(Mặt trận) - Giám sát đầu tư của cộng đồng là hình thức tổ chức giám sát tự nguyện của nhân dân. Hoạt động của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát huy quyền làm chủ của người dân theo phương châm: “dân giám sát, dân thụ hưởng”, tăng cường vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội" ngày 25/5/2022.
|
Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung 2 quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân trong phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Sự phát triển, hoàn thiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực của gần 100 triệu dân, động lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Do vậy, để nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác giám sát đầu tư của cộng đồng để “dân giám sát, dân thụ hưởng” có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện giám sát các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn xã, phường, thị trấn trên cơ sở phát huy “tai, mắt” của nhân dân trong công tác giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư bảo đảm quyền lợi của nhân dân; các chương trình, dự án sử dụng một phần vốn đóng góp của người dân; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công; phát hiện những việc làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án. Trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng được quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn để thành lập các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án cụ thể. Mặt trận cấp xã có nhiệm vụ hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án trên địa bàn trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Thông tri số 25/TTr - MTTW của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở hơn 11 nghìn xã trên địa bàn cả nước đã chủ trì thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn. Các Ban Giám sát Đầu tư của cộng đồng đã xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban phụ trách các khu, cụm dân cư. Hoạt động của giám sát tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, như: quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, thu chi các loại phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân…
Thông qua các hoạt động tích cực của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án đã được kịp thời phát hiện, qua đó kịp thời kiến nghị chủ đầu tư, nhà thầu điều chỉnh, đảm bảo chất lượng các công trình trên địa bàn và hầu hết các vụ việc đều được kiến nghị giải quyết đúng luật, kịp thời. Cụ thể như: Mặt trận Tổ quốc ở 230 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập, kiện toàn các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với tổng số 2.188 thành viên tham gia (mỗi Ban có từ 5-9 thành viên). Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được 3.654 cuộc, phát hiện, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý 41 vụ việc sai phạm, đề nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước số tiền 750 triệu đồng và hơn 300m2 đất1.
Theo số liệu thống kê của Mặt trận tỉnh Hòa Bình, trong 3 năm (2017 - 2019), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giám sát 1.986 vụ việc, phát hiện 198 vụ việc sai phạm và đã yêu cầu chủ đầu tư sửa nhiều công trình không đảm bảo chất lượng ngay trong quá trình thi công. Điển hình là: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xóm Tày Măng, xóm Riêng lập đoàn giám sát công trình đã phát hiện nhiều đoạn đường đơn vị thi công không gạt bỏ cành cây, que gậy trong khi đổ đất làm hai bên đường nên đã xuất hiện hơn 30 m đường rạn nứt, có đoạn không trải nền móng đảm bảo độ dày 15 cm, có đoạn độ dày bê tông không đảm bảo 18 cm. Tất cả những sai phạm trên đã được Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chụp ảnh minh hoạ kèm báo cáo giám sát gửi Ủy ban nhân dân xã và đã được Ủy ban nhân dân xã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những tồn tại trong quá trình thi công, xây dựng công trình, giải trình cho cử tri và Nhân dân rõ việc thực hiện chưa đúng yêu cầu như phê duyệt kỹ thuật của đơn vị thi công.
Cũng bằng cách giám sát theo sự phản hồi của Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Tu Lý đã chỉ ra đơn vị thi công sử dụng gạch không đảm bảo chất lượng xây dựng công trình trường trung học cơ sở xã Tu Lý, buộc đơn vị này phải loại bỏ những viên gạch không đảm bảo chất lượng khi thi công công trình đã góp phần chống tiêu cực, lãng phí, thất thoát các nguồn lực, phòng chống xâm hại lợi ích cộng đồng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân2. Trên địa bàn huyện Lục Yên - Yên Bái, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 92 vụ, việc, phát hiện, kiến nghị giải quyết 2 vụ việc các công trình xây dựng nông thôn mới không đảm bảo, vật liệu không đúng kích cỡ, cống xây không đúng bản vẽ, thiết kế3…
Những minh chứng thực tế nêu trên cho thấy, hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng ở các khu dân cư chỉ mang lại hiệu quả thiết thực khi được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên và bản lĩnh của các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nên đã hạn chế sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Việc huy động “tai, mắt” của nhân dân tại nơi triển khai dự án giám sát công trình mà chính họ thụ hưởng đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình tại các địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại một số địa phương, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Việc Ban Công tác Mặt trận tổ chức họp dân để bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định tại Điều 83 của Luật Đầu tư công và Nghị định số 84/2015/NĐ-CP rất khó khăn đối với những khu dân cư có dân số đông hoặc địa bàn quá rộng vì không triệu tập đủ trên 50% cử tri, hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, nếu có triệu tập được thì cũng không có điều kiện cơ sở, vật chất để tổ chức họp bầu (hội trường, nhà văn hóa…).
