Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm: Cơ sở quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ

(Mặt trận) - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử... và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đánh giá cao điểm mới rất quan trọng trong Nghị quyết số 96/2023/QH15 Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV), cử tri cho rằng, ngoài quy định đúng, việc tổ chức thực hiện rất quan trọng.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, ngày 23.6. Ảnh: Hồ Long

So với Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Nghị quyết số 96/2023/QH15 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới, khắc phục cơ bản các bất cập của Nghị quyết 85, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như tinh thần Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Không lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cấp xã

So với Nghị quyết số 85/2014/QH13, Nghị quyết số 96/2023/QH15 có khá nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, gồm: vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc nhằm tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Đây là những nội dung thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đúng như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, đó là kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.

Điểm mới cơ bản thứ hai phải kể đến đó là thu hẹp đối tượng theo đúng tinh thần lấy phiếu, bỏ phiếu những đối tượng thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc ban hành và thực thi chính sách, hoặc người giữ chức vụ tại các cơ quan có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thường xuyên. Theo đó, sẽ không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND cấp xã bầu; không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

“Quy định như vậy phù hợp với thực tiễn, bảo đảm thống nhất với Quy định 96 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cần rà soát quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 để bảo đảm tính thống nhất. Cụ thể, Khoản 6, Điều 33 Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND xã bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này (Luật Tổ chức chính quyền địa phương)” - ông Phan Đình Thắng - Phó Chủ tịch HĐND phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết.

Để kết quả lấy phiếu không hình thức

Một bất cập nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri nêu lên trong những lần lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhiệm kỳ trước theo Nghị quyết 85, đó là kết quả lấy phiếu chưa được xem xét, dẫn đến việc lấy phiếu còn hình thức, chiếu lệ.

“Điểm mới rất quan trọng, khắc phục các vướng mắc của Nghị quyết số 85/2014/QH13, đó chính là quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội bàn kỹ và tôn trọng ý kiến góp ý, đặc biệt là qua theo dõi các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật trình kỳ họp cho thấy rất chặt chẽ, bài bản. Nhất là khi khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử... và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ” - Cử tri Lê Hoài Nam, TP Vinh, Nghệ An cho biết.

Điều đặc biệt, Nghị quyết số 96/2023/QH15 nêu rõ: người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm”, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Phải quy định như vậy thì mới hoàn thành mục đích nghị quyết đề ra: nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Để đạt được mục tiêu, ngoài quy định đúng, việc tổ chức thực hiện rất quan trọng. Đây là trách nhiệm của các đại biểu dân cử. Đúng như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV: gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thực hiện pháp luật. Đồng thời, thực hiện làm sao không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ - cử tri Mạnh Trọng Đồng, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng bày tỏ.