Phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của MTTQ Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) - Nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước là tổng thể các hoạt động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện, nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực thi quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần làm cho Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Thông qua những cách làm sáng tạo, linh hoạt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đóng góp nhiều ý kiến, phản biện nhiều quy định giúp cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn bản về chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

 Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Ở Trung ương, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện việc góp ý thường xuyên với: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban Đảng Trung ương; các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương… về các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận, báo cáo, dự thảo báo cáo chính trị của Đảng trước mỗi kỳ Đại hội; việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; về mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Mặt trận và đảng viên với Nhân dân; những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Thông qua hệ thống báo chí của Mặt trận, như: báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Trang thông tin điện tử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên trang, chuyên mục... đăng tải dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII, XIII của Đảng để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nói chung, tham gia góp ý, phản ánh.

Ngay sau khi Đại hội XII, XIII của Đảng thành công, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo nghiên cứu, học tập, quán triệt và xây dựng Chương trình hành động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, những năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nhiều Hội nghị sơ, tổng kết các nghị quyết, quy chế, quy định, kết luận của Đảng về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và các chủ trương, chính sách có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham gia xây dựng, góp ý các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về việc nêu gương, phòng chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…, tham gia các Ban chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, văn bản của Đảng. Qua đó, Mặt trận đã phản ánh, kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung với Đảng góp phần tích cực xây dựng Đảng.

Tham gia góp ý xây dựng Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý đối với hàng trăm dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quan trọng dưới luật của các cơ quan có thẩm quyền, các chương trình, dự án, đề án.

Nhiều ý kiến góp ý của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên cử đại diện cơ quan tham gia trực tiếp các hoạt động nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị định với tư cách là thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập và với vai trò thành viên Hội đồng thẩm định thuộc Bộ Tư pháp.

Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương.

Theo báo cáo từ các địa phương, tổng hợp đến tháng 6 năm 2022 có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.

Đối với góp ý xây dựng Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy vai trò tích cực góp ý xây dựng Đảng.

Trọng tâm là góp ý vào các dự thảo văn bản của Đảng, góp ý cho tổ chức đảng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, về xây dựng tổ chức bộ máy cán bộ, việc thực hiện các quyết sách của địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp ý đối với cán bộ, đảng viên về phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, mối quan hệ giữa đảng viên với Nhân dân... giúp cấp uỷ không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đối với góp ý xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ góp ý xây dựng chính quyền bằng việc tổ chức góp ý đột xuất đối với các dự thảo văn bản khi chính quyền các cấp và các ngành đề nghị; chủ động nắm bắt, tổng hợp các ý kiến kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, hội viên, Nhân dân và tình hình tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh thông qua các thông báo tham gia xây dựng chính quyền tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp cũng đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức nhiều Hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản luật theo đề nghị của các cơ quan soạn thảo ở Trung ương.

Thông qua việc tổ chức các hội nghị góp ý, góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp ở địa phương, cơ sở đã tham gia góp ý nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức nhiều Hội nghị sơ, tổng kết các Nghị quyết của Đảng, Chương trình, Đề án của tỉnh.

Thực hiện phương thức góp ý thường xuyên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với hàng vạn lượt cử tri tham gia mỗi đợt.

Ở nhiều địa phương, các cấp chính quyền đã công khai quy chế làm việc của các cơ quan nhà nước; công khai các quy định về thủ tục hành chính; quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành… để Nhân dân góp ý. Một số địa phương đã thực hiện tốt phương thức góp ý thường xuyên thông qua hòm thư góp ý.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước

Công tác giám sát

Ở Trung ương, từ năm 2014 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận, một số bộ, ngành liên quan xây dựng, ký kết thực hiện 14 chương trình phối hợp giám sát và 1 quy chế phối hợp.

Đặc biệt, đã tổ chức nhiều đoàn giám sát liên ngành với sự tham gia của đại diện các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành như: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo... và nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận.

Để công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, trong thời gian gần đây, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát theo chuyên đề việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, qua đó đã theo dõi, xem xét phát hiện và kiến nghị nhiều vấn đề với các cơ quan, tổ chức là các chủ thể được giám sát, góp phần quan trọng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Qua việc giám sát công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời có những kiến nghị cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia về những vấn đề cần khắc phục trong quá trình triển khai công tác bầu cử.

Ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Mặt trận cấp Trung ương đã thành lập 9 đoàn kiểm tra, giám sát; tổ chức thành 2 đợt, kiểm tra, giám sát tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và có một số kiến nghị cụ thể gửi Ban Chỉ đạo công tác bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan.

Trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia nhiều đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ động, sáng tạo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giám sát trên cơ sở các hướng dẫn và định hướng công tác giám sát hàng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền lựa chọn những chủ trương lớn về kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, thực hiện việc ký kết các chương trình phối hợp giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước có liên quan.

Các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số địa phương, cơ sở đã thật sự phát huy được hiệu quả, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương, trong 8 năm (2014-2021) đã tổ chức 631.288 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát 19.833 cuộc, cấp huyện giám sát 34.930 cuộc, cấp xã giám sát 576.525 cuộc.

Trong năm 2022, theo báo cáo của 63/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương: đã thực hiện 64.065 cuộc giám sát, trong đó tổ chức giám sát 16.770 cuộc bằng thành lập đoàn giám sát, giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản 19.264 nội dung, tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan giám sát 28.031 cuộc. Tổng số cuộc giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên cả nước là 60.697 cuộc, trong đó Ban Thanh tra nhân dân giám sát 30.601 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 30.636 cuộc.

Sau giám sát, Mặt trận các cấp đã kịp thời kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập, rà soát chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng với tình hình, góp phần giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Công tác phản biện xã hội

Ở Trung ương, những năm qua, nhất là từ khi triển khai Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như:

Phản biện Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...

Sau hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản, trong đó văn bản phản biện thường được gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng liên quan. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực.

Ở địa phương, căn cứ hướng dẫn hằng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tập trung phản biện dự thảo các chính sách, pháp luật; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã tập trung phản biện xã hội các dự thảo chương trình, đề án có liên quan trực tiếp đến nhân dân ở địa phương mình.

Thực tiễn cho thấy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tích cực thực hiện công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp ý vào các dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành...

Thống kê số liệu về công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cho thấy, trong nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức được 86.872 cuộc phản biện xã hội. Trong thời gian gần đây, theo báo cáo của 63/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương: trong năm 2021 đã tổ chức 4.819 cuộc phản biện xã hội, trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phản biện xã hội được 162 cuộc; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chủ trì phản biện xã hội được 696 cuộc; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì phản biện xã hội được 3.961 cuộc.

Trong năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương đã tổ chức 16.540 cuộc phản biện xã hội, trong đó cấp tỉnh tổ chức 1.009 cuộc, cấp huyện tổ chức 4.181 cuộc, cấp xã tổ chức 11.350 cuộc.

Hoạt động phản biện xã hội đã được Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức theo 3 hình thức phản biện, cụ thể: tổ chức 5.618 hội nghị phản biện xã hội, gửi xin ý kiến phản biện đối với 10.402 văn bản; tổ chức 520 hội nghị đối thoại cho ý kiến với các dự thảo văn bản.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; phối hợp với các cơ quan, tổ chức ban hành và thực hiện các chương trình, quy chế phối hợp công tác

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngày 9/6/2015 Quốc hội đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, thay thế Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, góp phần giúp cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng hiệu quả, bảo đảm dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội trong tình hình mới.

Trước thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng với một số cơ quan, bộ ngành Trung ương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch như Nghị quyết liên tịch với Chính phủ, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Nghị quyết liên tịch về quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân qua các kỳ bầu cử, Thông tư liên tịch với một số bộ, ngành.

Trong những năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên đã chủ động chuẩn bị và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ra Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, giao chủ trì soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Người Cao tuổi; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Cựu Chiến Binh, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Trung ương và địa phương tập trung tham gia xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, mối quan hệ giữa Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Các văn bản quy phạm pháp luật được Mặt trận và các tổ chức thành viên dự thảo, xây dựng, phối hợp ban hành trong giai đoạn vừa qua đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật. Các dự án luật, pháp lệnh do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ trì soạn thảo luôn có sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức và nhận được sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của nhiều cơ quan nhà nước.

