(Mặt trận) - Nhận thức rõ vai trò của dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển gắn với công bằng và tiến bộ xã hội, kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thời gian qua ở thành phố Hà Nội với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng Thủ đô.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân trong thực hiện thi đua kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc |
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp Thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong tổ chức triển khai, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Các cấp ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng các nội dung về thực hiện dân chủ đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao. 30/30 quận, huyện, thị xã, 579/579 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên kiện toàn đảm bảo về số lượng, cơ cấu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Chủ động xây dựng quy chế hoạt động, chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất, duy trì tốt chế độ giao ban hàng tháng; chủ động tham mưu giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp từ cơ sở. Các đơn vị đã cụ thể hoá các văn bản thực hiện dân chủ ở cơ sở thành quy chế, quy định của địa phương, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
MTTQ các cấp phối hợp tổ chức tuyền truyền để Nhân dân hiểu rõ về quyền và trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền về các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, thông tin tới cử tri và Nhân dân những chủ trương, chính sách pháp luật của đảng, nhà nước, chính sách của địa phương đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tổng hợp báo cáo với Đảng và Nhà nước.
Tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân để thông tin tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, lắng nghe ý kiến của Nhân dân góp yys xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tam tư, nguyện vọng của Nhân dân. 6 tháng đầu năm 2023 MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức 209 hội nghị đối thoại, có 14.302 người tham dự, với 1.536 ý kiến, đã có 1.370 ý kiến được trả lời, giải đáp tại hội nghị.
Thực hiện công khai tại xã, phường, thị trấn các nội dung theo quy định của Pháp lệnh 34 để Nhân dân biết như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn xã; các chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo; phương thức, kết quả bình xét hộ nghèo, cận nghèo, trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà tình nghĩa; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ, các khoản huy động đóng góp của nhân dân; kết quả bầu và lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã... thông qua nhiều hình thức để Nhân dân được biết.
|
Hội nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 |
Cùng với đó, MTTQ các cấp trong thành phố đã tổ chức các “Hội nghị đại biểu Nhân dân” hàng năm (đây là mô hình riêng Hà Nội được tổ chức thực hiện từ năm 2000) bàn các giải pháp về phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trong cán bộ, công chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô; xây dựng, phát huy hiệu quả hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; về nâng cao chất lượng xây dựng danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn thành phố Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở…
Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản; xây dựng mo hình các khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... Hội nghị đại biểu Nhân dân năm 2023, đã có 5.393 thôn, làng, TDP, KDC và 579/579 xã, phường, thị trấn tổ chức Hội nghị với 769.247 đại biểu tham dự và 29.528 ý kiến đóng góp tại hội nghị với nhiều mục tiêu cụ thể trong khu dân cư để Nhân dân thực hiện.
MTTQ các cấp thành phố cũng đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong bàn, quyết định về các phương án, kế hoạch, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp các loại quỹ, phí, tham gia ý kiến việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và công chức về đạo đức, lối sống; tham gia bàn bạc, thống nhất các nội dung xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố. Xây dựng các mô hình tự quản ở các khu dân cư…
|
Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) |
6 tháng đầu năm MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội tổ chức 297 hội nghị phản biện xã hội, trong đó MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức 5 hội nghị PBXH đối với Dự thảo nghị quyết của HĐND và dự thảo Quyết định của UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 35 hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 257 hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân. Các hội nghị phản biện xã hội ở các cấp ngày càng được nâng cao về chất lượng, các ý kiến tham gia phản biện được Chính quyền các cấp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để các chủ trương, chính sách được thực hiện khả thi.
Song song với đó, hoạt động kiểm tra, giám sát của Nhân dân được thực hiện giám sát trực tiếp hoặc giám sát thông qua đại diện là MTTQ, các tổ chức đoàn thể, qua hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát việc thực hiện công tác an sinh xã hội; giám sát cán bộ, đảng viên; giám sát việc thực hiện chủ trương, chế độ của nhà nước cho các đối tượng chính sách; các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.
Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương được thành lập, thường xuyên kiện toàn, đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện quy định của địa phương về các quy định mức đóng góp; sát việc quản lý và sử dụng đất, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trực tiếp giám sát các công trình được đầu tư của địa phương, các công trình do nhân dân huy động nguồn đóng góp..
Công khai minh bạch các chủ trương, chính sách tới người dân
|
Sáng 9/8, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội |
Có thể khẳng định, với việc phát huy quyền làm chủ, người dân đã được thụ hưởng thành quả về nhiều mặt. Theo đó, kinh tế Thủ đô phát triển, người dân được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; được thụ hưởng về vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình, được học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh trong môi trường tốt nhất, đời sống vật chất được nâng cao; được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thể thao, các hoạt động xã hội, được đóng góp và cống hiến cho cộng đồng...
Người dân cũng được hỗ trợ về vật chất và phương tiện thực hiện giảm nghèo bền vững, Thành phố hiện nay theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân toàn Thành phố và 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 0,99%; có 16/30 quận, huyện không có hộ nghèo. 15/18 huyện, thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 3 huyện đang thẩm định hồ sơ để công nhận hoàn thành nông thôn mới, có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Người dân cũng được tạo điều kiện tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính, củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng gắn bó chặt chẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, ở một số nơi vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa coi thực hiện dân chủ là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa được phát huy; một số nội dung công khai chưa đầy đủ, thiếu quy định đảm bảo việc công khai, minh bạch, tỷ lệ người dân tham gia hội nghị Nhân dân còn thấp, cơ sở vật chất để tổ chức hội nghị cộng đồng dân cư nhiều nơi không bảo đảm, chất lượng các cuộc họp một số chưa cao; chưa có cơ chế giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư….
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong triển khai, thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, thành phố cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thường xuyên kiểm tra và bám sát cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó cần tạo điều kiện tạo để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân; trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; quan tâm công tác cán bộ; hỗ trợ, đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban GSDTCCĐ; Tăng cường tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Luật thực hiện Dân chủ cở sở, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đồng thời chính quyền các cấp cần thực hiện tốt việc công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhất là những chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án, kế hoạch kinh tế - xã hội... có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên đối thoại với Nhân dân để giải quyết những khó khăn, bức xúc trong Nhân dân, nắm tâm tư, nguyện vọng Nhân dân.
Phạm Ngọc Quỳnh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật,
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội