MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) -Xác định công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiệm kỳ 2024 - 2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Quang cảnh hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030. 

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã xác định chương trình hành động: Tiếp tục thực hiện và cụ thể hóa thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác GS, PBXH trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận các cấp và Nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát cán bộ, đảng viên.

Theo đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực tham mưu cấp ủy chỉ đạo triển khai, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về GS, PBXH; tăng các tập huấn về kỹ năng, GS, PBXH cho cán bộ Mặt trận các cấp.

Chủ động phối hợp lựa chọn, xác định nội dung GS, PBXH. Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên. Trong đó, chú trọng giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, nguồn cán bộ quy hoạch và những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Theo dõi việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau GS, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của cấp ủy, chính quyền theo Quyết định số 5628-QĐ/TU, ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để lắng nghe, tập hợp những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân. Kịp thời trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, góp phần giảm thiểu những bức xúc, ổn định dư luận xã hội. Tích cực và chủ động tham gia góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Tiếp tục phối hợp tổ chức tốt các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Nâng cao chất lượng tập hợp, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng và thông tin kịp thời cho cử tri biết, góp phần tăng cường sự đồng thuận của xã hội.

Phát huy quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử và giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031. Phối hợp tổ chức tốt các cuộc bầu cử Trưởng Ban nhân dân kết hợp với bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và lựa chọn, giới thiệu để HĐND bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Nêu cao vai trò và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng kiểm tra, giám sát thường xuyên các nguồn quỹ do Mặt trận các cấp vận động, quản lý. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh đã chủ trì giám sát 1.439 cuộc (cấp tỉnh 24 cuộc, cấp huyện 249 cuộc, cấp xã 1.166 cuộc). Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát được 4.613 cuộc. Qua giám sát, 02 ban đã có 2.439 kiến nghị và được các đơn vị có liên quan kịp thời khắc phục sau giám sát. Các ý kiến, kiến nghị của MTTQ đều được các cơ quan chức năng thực hiện nhưng một số ít cơ quan chức năng chậm hoặc không thông báo kết quả thực hiện kiến nghị cho MTTQ.

Theo số liệu thống kê, có 76% cơ quan trả lời kiến nghị của MTTQ và có 66 % số ý kiến kiến nghị của MTTQ được trả lời. Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại không ít xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn kém hiệu quả. Hoạt động giám sát cộng đồng đối với các dự án do Nhà nước đầu tư hoặc chỉ định thầu còn gặp khó khăn.

Song song đó, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 466 hội nghị PBXH. Các ý kiến phản biện của Mặt trận đều được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận và đánh giá cao, đã và đang trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp chính quyền xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. MTTQ Việt Nam các cấp còn tham gia đóng góp vào 2.125 dự thảo văn bản do các ngành gửi lấy ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên, hoạt động PBXH cấp huyện và xã chưa thật sự rõ nét, thiếu chiều sâu. Phần nhiều ở việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản khi được gửi lấy ý kiến. Nhiều dự thảo văn bản được gửi lấy ý kiến còn mang tính hình thức, điều kiện và thời gian lấy ý kiến đóng góp thường bị động.

Theo đồng chí Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Trà Vinh, năm 2023, các cấp Công đoàn chủ trì giám sát 79 cuộc; tham gia với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giám sát 72 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề, như: chất lượng bữa ăn ca cho người lao động; các chế độ chính sách bảo hiểm, chế độ nâng lương, khen thưởng cho người lao động; quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác cải cách hành chính; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công nhân, viên chức, lao động.

Riêng LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, một số sở, ngành tỉnh giám sát tại 09 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung giám sát, như: việc thực hiện Bộ luật Lao động 2019; Luật Công đoàn năm 2012; Luật Việc làm; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Kết quả giám sát cho thấy, đa số các doanh nghiệp chấp hành những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, phổ biến ở các quy định: về thỏa ước lao động tập thể, doanh nghiệp không đảm bảo quy trình thương lượng, thậm chí có bản thỏa ước đã hết hạn hoặc thay đổi thành phần đại diện nhưng chưa ký lại.

Về tổ chức đối thoại định kỳ, không đảm bảo thời gian theo quy định. Về thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, chưa phân công cán bộ phụ trách; không khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; chưa trang bị dụng cụ sơ cứu, cấp cứu theo quy định; chưa qua tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; chưa đo, kiểm tra môi trường tại nơi làm việc; chưa phân loại chất thải, không đảm bảo đầy đủ các biển cảnh báo. Về trích nộp kinh phí công đoàn, không đảm bảo việc trích nộp theo quy định tại Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ, thậm chí có doanh nghiệp nợ hàng trăm triệu đồng.

Qua giám sát, LĐLĐ tỉnh Trà Vinh đề nghị các đơn vị khắc phục 04 nhóm hạn chế. Một số đơn vị đã báo cáo kết quả khắc phục được 33 nội dung. Các đơn vị còn lại, LĐLĐ tỉnh yêu cầu LĐLĐ cấp huyện chỉ đạo Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp giám sát việc khắc phục các hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra.

Thực tiễn khẳng định, GS, PBXH là chủ trương xuyên suốt của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, nhiệm kỳ 2024 - 2029, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên sẽ luôn nỗ lực, phấn đấu với quyết tâm chính trị cao để hiện thực hóa mục tiêu “Phấn đấu Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030”, mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định.

S.T