Nâng ‘chất’ hoạt động giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) - Triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được triển khai bài bản, hiệu quả. Từ việc chủ động bám sát tình hình thực tế địa phương, Mặt trận các cấp trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc mà người dân kiến nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ khảo sát tại huyện Phù Ninh để phản biện về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Đức Thắng. 

Tại huyện Đoan Hùng, trong những năm qua, công tác giám sát và phản biện đã được Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai bài bản, nghiêm túc. Từ việc chủ động bám sát tình hình thực tế địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch và nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc tại cơ sở. Kết quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tiến hành 9 cuộc giám sát; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát 23 cuộc ở cấp huyện. Tại các địa phương, Uỷ ban MTTQ các xã, thị trấn đã tổ chức 129 cuộc giám sát độc lập, 268 cuộc giám sát thông qua văn bản.

Sau mỗi đợt giám sát, Mặt trận huyện đều xây dựng báo cáo kết quả giám sát gửi UBND huyện, Thường trực Huyện ủy và Ủy ban MTTQ tỉnh; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được giám sát. Đến nay, những đề xuất, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận đã được các ngành chức năng tiếp thu và có hướng giải quyết.

Điểm đáng ghi nhận tại huyện Đoan Hùng đó là việc giám sát thường xuyên được MTTQ các cấp coi trọng thông qua các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua hoạt động các Ban này đã tham gia giám sát 338 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân như việc thu, chi, sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới; việc quản lý, sử dụng đất; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết…

Tương tự như vậy, tại huyện Cẩm Khê, hoạt động giám sát của Mặt trận các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp tổ chức trên 180 cuộc giám sát; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện tổ chức 25 cuộc giám sát. Đặc biệt, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng đã tiến hành trên 300 cuộc giám sát; kiến nghị chính quyền cơ sở xử lý 65 vụ việc góp phần làm minh bạch quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí của các công trình, dự án đầu tư tại cộng đồng.

Những con số thống kê là minh chứng cho thấy công tác giám sát, phản biện đã được Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thực hiện theo hướng thực chất. Từ hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện Mặt trận và các đoàn thể đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực giúp cấp ủy, chính quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong quản lý, lãnh đạo, điều hành trên các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức 2.616 cuộc giám sát bằng hình thức thành lập đoàn; gần 11.000 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản; 10.680 cuộc phối hợp giám sát cùng thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của HĐND và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nội dung giám sát đa dạng, phong phú, sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở, tập trung vào các vấn đề được nhân dân quan tâm, những vấn đề bức xúc trong dư luận.

Trong công tác phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã tổ chức 94 hội nghị để phản biện 1.235 dự thảo văn bản dưới hình thức gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực phối hợp tổ chức 1.300 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân...

Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, ông Nguyễn Hải cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ chủ trương tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận và củng cố Hội đồng tư vấn cấp tỉnh, Ban tư vấn cấp huyện, Tổ tư vấn cấp cơ sở. Đặc biệt, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ quan tâm nắm bắt tình hình nhân dân để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, đưa ra các kiến nghị, đề xuất có sức thuyết phục cao cũng như giám sát kết quả tiếp thu, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các nội dung mà Mặt trận kiến nghị, đề xuất.