Nêu cao vai trò giám sát của nhân dân

(Mặt trận) -Việc chọn những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, nhất là những vấn đề về xây dựng, phát triển hạ tầng; an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch Covid-19… đã giúp hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ các cấp TP Hà Nội đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đặt ra, được nhân dân tin tưởng.

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

 Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn.

Triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát

Trong năm 2021 để triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp TP Hà Nội đã tham mưu cho cấp ủy phối hợp với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai các văn bản thực hiện giám sát, phản biện xã hội, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và những vấn đề mà đông đảo nhân dân quan tâm.

Theo đó, trong năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã chủ trì 10 đoàn kiểm tra, giám sát. Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động giám sát công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19...

Năm 2021, Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức 3 hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Đề án “Xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”; dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP Hà Nội…

Bà Nguyễn Thị Thắm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì cho biết, thông qua hoạt động giám sát, phản biện, nhiều ý kiến, kiến nghị của Mặt trận các cấp đã được các cơ quan, đơn vị tiếp thu. Điển hình là nhờ giám sát tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở các xã, thị trấn nên chính quyền cơ sở đều công khai các danh mục thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”; công tác tiếp dân tại trụ sở được thực hiện nghiêm túc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết nhanh, không để tồn đọng kéo dài hoặc vượt cấp.

Tuy nhiên, đối với cấp cơ sở, để hoạt động giám sát và phản biện tốt hơn trong thời gian tới, ông Trương Văn Nhung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn cho rằng, trong năm 2021, các hoạt động giám sát, phản biện cũng như hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát và đầu tư của cộng đồng trên địa bàn huyện ngày càng đi vào nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy, cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp xã, phường được trưởng thành từ các khu dân cư, chưa được đào tạo cơ bản nên hoạt động gặp khó khăn. Vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tập huấn, đào tạo chuyên môn cho cán bộ cấp xã, hướng dẫn sát hơn nữa về hoạt động giám sát.

Được biết, trong năm 2021, các hoạt động giám sát của Mặt trận còn được thực hiện thông qua Ban TTND và Ban Giám sát và đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn. Ban TTND đã thực hiện giám sát tổng số 4.956 vụ việc, phát hiện 648 vụ có dấu hiệu vi phạm. Ban Giám sát và đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 2.594 công trình, dự án. Thông qua hoạt động giám sát, Ban Giám sát và đầu tư của cộng đồng đã phát hiện 233 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 219 vụ vi phạm…

Đưa ra lộ trình giám sát cụ thể

Theo ông Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong năm 2021 đã thực hiện đúng quy định và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ. Đặc biệt việc giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thực hiện đồng bộ từ thành phố đến cơ sở đã góp phần tạo nên sự thành công trong việc bầu được 29 đại biểu Quốc hội khóa XV, 95 đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI, 1.052 đại biểu HĐND cấp huyện và 10.593 đại biểu HĐND cấp xã, đảm bảo đúng luật, dân chủ, an toàn, tiết kiệm và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Với những kết quả đạt được trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, Mặt trận các cấp đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị của quận, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. MTTQ Việt Nam các cấp quận đã đồng hành với chính quyền các cấp; thường xuyên, kịp thời phản ánh tình hình nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của Thủ đô.

Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng quy chế, tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện.

Để những việc này đạt chất lượng hơn nữa, ông Đàm Văn Huân cho biết, trong năm 2022, MTTQ các cấp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 6525-QĐ/TU, Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nắm bắt kịp thời dư luận xã hội để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền; triển khai giám sát việc thực hiện chính quyền đô thị; giám sát việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố…

N.PHƯƠNG