Nhiều xã hiện nay cùng lúc triển khai nhiều công trình thì việc tổ chức bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án lại càng khó khăn hơn, chưa kể một số địa phương do vấn đề di dân, rất khó tìm được người đủ tiêu chuẩn để xem xét, bầu vào các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Sự phối hợp giữa Mặt trận cấp xã với chính quyền cùng cấp trong việc tạo điều kiện để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động ở một số địa phương chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức; những kiến nghị sau giám sát không được xử lý kịp thời.
Sự phối hợp của nhà thầu để tiếp cận hồ sơ dự án do Nhà nước đầu tư hoặc chỉ định thầu còn gặp khó khăn do Ban quản lý các dự án, nhà thầu chưa cung cấp kịp thời các văn bản, hồ sơ cần thiết, nhất là các dự án liên quan đến giao thông, thủy lợi; thậm chí có những dự án chính quyền địa phương cũng không biết ai là chủ đầu tư, có dự án thi công xong mới thấy công văn đề nghị xã tham gia giám sát đầu tư cộng đồng hoặc khi gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng mới đề nghị phối hợp.
Kinh phí cho hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa đảm bảo cho các hoạt động giám sát ở những địa phương có nhiều dự án trên địa bàn. Theo quy định mỗi Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chỉ được cấp kinh phí 5 triệu đồng/năm, nếu trong năm, địa phương có 20 công trình cần giám sát, tính ra mỗi công trình chỉ được 250 ngàn đồng.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa thường xuyên, chủ yếu mới tập huấn đến Trưởng ban, Phó Trưởng ban nên năng lực, trình độ chuyên môn các thành viên vẫn còn hạn chế khi tham gia giám sát thiết kế, thi công, dự toán của dự án, chủ yếu giám sát theo kiểu “trực quan”. Ở nhiều địa phương, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng vẫn được tổ chức theo mô hình chung của xã, phường, thị trấn hoặc do Ban Thanh tra nhân dân đảm nhiệm nên trong quá trình hoạt động còn có nội dung trùng chéo, không đúng quy định, hiệu quả giám sát chưa cao…
Để phát huy dân chủ theo phương châm “dân giám sát, dân thụ hưởng”, Mặt trận các cấp cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên công chức và Nhân dân về công tác giám sát các chương trình, dự án đầu tư trực tiếp do người dân hưởng lợi; Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tăng cường vai trò của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đó có các văn bản về thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng.
Thứ hai, Mặt trận các cấp cần phải đặt công tác giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của công tác Mặt trận. Hàng năm, hàng quý phải có chương trình, kế hoạch công tác giám sát một cách cụ thể, chi tiết trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cũng như kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, Mặt trận các cấp chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động. Đặc biệt, Mặt trận cấp tỉnh phải chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về các điều kiện đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định. Các chương trình, dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước và không thuộc diện bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng trên địa bàn của xã và các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho xã... đều phải được giám sát.
Thứ tư, căn cứ vào tình hình cụ thể các chương trình, dự án đầu tư cụ thể ở từng địa phương để lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp và đúng chức năng, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Công tác này phải được thực hiện một cách thường xuyên, lâu dài, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân trong công tác tham gia xây dựng chính quyền.
Thứ năm, các cấp có thẩm quyền phân cấp rõ công trình đầu tư bao nhiêu tiền thì xã được làm chủ đầu tư, được mời thầu chỉ thầu; các doanh nghiệp trúng thầu các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn phải gửi hồ sơ bản vẽ trước khi thi công. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần quy định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền duyệt quy hoạch, dự án; các chủ đầu tư; các đơn vị thi công và cơ quan quản lý Nhà nước... trong việc tạo điều kiện để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động theo đúng thẩm quyền quy định (chế độ công khai dự án, thông tin, tài liệu liên quan đến dự án...).
Thứ sáu, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về giám sát cho thành viên của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng về năng lực chuyên môn công tác giám sát các chương trình, dự án để phân tích, đánh giá, kết luận vấn đề trong quá trình giám sát dự án, góp phần bảo đảm hoạt động đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ tiến hành tổng kết, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giám sát.
Chú thích:
1. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang năm 2017-2019.
2. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình về giám sát hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
3. Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái về giám sát hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Phan Đình Cương
Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam