Phát huy tính chủ động của mặt trận trong công tác giám sát

(Mặt trận) - Ngay từ những ngày đầu đầy gian truân của cuộc chiến chống dịch Covid-19 cho đến thời điểm triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đã tích cực giám sát, bảo đảm chính sách đến với người dân kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

MTTQ quận Hà Đông giám sát thực hiện chi trả hỗ trợ tiền cho các đối tượng tại phường Nguyễn Trãi. 
Nhanh chóng nhập cuộc

Ngay khi Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội TP Hà Nội đã phát huy vai trò giám sát từ khâu xây dựng chính sách cho đến quá trình lập danh sách, xét duyệt, chi trả hỗ trợ, bảo đảm kịp thời, công khai minh bạch. MTTQ thành phố Hà Nội đã thành lập sáu đoàn kiểm tra, 83 đoàn giám sát cấp huyện và 1.075 đoàn giám sát cấp xã. Theo đó, MTTQ thành phố giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. MTTQ cấp huyện giám sát việc hỗ trợ đối với ba đối tượng: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Bốn đối tượng chịu sự giám sát của MTTQ cấp xã gồm: Hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Ðàm Văn Huân cho biết: Với tinh thần chăm lo, quan tâm đời sống nhân dân, nhất là những người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, công tác rà soát, chi trả cho nhóm đối tượng có công, bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo tại địa bàn Thủ đô đã được triển khai đầy đủ, đúng đối tượng. Hiện, việc hỗ trợ đợt một cho ba nhóm với bốn đối tượng gồm: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đạt 100%. Ðã có 385.516 trong tổng số 385.683 người nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng. 167 đối tượng chưa nhận được hỗ trợ vì vắng mặt tại nơi cư trú. Qua giám sát, đã đưa ra khỏi danh sách các đối tượng đã chết hoặc không còn trên địa bàn; các đối tượng bị trùng được xem xét đưa vào danh sách hưởng hỗ trợ ở mức cao nhất theo hướng dẫn. Mọi ý kiến vướng mắc trong quá trình hỗ trợ chi trả được giải đáp thỏa đáng, không gây bức xúc trong nhân dân.

Hiện nay, mặt trận các cấp đang cùng chính quyền cơ sở giám sát việc rà soát lập danh sách hỗ trợ các đối tượng thuộc diện chi trả đợt hai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ. TP Hà Nội phấn đấu đến hết tháng 8-2020 sẽ hoàn thành chi trả hỗ trợ cho các đối tượng còn lại, bảo đảm đúng đối tượng, công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Giám sát chặt chẽ

Ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, mặc dù nhận chủ trương được ban hành gấp, song xuất phát từ trách nhiệm và tâm huyết, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố đã không chỉ bảo đảm tính hiệu quả, thực chất trong giám sát mà còn tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách sâu rộng đến cộng đồng dân cư. Tại nhiều quận, huyện đã có cách làm mới, sâu sát đến tận đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, góp phần nắm bắt tâm tư tình cảm, tạo đồng thuận, niềm tin trong nhân dân. Phó Chủ tịch MTTQ quận Cầu Giấy Mai Quý Dân cho biết: Quận đã thành lập hai đoàn công tác đến trực tiếp gặp gỡ các đối tượng được hưởng chế độ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như kiểm tra việc chi trả có bảo đảm công khai, minh bạch, đúng và trúng đối tượng hay không. Từ kinh nghiệm của việc chi trả đợt một chúng tôi thấy, nếu mặt trận tham gia giám sát ngay từ khâu lập danh sách, xét duyệt hồ sơ bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng thì việc triển khai sẽ đạt hiệu quả tốt.

Ông Nguyễn Thành Tín, tổ dân phố 15 phường Nghĩa Ðô, quận Cầu Giấy đánh giá: Công tác triển khai gói an sinh xã hội của quận rất nhanh, là đối tượng thụ hưởng đợt một, ngay từ ngày 30-4 tôi đã nhận được tiền hỗ trợ. Chính quyền và MTTQ quận, phường, cán bộ tổ dân phố đã đến tận nơi, gặp những người có công, đối tượng chính sách hỏi han rất kỹ. Ðây là việc làm rất cần thiết, bởi nếu không làm như vậy thì khó có thể phát hiện kịp thời những thiếu sót của cán bộ cơ sở cấp dưới. Tôi tin rằng cách làm chặt chẽ, đồng lòng từ trên xuống dưới như vậy không chỉ khơi dậy lòng tin của người dân, mà còn là phương pháp hiệu quả tránh "trục lợi chính sách".

Sâu sát cơ sở, MTTQ các cấp cũng kịp thời nắm bắt những vướng mắc, kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể các đối tượng được hưởng hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19. MTTQ thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương bổ sung một số đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giáo viên mầm non tại các trường tư thục, giáo viên hợp đồng tại các trường công lập, người làm nghề đánh giày, cắt tóc, thợ sửa điện, nước, thợ may… Ðồng thời, quy định rõ thêm về gia cảnh của các đối tượng được hỗ trợ để triển khai gói an sinh đạt hiệu quả.

Trực tiếp kiểm tra công tác giám sát của MTTQ các cấp TP Hà Nội đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá: MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của Hà Nội đã chủ động ban hành những văn bản giám sát các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiệm vụ giám sát được thực hiện đúng quy định, sát với hướng dẫn của Trung ương và thành phố, ngay từ khâu xây dựng chính sách đã rõ trách nhiệm, rõ cách làm, rõ đối tượng. Hà Nội ban hành chính sách riêng cho nhóm đối tượng giáo viên mầm non tư thục, chi trả cho hơn 17 nghìn lượt người, thể hiện sự mạnh dạn, trách nhiệm của chính quyền, mặt trận các cấp trong công tác chăm lo người dân và cũng là cách mới, cụ thể hóa thông điệp "không để ai bị bỏ lại phía sau".