Việc góp ý các văn bản quy phạm pháp luật

Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia xây dựng, góp ý Hiến pháp năm 2013. Với sự tham gia của cả hệ thống Mặt trận, việc lấy ý kiến xây dựng Hiến pháp đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng khắp trên cả nước, góp phần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.

Mặt khác, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập trung vào việc góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tính trung bình mỗi năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, phản biện xã hội khoảng 30-50 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Hầu hết các dự án luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến tổ chức bộ máy nhà nước đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo mời đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản luật theo đề nghị của các cơ quan soạn thảo ở Trung ương, trong đó có dự án luật quan trọng như: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạp pháp luật; dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng…

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở cơ sở chú trọng tham gia góp ý dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân…

Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện các Nghị quyết liên tịch, các Chương trình phối hợp công tác giữa Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiều bộ, ban, ngành Trung ương.

Thông qua việc ký kết, triển khai các Chương trình phối hợp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành địa phương.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước

Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước là phương thức hiệu quả, trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp hàng nghìn ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trình bày tại phiên khai mạc các kỳ họp của Quốc hội.

Thông qua việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị trên nhiều lĩnh vực cụ thể, Mặt trận đã phát hiện ra nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, nhiều bất cập trong thực thi chính sách và có những kiến nghị cụ thể, xác đáng, giúp cho các cơ quan nhà nước tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những chính sách, những quy định pháp luật có liên quan.

Thống kê số liệu từ năm 2014 đến năm 2022, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 38.189.168 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân báo cáo tại phiên khai mạc các kỳ họp của Quốc hội.

Qua việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận đã thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quyền và trách nhiệm trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Ngoài ra, với chức năng nắm bắt thông tin dư luận xã hội để phản ánh với Đảng và Nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ hàng quý, 6 tháng có báo cáo tập hợp về tình hình dư luận và Nhân dân gửi Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Sáu tháng, hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có báo cáo công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Với việc sử dụng các phương thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước một cách linh hoạt, mang đặc thù của tổ chức Mặt trận, trong những năm qua, công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Một số giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể về nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải chú trọng tổng kết thực tiễn hoạt động để đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tiến bộ, khoa học và phù hợp với thực tiễn trong việc thực hiện các nội dung công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Mặt trận tiếp tục quan tâm thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện để mọi người dân được bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, Nhà nước trên tinh thần dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị, đáp ứng yêu cầu cấp thiết, chính đáng của Nhân dân.

Hai là, xây dựng pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Đảng. Trong thời gian tới, cần tổ chức tổng kết hoạt động 10 năm tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ khi có các Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị) để đề nghị Đảng, Nhà nước thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp về hoạt động tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thể chế hóa và cụ thể hóa quy định tại Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Đảng thành pháp luật, trước hết là vào Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất cần thiết để quy định về Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Mặt trận giám sát hoạt động của các tổ chức của Đảng và đảng viên, phản biện xã hội “Các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng...” như Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nêu và cũng là thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng Nhà nước. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua cho thấy, có một số nội dung, phương thức hoạt động tham gia xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả thực hiện, đó là: Quy định về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia xây dựng pháp luật; quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quy định về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bốn là, xây dựng pháp luật về mối quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên của Mặt trận. Nghiên cứu luật hóa mối quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên để có cơ chế pháp lý đầy đủ góp phần thực hiện có hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trước mắt, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để quy định cụ thể về cơ chế phối hợp và thống nhất hành động trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng luật hóa các quy định liên quan của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổng kết thực tiễn việc thực hiện các quy định này, từ đó giúp tăng cường mối quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên của Mặt trận, tạo thành sức mạnh một cách thực chất trong mọi hoạt động của Mặt trận, nhất là hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo rà soát các nội dung công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và qua tổng kết thực tiễn các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước để ban hành các quy chế, quy trình cụ thể, thực hiện từng hoạt động, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền địa phương.

Sáu là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm công tác hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hàng năm theo hướng cụ thể, thiết thực.

Tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong thời gian tới.

Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng để thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp” trong hệ thống Mặt trận.

Đổi mới phương pháp, hình thức tập huấn cho cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp theo hướng tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ của từng lĩnh vực công tác Mặt trận, trong đó chú trọng bồi dưỡng kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Có biện pháp, hình thức để tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phạm Kim Cúc -  Thạc sĩ, Phó Giám đốc

Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam