Ninh Bình: Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

(Mặt trận) - Trong những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh Ninh Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua triển khai thực hiện QCDC đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Để đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở, trong năm 2019, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng  và thực hiện QCDC ở cơ sở. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện QCDC ở cơ sở theo chương trỉnh công tác đã đề ra, gắn với chủ đề công tác “Năm dân vận chính quyền” và chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy. Các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện tốt các nội dung công khai để nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra trên các lĩnh vực. 

Việc thực hiện cải cách hành chính đạt kết quả quan trọng, 144/144 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình “Một cửa” đảm bảo các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, tránh phiền hà cho nhân dân. Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp của chính quyền với nhân dân, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được tăng cường. Việc thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; phát huy dân chủ, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đã giúp cấp ủy, người sử dụng lao động, cán bộ, đảng viên, người lao động ngày càng nhận thức đúng về vai trò, vị trí của xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở cũng còn một số tồn tại như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện QCDC ở một số cơ quan, đơn vị cơ sở chưa thường xuyên; vai trò của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương có nơi chưa phát huy đầy đủ; việc triển khai thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn khó khăn…

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, cũng là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở; gắn việc thực hiện QCDC với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Thực hiện một cách đầy đủ, sâu sắc hơn các quy chế, quy định về các loại hình thực hiện QCDC ở cơ sở. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. 

Đẩy mạnh thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp, quan tâm công tác vận động, tuyên truyền thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, quan tâm những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy  quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội, để QCDC cơ sở trở thành mục tiêu và động lực phát triển.

Theo Báo Ninh Bình