Quảng Trị: Phát huy dân chủ, chống tiêu cực, lãng phí qua hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng

(Mặt trận) - Cùng với sự phát triển của xã hội nhiều công trình, dự án đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) ở các địa phương nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư, hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực là rất cần thiết.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Nhiều công trình giao thông nông thôn có sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng - Ảnh: M.L 

Năm 2019, Ban GSĐTCĐ xã Cam Hiếu đã phát hiện nhiều sai phạm tại công trình xây dựng Trạm bơm Vĩnh Đại, thuộc gói thầu số 9, Dự án hệ thống thủy lợi Ba Hồ-Bản Chùa. Sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sau khi vụ việc được phát hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu chủ đầu tư công trình làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan dẫn đến sai sót và có biện pháp khắc phục. UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức khen thưởng đột xuất Ban GSĐTCĐ xã Cam Hiếu có thành tích xuất sắc trong giám sát, phát hiện và kiến nghị xử lý đảm bảo chất lượng công trình Trạm bơm Vĩnh Đại.

Đối với những công trình nhà nước đầu tư, người dân là đối tượng thụ hưởng, nếu giám sát tốt, chất lượng đảm bảo thì độ bền công trình cao. Thực tế cho thấy, nơi nào giám sát tốt công trình đều đảm bảo, còn nếu lơ là chất lượng sẽ giảm sút, nhanh hư hỏng. Với quan điểm đó, UBMTQVN xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ đã thành lập Ban GSĐTCĐ xã gồm có 10 thành viên gồm 3 cán bộ xã, 7 cán bộ thôn nhưng mỗi khi có công trình được xây dựng ở địa bàn thôn nào thì rút thành viên của ban thành lập tiểu ban giám sát cộng đồng gồm 5 người để trực tiếp giám sát công trình đó. Với hình thức thành lập tiểu ban để phân công quản lý từng công trình cụ thể, Ban GSĐTCĐ xã Cam Hiếu hoạt động ngày càng tích cực và hiệu quả.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Cam Hiếu Trần Thanh Hoài chia sẻ: “Để thực hiện chức năng nhiệm vụ, Ban GSĐTCĐ xã đã tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan hoạt động giám sát như kế toán, tài chính, các văn bản pháp luật, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã… Nhờ vậy, Ban GSĐTCĐ xã không chỉ giám sát dựa trên kinh nghiệm và nhận thức chủ quan của cá nhân mà còn có thể giám sát chính xác theo bản vẽ thiết kế, kế hoạch tổng thể…”.

Những năm gần đây, tại địa bàn các xã vùng Đông huyện Hải Lăng trở nên sôi động khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được hình thành. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương của tỉnh và địa phương, tạo đồng thuận trong việc GPMB, chuẩn bị quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư, một số công trình hạng mục phụ trợ cũng được khởi công xây dựng như các dự án tái định cư, tuyến đường trung tâm trục dọc khu kinh tế…

Tất cả những dự án này cần sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng để đảm bảo khách quan, mang lại hiệu quả bền vững và tạo niềm tin trong Nhân dân. Điển hình như năm 2019, dự án Khu tái định cư xã Hải Khê giai đoạn 1 có tổng kinh phí 252 tỉ đồng để bố trí tái định cư, đầu tư hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa và sản xuất, sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân để xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 và một số dự án kinh tế động lực tại khu kinh tế. Theo đó, một khu tái định cư khép kín, hiện đại với nhiều hạng mục được triển khai xây dựng như trụ sở UBND xã, trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, điện chiếu sáng…nên rất cần có sự giám sát của cộng đồng.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBMTTQVN xã Hải Khê cho biết đây là công trình thiết yếu có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nên khi được bàn giao hồ sơ thiết kế, chúng tôi đã tăng cường công tác giám sát cộng đồng. Xã có 2 Ban GSĐTCĐ ở 2 thôn Trung An và Thâm Khê. Hằng ngày, các ban phân công từ một đến hai người trực tiếp đến công trình theo dõi, nắm bắt tình hình các đơn vị đang thi công. Tất cả các hạng mục, gói thầu đều được quản lý, giám sát một cách khoa học, chặt chẽ, đồng bộ của các cấp mặt trận và người dân vùng hưởng lợi. Nếu có hạng mục nào không phù hợp với bản thiết kế thì ban giám sát sẽ báo cáo với UBND xã cùng có ý kiến yêu cầu điều chỉnh. Thực tế cho thấy một số công trình xây dựng có tác động môi trường, đến đời sống dân sinh như việc chở xỉ đá gây bụi vào khu dân cư được người dân phản ánh, ban giám sát đã gặp đơn vị thi công yêu cầu tưới nước để giảm bụi, hay tưới nước bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng công trình trong thời tiết nắng hạn; việc đưa xe bánh xích vào thi công làm hư hỏng đường bê tông, làm vương vãi đất cát trên đường dân sinh cũng được ban giám sát phát hiện, phản ánh cụ thể để đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục, đảm bảo việc thi công dự án không có tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân.

Toàn tỉnh hiện có 144 Ban GSĐTCĐ với 1.125 thành viên. Năm 2020, các ban đã tiến hành giám sát 818 dự án, công trình, qua đó phát hiện và kiến nghị với các cấp, các ngành 58/62 công trình sai phạm góp phần phòng, chống lãng phí, thất thoát các nguồn lực; phòng, chống xâm hại lợi ích cộng đồng, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình thực hiện, Ban GSĐTCĐ xã, phường, thị trấn đã nỗ lực chủ động thực hiện hoạt động giám sát, phát hiện nhiều sai phạm trong quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, thi công công trình.

Có thể nói, việc thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát đầu tư cộng đồng đối với các công trình xây dựng của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò, vị thế của người dân trong quá trình phát triển KTXH được tôn trọng, góp phần chống tiêu cực, lãng phí vì lợi ích chung của cộng đồng.