(Mặt trận) - Chiều 18/03, Đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử của Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền của Hội đồng bầu cử Quốc gia làm trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Nam Định về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
|
Toàn cảnh buổi làm việc
|
Tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ban Dân nguyện và Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết: Tại cuộc bầu cử này, về số lượng, cơ cấu và thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh được phân bổ tổng số 8 đại biểu, trong đó cư trú và làm việc tại địa phương 5 đại biểu; Trung ương giới thiệu 3 đại biểu. Số đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cấp tỉnh được bầu là 61 đại biểu; cấp huyện là 351 đại biểu; cấp xã là 5.704 đại biểu. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp của tỉnh Nam Định đều đạt và vượt cơ cấu theo quy định.
Theo kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tỉnh Nam Định có 16 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội tỉnh Nam Định giới thiệu 12 người; 1 người tự ứng cử và 3 người do Trung ương giới thiệu). Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định đã giới thiệu 115 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX; giới thiệu 665 người ứng cử đại biểu HĐND huyện; giới thiệu 10.928 người ứng cử đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn.
Tại 10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định sẽ thành lập 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 18 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026; 100 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.628 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Dự kiến, trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ có 1.696 khu vực bỏ phiếu. Hiện các công tác phục vụ cuộc bầu cử đều được triển khai thực hiện tốt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đảm bảo.
Đánh giá cao tình hình triển khai công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh, các thành viên đoàn giám sát cho rằng về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp của tỉnh Nam Định đã đảm bảo, có thể yên tâm như: ứng cử viên ĐBQH là 16/8 đại biểu được bầu, HDND cấp tỉnh là 115/61 đại biểu được bầu. Trong đó, về xác định cơ cấu, thành phần đều đạt và vượt tỉ lệ theo quy định. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm theo dõi bầu cử, các thành viên đoàn giám sát lưu ý cần làm tốt hơn nữa các công tác bầu cử để đạt kết quả cao sau các Hội nghị hiệp thương. Đặc biệt tới đây việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy phiếu tín nhiệm đối với ứng cử viên sẽ mang tính chất quyết định về số lượng.
Mặc dù đến nay Ủy ban bầu cử tỉnh chưa nhận được đơn thư liên quan khiếu nại về bầu cử. Tuy nhiên, do cuộc bầu cử diễn ra ở cả 4 cấp với số lượng người ứng cử rất lớn, nhiều đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm đến tình hình khiếu nại tố cáo của người dân trên tất cả các mặt, nhất là sau khi công bố danh sách ứng cử viên. Cũng theo các thành viên đoàn giám sát, tỉnh Nam Định có đặc thù về dân số với số đồng bào theo đạo thiên chúa chiếm tỉ lệ lớn; qua các cuộc bầu cử trước cho thấy có nhiều phát sinh khi lựa chọn ứng cử viên liên quan chức sắc tôn giáo; Do đó địa phương cần lưu ý thêm vấn đề này. Bên cạnh đó cần nghiên cứu kịch bản ứng phó với tình huống bị giãn cách xã hội do dịch Covid - 19 bùng phát, trong đó có áp ựng CNTT giúp ứng cử viên vận động trực tuyến; cần bồi dưỡng nghiệp vụ, thực hiện quyền cho ứng cử viên. Đồng thời quan tâm làm tốt công tác tập huấn cán bộ tham gia phục vụ công tác bầu cử, cũng như công tác tuyên truyền để cử tri tiếp cận thông tin các ứng cử viên và tham gia đi bầu cử.
Tại buổi làm việc, địa phương cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai công tác bầu cử như: kinh phí và bản quyền in ấn tài liệu, việc sử dụng con dấu của các đơn vị phụ trách bầu cử, việc công khai minh bạch tải sản của ứng cử viên … Thành viên đoàn giám sát đã có nhiều trao đổi, giải đáp trước những vướng mắc, băn khoăn trên.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cho thấy đến nay công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Nam Định được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản, chưa có khó khăn, phát sinh cần báo cáo lên cơ quan Trung ương giải quyết. Tuy nhiên đây mới là giai đoạn đầu, sẽ còn những phát sinh đột xuất đặt ra trong thời gian tới do đó tỉnh cần có sự chủ động.
Mặc dù, số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được bầu ở mỗi cấp của tỉnh đã bảo đảm chặt chẽ, hợp lý theo quy định, thâm chí còn vượt, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn của các ứng viên. Ngoài ra, tỉnh cần làm tốt công tác tuyền truyền, đặc biệt quan tâm đến vấn đề khiếu nại tố cáo, nhất là sau hiệp thương và công bố danh sách. Ban bầu cử của tỉnh cần bám sát quy định của pháp luật và tình hình thực tế để cố gắng xử lý ngay từ đầu, tránh xảy ra điểm nóng về khiếu kiện làm ảnh hưởng đến ANTT và thành công cuộc bầu cử./.
Theo Đại biểu nhân dân