Phối hợp chặt chẽ, hạn chế tình trạng chuyển đơn không đúng địa chỉ, không rõ căn cứ

(Mặt trận) - Trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, thông qua việc xem xét báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật đã được các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH ghi nhận để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Qua đó đã củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước; thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đối với cử tri và Nhân dân.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được giải quyết kịp thời

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, trong năm 2024, tình hình công dân đến nơi tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH giảm nhưng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 1.033 đơn so với năm 2023.

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 4.987 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 4.608 vụ việc và có 234 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, các cơ quan đã ban hành 1.092 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản đối với 295 đơn; trực tiếp giải thích, thuyết phục, vận động 3.221 lượt công dân chấp hành các bản án, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan đã nhận được 32.212 đơn thư của công dân gửi đến, tăng 1.033 đơn so với năm 2023. Qua nghiên cứu 9.676 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 4.216 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời công dân đối với 1.384 đơn; tiếp tục nghiên cứu 534 đơn và lưu theo dõi 23.960 đơn. Qua nghiên cứu nội dung đơn thư của công dân và kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan đã thực hiện các hoạt động giám sát việc giải quyết đối với 252 vụ việc.

Trong đó, có 178 vụ việc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng; nhiều vụ việc, nhiều vấn đề bức xúc được cử tri và Nhân dân quan tâm, phản ánh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện thông qua các hoạt động giám sát chuyên đề; tổ chức phiên giải trình để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Nhìn chung, việc thực hiện công tác dân nguyện luôn được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH quan tâm, chú trọng để tiếp nhận, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thông qua việc xem xét báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật đã được các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội ghi nhận để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Qua đó, đã củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đối với cử tri và Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn một số hạn chế, việc tổ chức tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH.

Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn những hạn chế, tình trạng chuyển đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền chưa được khắc phục. Việc theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc đã chuyển còn hạn chế.

Sớm hoàn thiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu để hạn chế việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đơn đối với vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo; sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Những vụ việc chưa được giải quyết hoặc giải quyết nhưng công dân vẫn còn tiếp tục khiếu nại, tố cáo bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH cần chủ động, phối hợp với các cơ quan có liên quan để giám sát và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, cần triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết 623, trong đó cần quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sớm ban hành quy định về việc giải quyết kiến nghị, phản ánh để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra công vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động trong việc nắm tình hình, nhất là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết dứt điểm. Khẩn trương xem xét, giải quyết các vụ việc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị nhưng đến nay chưa được giải quyết, trả lời hoặc chưa có thông tin kết quả giải quyết.

Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục có giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án; bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được thực thi, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài. Có giải pháp khắc phục những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân liên quan đến trình độ, trách nhiệm của một số cán bộ được phân công làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem xét đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao với cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư công dân gửi đến; phối hợp chặt chẽ trong việc thông tin để hạn chế tình trạng chuyển đơn không đúng địa chỉ, chuyển đơn không rõ căn cứ.