Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động: Bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật

(Mặt trận) - Sáng ngày 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng ý về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng một số lực lượng trong công an nhân dân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Nêu rõ về trách nhiệm, quyền hạn của cảnh sát cơ động, ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, tại Điều 9 của dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động nhưng lại chưa quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động. Thực tế, lực lượng cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo đơn vị lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, vị trí đóng quân tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Do đó, đại biểu Hương đề nghị bổ sung quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động để không xảy ra việc trùng hoặc chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các đơn vị cảnh sát cơ động hay với các đơn vị khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cũng tại Điều 9 quy định, một trong những nhiệm vụ của cảnh sát cơ động là tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, thực tế trong công an nhân dân hiện nay, việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ được giao cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ nòng cốt.

Mặt khác, tại Điều 3 quy định, cảnh sát cơ động được xác định là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự toàn xã hội. Do vậy, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của lực lượng cảnh sát cơ động đối với nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ để không xảy ra sự chồng chéo, bảo đảm sự phù hợp về tính chất lực lượng vũ trang chiến đấu của cảnh sát cơ động cũng như phù hợp với quan điểm xây dựng lực lượng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Ảnh: Quang Khánh

Quy định về quyền hạn của cảnh sát cơ động tại Khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động. Hiện nay, theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng là đơn vị được giao chủ trì công tác quản lý tổ bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cảnh sát cơ động và lực lượng quân đội.

Tại Điều 13 quy định về mô hình tổ chức cảnh sát cơ động, dự án Luật đề xuất 2 phương án. Qua nghiên cứu, đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án 1 quy định hệ thống mô hình tổ chức của cảnh sát cơ động gồm: Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động và cảnh sát cơ động công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống, tổ chức của cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Xác định rõ hơn vị trí, chức năng, đặc thù của cảnh sát cơ động

ĐBQH Âu Thị Mai tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Khánh

Nêu quan điểm về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại phiên thảo luận trực tuyến sáng nay, 26.10, ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị cần làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động.

Đại biểu Mai cho rằng, quy định về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động tại Điều 3 dự thảo Luật còn có sự trùng lặp với các quy định của pháp luật về công an nhân dân. Do vậy, cần quy định rõ hơn về vị trí, chức năng, đặc thù, thẩm quyền liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thể hiện vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt, có vai trò nòng cốt, có nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp vũ trang, có vai trò chuyên trách, tinh nhuệ, hiện đại trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác trong Công an nhân dân.

Về xây dựng cảnh sát cơ động tại Điều 5, dự thảo Luật quy định chỉ có 2 khoản và nội dung cũng chưa thực sự phù hợp nếu tách riêng thành 1 điều. Do vậy, đại biểu Mai đề nghị xem xét đưa nội dung của Điều này tích hợp vào Chương 4 về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với cảnh sát cơ động.

Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, Khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định cảnh sát cơ động có sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện các nhiệm vụ chống hành vi phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, sử dụng bạo lực, giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, biểu tình trái pháp luật, bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, đại biểu Mai đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ như: cứu người và phương tiện đang gặp nguy hiểm; vô hiệu hóa các vũ khí, phương tiện, vật liệu cháy, nổ đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện và môi trường; tạm giữ khẩn cấp người và phương tiện tham gia phạm pháp có dấu hiệu tội phạm đang có nguy cơ bỏ trốn khỏi hiện trường. Thực tế cho thấy, đối với các nhiệm vụ này thì lực lượng cảnh sát cơ động luôn là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự đầu tiên được huy động tới hiện trường. 

Về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động tại Điều 13 dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Thống nhất với phương án 1, đại biểu Mai cho rằng, phương án này sẽ giúp lực lượng cảnh sát cơ động chủ động, linh hoạt hơn. Việc giao Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động nhằm bảo đảm tính linh hoạt, thống nhất, ổn định, lâu dài của văn bản pháp luật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về huy động người, phương tiện, thiết bị tại Điều 17, đại biểu Mai đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung để làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách. Cụ thể là trường hợp nào được hiểu là cấp bách, tính chất, mức độ, phạm vi huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động. "Huy động người, phương tiện, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách là hết sức cần thiết nhưng đây cũng là nội dung liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản. Do đó, phải có quy định thật cụ thể và rõ ràng". 

Chính sách đặc thù chưa rõ

 ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga tại điểm cầu tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quang Khánh

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động tại Điều 23, đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng và hết sức cần thiết, nhưng nếu quy định không cụ thể, rõ ràng thì quá trình thực hiện sẽ nảy sinh những khó khăn, vướng mắc. Do vậy, cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này để bảo đảm thống nhất. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng, các quy định tại Điều 23 chưa đủ rõ ràng về chính sách đặc thù đối với cảnh sát cơ động. Nhiều quy định còn chung chung giống các lực lượng khác của công an nhân dân, chưa thấy chế độ ưu tiên thực sự khác biệt giữa các lực lượng về con người, tổ chức và cơ sở vật chất. Vì vậy, đại biểu Nga đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung về nội dung này.

Về tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động (Điều 24) Khoản 1, Điều này dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi và bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện phục vụ trong cảnh sát cơ động. ĐB Mai đề nghị, bổ sung thêm cụm từ thành phần dân tộc sau cụm từ không phân biệt nam, nữ và thể hiện lại khoản này như sau: Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ thành phần dân tộc, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện phục vụ trong cảnh sát cơ động. Đồng thời, xem xét bổ sung thêm 1 khoản quy định chính sách tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động là ưu tiên tuyển chọn cảnh sát cơ động là người dân tộc thiểu số vì địa bàn miền núi rất rộng và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khi tuyển chọn được người dân tộc thiểu số, họ vừa nắm được địa bàn, vừa thông thạo tiếng dân tộc, hiểu biết về phong tục, tập quán sẽ thuận lợi cho cảnh sát cơ động trong thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Mặt khác, thực hiện chính sách này cũng giúp nâng cao cảnh giác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần phục vụ công tác chỉ đạo xuyên suốt trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có nên trang bị tàu bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động? 

Từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định về trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động là không hợp lý. Bởi lực lượng phòng không không quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển. Tại sao chúng ta không sử dụng lực lượng và phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết để có sự phối hợp? Quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, cảnh sát cơ động khi cần thiết để làm nhiệm vụ. Nếu trang bị tàu bay, sân bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động sẽ gây tốn kém ngân sách, sau đó lại phải trang bị kỹ thuật, huấn luyện thường xuyên kỹ thuật sân bay, tàu bay riêng. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có điều kiện chính trị, trật tự xã hội ổn định. "Theo đánh giá chủ quan của tôi, những vấn đề như khủng bố, biểu tình, bạo loạn ở nước ta so với các quốc gia khác trên thế giới là hiếm và sẽ rất ít xảy ra. Cho nên, khi cần thiết bị, trang bị có thể sử dụng các phương tiện của quân đội sẽ hợp lý hơn bởi công an với quân đội như anh em ruột thịt. Từ đó, có thể sử dụng phương tiện sẵn có mà không cần phải mua mới", đại biểu Hòa nêu quan điểm.

 ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Tranh luận với đại biểu tỉnh Đồng Tháp, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, cần khẳng định cảnh sát cơ động là lực lượng chống khủng bố, bạo loạn, đảm bảo an ninh trật tự, do vậy, đây là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của công an trong lĩnh vực này. Không thể nói là vì tiết kiệm mà chúng ta không trang bị cho lực lượng cảnh sát cơ động. Nếu như, lực lượng này ngăn chặn được khủng bố, bạo loạn, trật tự an ninh quốc gia thì không thể đong đếm bằng đồng tiền. Chúng ta phải khẳng định, cứu được con người và giải quyết vấn đề quốc gia thì không gì có thể đong đếm được.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lực lượng cảnh sát cơ động cần phải trang bị một cách hiện đại nhất. Do vậy, trang bị tàu bay, sân bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động, theo ĐB Thịnh, là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động

Quy định đầy đủ nhiệm vụ của cảnh sát cơ động

Tại phiên thảo luận trực tuyến sáng nay, 26.10 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, huy động lực lượng về phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động và các nội dung khác... bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác.

Về phạm vi hoạt động của Cảnh sát cơ động, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, cảnh sát cơ động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều động của cấp có thẩm quyền để triển khai lực lượng, biện pháp kịp thời xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp về an ninh trật tự có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.

Thực tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia như tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, biểu tình, bạo loạn đấu tranh triệt phá các tụ điểm, các băng đảng, nhóm tội phạm nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội của cảnh sát cơ động cho thấy, các vụ việc không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm mà còn xảy ra ở các tỉnh khu vực miền núi, biên giới, đặc biệt có những vụ việc xảy ra lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. 

Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động được quy định trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và bổ sung những nhiệm vụ cảnh sát cơ động đang thực hiện theo quy định trong các quyết định của Bộ Công an.

Để đảm bảo tính ổn định và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, dự thảo Luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ của cảnh sát cơ động. Trong đó bao gồm: nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp để đảm bảo các cơ sở pháp lý cho việc điều động, sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động. Trong quá trình ra quân thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động tác chiến theo lộ trình với trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẽ tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người có hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, xem xét kỹ lưỡng để quy định đầy đủ các nhiệm vụ của cảnh sát cơ động tại dự thảo Luật. 

Cảnh sát cơ động cần được chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái

Về quyền hạn ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái tấn công, xâm phạm các mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, cảnh sát cơ động Trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, cảnh sát cơ động được giao nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các sự kiện, hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc xử lý phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu do Cảnh sát cơ động bảo vệ. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các phương tiện bay này tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ nói riêng.

Ví dụ, những trường hợp của tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại và gây nguy hại cho các mục tiêu mà lực lượng trực tiếp bảo vệ nhưng do không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý sẽ gây hậu quả nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao.

"Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho cảnh sát cơ động trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu cần bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang canh gác bảo vệ thì cần quy định thẩm quyền này cho cảnh sát cơ động tại dự thảo Luật", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. 

Đối với ý kiến của các ĐBQH về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba.