Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Lấy ý kiến phải thực chất, hiệu quả

(Mặt trận) - Nghị quyết về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều ngày 13/12. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, đây là công việc đặc biệt quan trọng, quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, qua đó phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính khả thi của Luật khi được Quốc hội thông qua.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Quang cảnh Phiên bế mạc. Ảnh: Lâm Hiển 

Xác định nhóm đối tượng, nội dung lấy ý kiến phải sâu, phải kỹ

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là công việc đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính khả thi của luật khi áp dụng. Do vậy, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật này cũng cần đổi mới cách thức thực hiện nhằm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan và công khai, minh bạch, tránh hình thức; bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể, các tổ chức chính trị các các cấp vào vấn đề tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Để thực hiện được các mục đích, yêu cầu đặt ra, Chính phủ đề xuất đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Lấy ý kiến với các cơ quan nhà nước, tổ chức ở Trung ương bao gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch Nước. Lấy ý kiến với các cơ quan nhà nước ở địa phương bao gồm: HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức lấy ý kiến với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.

Đặt vấn đề “mọi quyết sách đều phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong các đối tượng lấy ý kiến cần xác định nội hàm “Nhân dân” là những ai. Đây là nội dung quan trọng đòi hỏi phải rà soát các đối tượng lấy ý kiến và có sự thể hiện phù hợp trong nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong kế hoạch triển khai thực hiện, Chính phủ cần xác định rõ vấn đề trọng tâm, các địa bàn và lĩnh vực trọng điểm, đối tượng chịu tác động trực tiếp của từng nhóm chính sách. Nhấn mạnh "nếu chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì người dân khó có thể thấy hết được vấn đề", Chủ tịch Quốc hội gợi mở, tại 63 tỉnh, thành phố cần quan tâm hình thành những báo cáo viên là người có trách nhiệm, có hiểu biết lĩnh vực này. Các báo cáo viên này sẽ nêu những vấn đề trong dự thảo Luật còn đang có nhiều ý kiến khác nhau, còn vướng, cũng như các phương án xử lý cho từng vấn đề cụ thể, tác động của mỗi phương án đối với người dân, doanh nghiệp… để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể nắm rõ, hiểu biết sâu sắc về vấn đề mình cần đóng góp ý kiến.

Từ gợi mở của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đối với đạo luật phức tạp và có phạm vi ảnh hưởng rộng như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định rõ hơn về các nhóm đối tượng cần lấy ý kiến gắn với vấn đề trọng tâm của từng nhóm đối tượng. "Chúng ta phải hòa quyện hai yếu tố  này, nếu chỉ dừng lại ở phân tách theo 5 nhóm đối tượng lấy ý kiến thì sẽ dễ dẫn đến thực hiện dàn trải, khó tổng hợp, không sâu. Cơ quan nào cũng lấy ý kiến theo một dàn ý đề cương chung sẽ vừa dàn trải, vừa thiếu trọng tâm", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ rõ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội, đoàn thể, các chuyên gia sẽ có sự quan tâm không giống nhau đối với các nhóm vấn đề được đưa ra lấy ý kiến. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, thay vì một đề cương nội dung lấy ý kiến giống nhau, cần lấy ý kiến đông đảo người dân đối với những vấn đề liên quan tới lợi ích của số đông, để tham khảo ý kiến của Nhân dân về những chính sách trong dự thảo Luật. Đối với những vấn đề khó, sâu về chuyên môn, cần tập trung lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu để đảm bảo nội dung lấy ý kiến phù hợp với đối tượng lấy ý kiến.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện

Về tổ chức thực hiện lấy ý kiến Nhân dân, Tờ trình của Chính phủ xác định, Chính phủ xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân của ngành mình. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân của địa phương.

 Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp có trách nhiệm vận động Nhân dân tham gia góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân. Các báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân và các ý kiến của tổ chức, cá nhân khác sẽ được gửi về Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp.

Bên cạnh trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Ủy ban Trung ương MTTQ, UBND các cấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà cần có sự chủ động tham gia và phát huy vai trò giám sát. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến Nhân dân để tổ chức hợp lý, tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần đa dạng hóa và phối hợp các kênh tổng hợp ý kiến của Quốc hội và HĐND các cấp, của Chính phủ và chính quyền các cấp, của MTTQ, sử dụng song song các kênh này và đối chiếu lẫn nhau để bảo đảm minh bạch về thông tin. Chú ý phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông với tính chất là một kênh thông tin phản hồi và cũng là một kênh tổng hợp về việc lấy ý kiến của Nhân dân.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sau đó xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện và xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể để triển khai bảo đảm đúng tiến độ cho một thời gian ngắn và gấp gáp để thực hiện công tác này (từ ngày 3.1 đến 15.3.2023).