thanh niên xung phong ở cơ sở miền Nam…

 

Chú trọng động viên, khen thưởng những người lao động trực tiếp 

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh, thảo luận trực tuyến về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu nhất trí cần thiết sửa đổi toàn diện Luật để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác Thi đua khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước…

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh, cơ bản nhất trí với Tờ trình, dự thảo Luật của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Hoàng Ngân đánh giá: Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ và được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động cùng nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Về cơ bản, dự thảo đã khắc phục được những bất cập của Luật hiện hành, bao quát được những vẫn đề phát sinh thực tiễn và phù hợp tình hình quốc tế.

ĐBQH Ngô Hoàng Ngân tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh 

Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng đóng góp một số ý kiến cùng Quốc hội và cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án luật quan trọng này. Theo đại biểu, tại  Điều 5 của Dự thảo về Mục tiêu thi đua, khen thưởng, nên bổ sung cụm từ “Gia đình” và cụm từ “học tập”. Cụ thể: “Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, gia đình phát huy truyền thống yêu nước, năng động, đoàn kết, đổi mới sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ,công bằng văn minh. Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, cổ vũ, động viên cá nhân, tập thể gia đình hăng hái thi đua học tập, lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lý giải đề nghị này, đại biểu Ngô Hoàng Ngân cho biết: Tại Điều 2 của Dự thảo quy định đối tượng áp dụng: “Luật này áp dung đối với cá nhân, tập thể, gia đình người Việt Nam...”. Vì vậy, trong mục tiêu phải đề cập đến đối tượng thi đua, khen thưởng “gia đình”. “Học tập và học tập suốt đời là nhiệm vụ của mọi người. Vì vậy, khuyến khích, động viên, cổ vũ cá nhân, tập thể, gia đình trong học tập cũng cần có thi đua, cần có khen thưởng”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nói.

Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 nguyên tắc:“Nguyên tắc khen thưởng đúng người, đúng việc và ưu tiên khen thưởng những người lao động trực tiếp”. Lí do là: Trong Dự thảo đưa ra 3 nguyên tắc thi đua, khen thưởng: 1- Nguyên tắc thi đua; 2- Nguyên tắc khen thưởng; 3 - Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. “Như Dự thảo nêu thì chưa khắc phục được những bất cập, hạn chế hiện nay trong công tác thi đua, khen thưởng. Đó là việc động viên, khen thưởng đối với những người lao động trực tiếp còn rất ít”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận 

"Định lượng" tiêu chí thi đua, tránh chạy theo hình thức, phong trào 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đánh giá dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này mở rộng, bao quát các đối tượng, không phân biệt trong hay ngoài khu vực Nhà nước, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Tham gia cụ thể vào dự án Luật, về tiêu chí thi đua, đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể, nên có quy định “định lượng” về việc hoàn thành nhiệm vụ cho đối tượng tham gia thi đua, phải làm thế nào để việc thi đua phản ánh đúng thực chất, không chạy theo thành tích, phong trào. Thực tế hiện nay, qua đánh giá hàng năm thì gần như 100% các cấp, các ngành, cán bộ công chức viên chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, một số ít hoàn thành nhiệm vụ thậm chí không có “không hoàn thành nhiệm vụ”; và cuối năm ai cũng đạt lao động tiên tiến, ai cũng được giấy khen nhưng trên thực tế thì có rất nhiều trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, điều này không còn ý nghĩa thi đua. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị nên bỏ danh hiệu lao động tiên tiến, chỉ để lao động xuất sắc, hoặc chỉ nên bình chọn lao động xuất sắc, hoặc nên siết chặt các tiêu chí thi đua đổi mới trong thi đua, đúng thực chất, có ý nghĩa động viên hơn, đúng đối tượng hơn.

Cũng theo đại biểu, việc sử dụng các từ “Chiến sĩ” trong các danh hiệu thi đua như: “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, cấp tỉnh, bộ, ngành, toàn quốc… cho cả lực lượng vũ trang và dân chính đảng là chưa phù hợp vì nghĩa theo từ điển tiếng Việt “Chiến sĩ” là đang chiến đấu trong lực lượng vũ trang hoặc có ý nghĩa cao cả, sẽ không phù hợp cho đối tượng công chức, viên chức trong điều kiện hiện nay. Theo đại biểu, với hai từ “Chiến sĩ” chỉ nên áp dụng cho lực lượng vũ trang, còn cán bộ, công chức, các đối tượng khác phải sử dụng từ khác, ví dụ như “lao động thi đua cơ sở” hay “lao động tiêu biểu cơ sở” được quy định tại Điều 18, 19, 20.

Đối với việc bổ sung một số thẩm quyền về thi đua khen thưởng (Điều 78), trong lần sửa đổi này có bổ sung thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khen thường đối với các ĐBQH có thành tích trong nhiệm kỳ, đại biểu tán thành và đề nghị bổ sung thẩm quyền khen thưởng cho Thường trực HĐND các cấp để khen thưởng cho các đại biểu HĐND có thành tích trong nhiệm kỳ.

Liên quan về việc đăng ký thi đua, theo đại biểu, việc đăng ký thi đua là cần thiết, tuy nhiên cũng cần quy định trường hợp ngoại lệ vì thực tế thường phát sinh những điều không lường trước được. Đơn cử, trong quá trình sản xuất kinh doanh người lao động có phát minh sáng kiến nó phát sinh từ thực tế mà quy định bắt buộc phải đăng ký đầu năm mới đủ điều kiện xét duyệt thì khó.

Việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, đại biểu thống nhất dự thảo luật bổ sung vào là phù hợp để ghi nhận sự đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc và phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại công văn số 3257 ngày 27.2.2017.

Tại Điều 93, Khoản 3, 4, 5 về xử lý vi phạm còn quy định chưa rõ, cần xác định rõ việc xử lý theo thứ tự danh hiệu, nếu bị tước ở danh hiệu cao nhất thì các danh hiệu còn lại cũng bị tước theo vì vậy cần cơ cấu viết lại cho phù hợp, logic hơn…

Tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước

Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh, việc bổ sung nguyên tắc “Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo” được Quốc hội thông qua sẽ là một động lực rất quan trọng để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và ở các địa phương vùng biên giới, hải đảo nói riêng. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để làm hoàn thiện hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động cũng như đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên tắc này đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng được khẳng định tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng là “Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số”; sẽ góp phần tăng tỷ lệ người lao động trực tiếp và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, trong đó có người dân tộc thiểu số được các cấp khen thưởng và từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào thi đua yêu nước. Ngoài ra, nguyên tắc này củng cố thêm việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc chăm lo, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội và cũng là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Giúp phong trào thi đua yêu nước được triển khai đồng đều, toàn diện

Liên quan đến việc bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng khoa Nông lâm – Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” sẽ góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở một cấp chính quyền đặc biệt trong hệ thống chính quyền 4 cấp ở nước ta hiện nay.

Các xã, phường, thị trấn thi đua với nhau để đạt được danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” là động lực quan trọng để phong trào thi đua yêu nước được triển khai đồng đều, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu chuẩn “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” gồm nhiều chỉ tiêu tổng hợp về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời là biện pháp quan trọng để các xã ưu tiên tập trung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các phường, thị trấn ưu tiên tập trung xây dựng đô thị văn minh, qua đó nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, việc điều chỉnh tên danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” là phù hợp, vì hiện nay trên thế giới cũng như giới học thuật có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với khái niệm về văn hóa. Thay đổi như vậy cũng phù hợp hơn với thực tế, các hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố chưa được công nhận danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” có thêm động lực, phấn đấu tốt hơn để đạt được danh hiệu