Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về Hội với tinh thần thượng tôn pháp luật

(Mặt trận) - Sáng ngày 19/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam phối hợp với Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội trong quản trị quốc gia. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam và TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam (VASA) chủ trì Hội thảo.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, trong thời đại phát triển và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN trong điều kiện quản trị quốc gia, không thể không quan tâm phát huy vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội.

Theo ông Nguyễn Túc, ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau đường lối, cương lĩnh và chủ trương là vấn đề quản trị quốc gia. Quản trị quốc gia được thể hiện qua trách nhiệm quản lý, triển khai của Nhà nước và trách nhiệm đồng hành, tham gia xây dựng, phát triển đất nước của các chủ thể khác trong xã hội. Trong đó, Nhà nước là chủ thể, là trụ cột của quản trị quốc gia. Quản trị quốc gia phải thu hút được mọi nguồn lực tài chính, đất đai, công nghệ, ... từ Nhà nước, từ người dân, từ khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt là từ các tổ chức phi chính phủ, các hội, hiệp hội, quỹ...

 Ông Nguyễn Túc phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, yêu cầu về tổ chức, hoạt động hội đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề mới, trong đó có cả thuận lợi, khó khăn và thách thức. Hành lang pháp lý về quản lý tổ chức, hoạt động và quản lý hội cần được hoàn thiện, bổ sung để theo kịp với yêu cầu thực tế. Tổ chức, hoạt động một số hội còn hình thức; chưa theo nguyên tắc tự chủ, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, thiếu năng lực tập hợp, thu hút hội viên; hoạt động kém hiệu quả, chưa đổi mới hoạt động và có xu hướng hành chính hóa, vụ lợi hóa....

Vì vậy, tổ chức, hoạt động và quản lý cần được đổi mới về tư duy, theo đúng chủ trương của Đảng, phù hợp với cải cách hành chính, đủ căn cứ pháp lý nhằm bảo đảm chặt chẽ việc thành lập, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích và điều lệ được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả, phát huy vai trò của hội trong phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Túc cho biết, căn cứ vào các chủ trương của Đảng về hội quần chúng và Hiến pháp năm 2013, theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị gắn với chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng, các tổ chức phì chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo, triển khai xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội. Dự thảo Nghị định này đã được gửi lấy ý kiến các Bộ ngành và địa phương.

Bởi vậy, từ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của đại biểu tham dự Hội thảo, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi về Bộ Nội vụ để tham mưu cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Nghị định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội trình Chính phủ xem xét, quyết định.

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2022, hiện nay cả nước có hơn 70 ngàn hội, trong đó hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh 587 hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng nhiều hội hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ hội trong tổ chức, hoạt động. Công tác quản lý nhà nước về hội còn thiếu chế tài xử lý vi phạm, thiếu quy định, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, công tác kiểm tra, quy trình, thủ tục thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội... chưa đảm bảo tính chặt chẽ.

Cũng theo TS. Trần Anh Tuấn, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, bên cạnh những mặt được, một số quy định của Nghị định không còn phù hợp, chưa bao quát, điều chỉnh hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong tình hình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 45 sẽ kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội quần chúng, hoàn thiện các quy định phù hợp với Hiến pháp 2013, khắc phục các tồn tại, đổi mới hoạt động của hội theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, thực hiện các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, tham gia vào quản trị quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia.

Nhắc tới các quan điểm, yêu cầu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 45, TS. Trần Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định phải phát huy vai trò của các Hội trong xây dựng và phát triển đất nước, trong điều kiện tiếp tục thực hiện quản trị quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp năm 2023; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về Hội với tinh thần thượng tôn pháp luật, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, các cơ quan khác phối hợp; đồng thời bảo đảm tính kế thừa các quy định phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật về Hội, bổ sung các quy định bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

“Tổ chức hoạt động của Hội phải thực hiện theo các nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ hội; Tự nguyện, tự quản; Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; không vì mục đích lợi nhuận”, TS. Trần Anh Tuấn nêu rõ.

 
 Đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, góp ý vào nội dung dự thảo của Nghị định. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, việc xây dựng hệ thóng pháp luật về hội phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo cho các hội được tự do thành lập và hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của mình, không vi phạm pháp luật; đồng thời phải tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý Hội. Từ đó, phát huy vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Đặc biệt, hoạt động của Hội phải là cánh tay nối dài của Đảng đến với Nhân dân và ngày càng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.