Quốc hội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Quang cảnh phiên họp sáng 30/5. (Ảnh: LINH KHOA) 

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo phục vụ giám sát. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 11 bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc thông qua

Báo cáo đánh giá xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Theo đó, kể từ khi Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh ; Chính phủ ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, gồm 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

Đến nay, 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng; của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/2/2022, các bộ, ngành đã giải ngân 244,68 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương giải ngân 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).

Nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong hoạt động quy hoạch

Đoàn giám sát chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trước hết là việc tồn tại một số bất cập, quy định chưa phù hợp, rõ ràng trong chính Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho quá trình triển khai.

Cụ thể, Luật Quy hoạch quy định, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp cao hơn. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia chưa lập, phê duyệt xong nên không có căn cứ để lập các quy hoạch cấp dưới, trong khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực, do vậy không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội.

Luật cũng không quy định thời hạn hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành khác về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập  dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng bị đánh giá là rất chậm so yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn (còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt), ảnh hưởng việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Theo đó, cần triển khai ngay các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Cụ thể, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch.

Về trung và dài hạn, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật liên quan quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thảo luận tại hội trường sáng 30/5, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội và đánh giá cao việc lựa chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Tăng tính liên kết và đồng bộ, khắc phục tình trạng quy hoạch treo

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập liên quan công tác rà soát quy hoạch, tính liên kết và đồng bộ giữa các quy hoạch chưa được thể hiện rõ, đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất.

Việc bảo đảm kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn cụ thể về các nội dung chi cũng như thẩm quyền thực hiện thu, chi kinh phí thẩm định.

Để hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị, các cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự phù hợp giữa các quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị. Trong đó, quy hoạch đô thị cần căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, trong khi quy hoạch sử dụng đất khi lập cần dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để bảo đảm sự đồng bộ.

Nhằm bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện, hạn chế tối đa gây ảnh hưởng đời sống, quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá, sau 3 năm triển khai Luật Quy hoạch, qua giám sát, đánh giá, những nội dung được quy định trong Luật Quy hoạch chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những tác động tiêu cực đối với những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đến nay, trong đó có vấn đề quy hoạch treo và dự án treo.

Theo đại biểu, trong thực tiễn xã hội, vấn đề này đã và đang gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt đối với người dân nằm trong vùng quy hoạch treo, dự án treo. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo; đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.

Giải pháp nào cho tình trạng thời gian lập quy hoạch kéo dài?

Trước thực trạng tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn, dẫn đến phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020, nhiều đại biểu cho rằng Nghị quyết giám sát sắp tới cần đưa vào các giải pháp khắc phục thời gian lập quy hoạch kéo dài.

Phát biểu tại thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo đại biểu, có thể thấy việc hướng dẫn mẫu hóa các nội dung như đề cương nhiệm vụ có những nội dung chưa rõ nên các cơ quan thực hiện mất thời gian nghiên cứu. Thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cũng mất nhiều thời gian. Thời gian tham gia ý kiến nhiệm vụ lập quy hoạch và thời gian thẩm định, phê duyệt tương đối dài. Việc triển khai lập quy hoạch từ khâu lập nhiệm vụ, lập dự toán kinh phí mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết giám sát cần có giải pháp khắc phục tình trạng “mất thời gian” vì các lý do nêu trên.

Đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị Quốc hội quy định cụ thể hơn về thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, như hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp thích hợp để lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch hướng dẫn quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt tại Điều 45 của Luật Quy hoạch, quy định về việc kèm bản đồ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tại Điều 37 của Luật Quy hoạch.

Theo đại biểu, đến nay, một số lượng các quy hoạch lớn vẫn chưa được phê duyệt, trong đó có 5/6 quy hoạch vùng, 35/39 quy hoạch ngành quốc gia, 62/63 quy hoạch tỉnh. Để bảo đảm khả năng hoàn thành công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo Nghị quyết 119 của Chính phủ là đến ngày 31/12/2022 hoàn thành, tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng chất lượng thẩm định quy hoạch, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch cụ thể về thẩm định, phê duyệt đối với từng quy hoạch để các bộ, ngành, địa phương chủ động và chịu trách nhiệm thực hiện đúng kế hoạch đề ra trong năm 2022.