(Mặt trận) - Trong 10 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Ninh Bình quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai thực hiện quy chế, quy định của Trung ương, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung giám sát, phản biện xã hội, những vấn đề được đông đảo Nhân dân quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả nổi bật đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.
|
Đoàn giám sát của Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình tổ chức buổi giám sát về việc thực hiện trách nhiệm, chương trình hành động của đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. ẢNH: TRƯỜNG GIANG |
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2014 - 2023
Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình chủ trì tổ chức 52 cuộc giám sát trực tiếp theo đoàn tại 69 cơ quan, đơn vị và 8 huyện, thành phố, nội dung giám sát được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lựa chọn tập trung vào những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, các vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm, như:
Giám sát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34-PL/2007/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; huy động, quản lý, sử dụng vốn đóng góp của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể theo Luật Hợp tác xã năm 2012; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát việc thực hiện trách nhiệm, Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026.
Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố triển khai thực hiện và xây dựng điểm triển khai thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Ninh Bình đã thống nhất tổ chức ký kết ban hành Chương trình phối hợp thực hiện việc giám sát theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Thông qua giám sát đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định số124-QĐ/TW từ đó có hướng khắc phục thực hiện trong thời gian tới.
Giám sát thông qua văn bản tại 21 cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trong tỉnh, nội dung giám sát tập trung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chế độ, chính sách, phụ cấp cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở; chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác Mặt trận và các chi hội tại khu dân cư; kinh phí hoạt động, chế độ cho các Tổ hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên; kinh phí hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; giám sát việc thực hiện kinh phí, mức chi cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã giám sát 196 cuộc tại 125 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát chuyên đề ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, tài nguyên môi trường. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh giám sát, kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại các Chi cục thi hành án Dân sự; giám sát, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh và các huyện, thành phố, giám sát việc thực hiện pháp luật trong công tác Thi hành án hình sự tại Trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an.
Thực hiện Nghị định 40/NĐ/CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý Dự án xây dựng Công trình Nông nghiệp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị xin ý kiến của Nhân dân về việc thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh với 22 Dự án đảm bảo dân chủ, công khai đúng quy định của pháp luật.
Sau các cuộc giám sát, các đoàn giám sát đã xây dựng báo cáo kết quả giám sát với Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành có liên quan những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc và kiến nghị các biện pháp tháo gỡ, đồng thời thông báo kiến nghị sau giám sát đến các cơ quan, đơn vị được giám sát để có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Nhìn chung, các đối tượng được giám sát đồng tình với thông báo kết quả giám sát, tiếp thu các kiến nghị của Đoàn giám sát.
Trong 10 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố đã chủ trì 285 cuộc giám sát tại các xã, phường, thị trấn tập trung vào các lĩnh vực, đó là: Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công; chế độ chính sách đối với người nghèo; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện Luật Bầu cử; thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tiền hỗ trợ miễn thủy lợi phí; thực hiện quy định về quản lý kinh phí hỗ trợ cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn minh; vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, phường, thị trấn, các Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát được 3.827 cuộc, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì 2.231 cuộc, Ban Thanh tra nhân dân chủ trì 1.596 cuộc, nội dung vụ việc giám sát ở cấp xã tập trung chủ yếu vào thu, quản lý, sử dụng tiền đóng góp của Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới (đường giao thông, nhà văn hóa thôn); việc quản lý và sử dụng ngân sách xã; thực hiện chế độ, chính sách đối với người nghèo, người có công; quản lý nguồn hỗ trợ miễn thủy lợi phí; quản lý tiền đóng góp của phụ huynh, học sinh tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; quản lý, sử dụng đất đai của Ủy ban nhân dân xã; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát thực hiện nếp sống văn minh; vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 951 công trình, dự án trên địa bàn, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn và trường học, trạm y tế.
Qua giám sát đã nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần tác động trực tiếp đến cấp ủy, chính quyền cơ sở nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên. Các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc cấp xã sau giám sát đã được các đơn vị kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm, thiếu sót góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn.
Về phương pháp cách làm được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận dụng linh hoạt, có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các thành phần tham gia giám sát và các hình thức giám sát phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác giám sát. Tùy theo nội dung, lĩnh vực giám sát, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phân công lãnh đạo, bộ phận chủ trì tham mưu, làm thường trực triển khai thực hiện, do vậy đảm bảo tính chuyên sâu và trách nhiệm.
Quy trình giám sát vừa đảm bảo chặt chẽ theo hướng dẫn, vừa đổi mới cách làm phù hợp với từng nội dung, kết hợp giám sát qua văn bản báo cáo, trao đổi tại buổi làm việc trực tiếp với nghiên cứu hồ sơ, khảo sát thực tế, xây dựng phiếu hỏi với các đối tượng liên quan và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người dân, các đối tượng đang thụ hưởng chính sách để nắm tình hình thực tế... Qua đó, những nội dung liên quan được làm rõ một cách khách quan, tránh hình thức, quan liêu, thiếu thực tiễn, đảm bảo hiệu quả giám sát cao.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới
Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tiếp tục quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, mục đích, quan điểm, tính chất, nội dung của Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa";
Quy định 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định số 213 ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị quy định trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ…
Hai là, tích cực tham mưu với cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan nhà nước để có điều kiện thuận lợi về cơ chế, về thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ba là, căn cứ chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền, hằng năm Mặt trận Tổ quốc chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động để triển khai thực hiện.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Hướng dẫn cấp cơ sở lựa chọn hình thức giám sát phù hợp, tăng cường hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất thông qua ý kiến của nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên (theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư). Đối với Mặt trận Tổ quốc cấp xã chú trọng hoạt động giám sát qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Năm là, thực hiện tốt việc nắm tình hình Nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Thông qua các hoạt động nắm bắt tình hình Nhân dân, tiếp xúc cử tri, tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo của Nhân dân, đối thoại với Nhân dân để phát hiện những nội dung Nhân dân đang quan tâm, để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.
Sáu là, tham mưu với cấp ủy chuẩn hóa cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng về quy trình, phương pháp giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Bảy là, đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc vì giám sát, phản biện xã hội là một trong những giải pháp nhằm thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân. Hơn thế, còn là giải pháp nhằm góp phần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý điều hành của nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tám là, để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận hiện nay, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới; thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận các cấp và chế độ phụ cấp cho Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
ĐINH TRƯỜNG SƠN - Ủy viên Ban Thường trực, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật,
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình