Nêu bật những vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm

(Mặt trận) - Chiều 18/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành Phiên họp 

Đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn

Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 12.2021 của Quốc hội do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày cho biết, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Đặc biệt là thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân. Tinh thần của Kỳ họp này đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới và đây là những nội dung hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh một số nội dung kiến nghị, phản ánh chung về kinh tế - xã hội, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; bảo đảm lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Có giải pháp giải quyết việc chi trả chi phí xét nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội. Kiến nghị quy định gia hạn thời gian và có giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP đồng thời xem xét, bổ sung đối tượng là người lao động, người đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế tại nhà nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa đến cơ chế chính sách cho cán bộ y, bác sĩ, người lao động trong ngành y tế trực tiếp làm công tác chống dịch, bên cạnh giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trước mắt, cần có biện pháp cấp bách để hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế cho công tác chống dịch cấp thiết tại cơ sở và các địa phương hiện nay…

Cử tri cũng kiến nghị, Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, nhất là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em…

Về kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Hai của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 923 kiến nghị của cử tri; 218 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, trong kỳ báo cáo các cơ quan của Quốc hội không tổ chức tiếp công dân và không nhận được yêu cầu phối hợp tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội. Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội vẫn chủ động duy trì chế độ trực để sẵn sàng phối hợp tốt với Ban Dân nguyện tổ chức tiếp công dân khi có công dân yêu cầu và xử lý hiệu quả những trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp phát sinh. Tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp và hướng dẫn đối với 53 vụ việc. Đối với công tác tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội, các Đoàn và các đại biểu Quốc hội đã tiếp 205 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 153 vụ việc, có 6 lượt đoàn đông người.

Kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 1.631 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 17,42%) so với tháng trước, trong đó có 341 đơn thư đủ điều kiện xử lý. Qua nghiên cứu, các cơ quan đã chuyển 39 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đã nhận được 28 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về tiến độ giải quyết, kết quả giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn trước đó.

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, các Đoàn đã tiếp nhận tổng số 607 đơn thư, qua phân loại có 330 đơn đủ điều kiện xử lý và đã chuyển, đôn đốc 251 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 50 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 72 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết.

Về kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Báo cáo kết quả giám sát kỳ trước, đối với 32 vụ việc cụ thể Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kiến nghị, qua công tác theo dõi việc thực hiện kiến nghị giám sát, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết được 15 vụ việc, còn 17 vụ việc đang xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng, số buổi tiếp công dân của các Đoàn không thực hiện được như chương trình, kế hoạch đã đề ra. Thậm chí, nhiều Đoàn vẫn phải tạm dừng không tổ chức tiếp công dân trực tiếp hoặc công dân không trực tiếp đến nơi tiếp dân để gửi đơn yêu cầu, trình bày, phản ánh. Bên cạnh đó, không ít trường hợp lợi dụng quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để gây áp lực với cơ quan nhà nước hoặc lôi kéo, kích động người khác khiếu kiện, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…

Quan tâm thực hiện đón người lao động về quê ăn tết

Quang cảnh Phiên họp 

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác dân nguyện ngày càng đi vào nề nếp, tạo ra ý thức trách nhiệm cho các cơ quan phải thực hiện để hàng tháng báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội đã tập hợp ý kiến của dư luận trên báo chí, phản ánh khá toàn diện và đầy đủ; số liệu thống kê, kết quả xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng rất chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, công tác dân nguyện đã tổng hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, nêu bật được những kiến nghị, những vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm; tổng hợp được kết quả trả lời, theo dõi, đôn đốc các cơ quan thẩm quyền trả lời kiến nghị sau các kỳ họp và hàng tháng. Báo cáo cũng đã nêu lên tình hình tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý đơn thư; tình hình triển khai kế hoạch của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tình hình giải quyết các vụ việc cụ thể…

Tuy nhiên, một số ý kiến quan tâm đến việc thực hiện đón người lao động về quê ăn tết không thực hiện thống nhất giữa các địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay việc thực hiện quy định đón người dân các tỉnh về quê ăn Tết rất khác nhau và khác với quy định trong Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành theo nghị quyết định chung của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, do quy định không thống nhất nên thực tế đa phần lao động có hợp đồng ở khu vực miền núi đã về quê sớm và tự cách ly để kịp đón Tết với gia đình.

Đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hiện nay ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê ăn Tết trên các phương tiện thông tin truyền thông cho thấy đang rất khác nhau. Nhấn mạnh đây là việc cấp bách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm để có cách giải quyết kịp thời, hợp lý hơn.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện nội dung dung báo cáo; bổ sung kiến nghị với Chính phủ những nội dung liên quan đến công tác chống hối lộ tại các cửa khẩu; quy định về ứng xử của chính quyền các cấp với việc người dân về quê đón Tết; vấn đề sử dụng căn cước công dân, sổ hộ khẩu, bảo đảm sự thống nhất…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần có công văn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác dân nguyện và chấp hành nghiêm chế độ báo cáo định kỳ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Văn phòng Chính phủ căn cứ vào báo cáo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện các kiến nghị đã nêu và có văn bản giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri cũng như các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.