(Mặt trận) -Ngày 7/11, tại TP Hạ Long, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh.
|
Ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị. |
Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được thông qua tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại đây quy định rõ các nhóm trường hợp được hưởng chính sách, nguyên tắc hỗ trợ; các hình thức hỗ trợ về tiền, BHYT, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, phí mai táng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ lương thực...
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21 được dự kiến trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2022. Nội dung bao gồm: Nâng mức trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động; nâng mức chuẩn trợ giúp trong cơ sở trợ giúp xã hội công lập; bổ sung nhóm đối tượng hưởng trợ giúp xã hội là người cao tuổi, nhân viên trực tiếp chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi không tự phục vụ được...
Tại Hội nghị phản biện, các đại biểu là đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các địa phương trong tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan đã nêu ý kiến thảo luận về các nội dung được đề cập tại dự thảo Nghị quyết trên cơ sở phân tích quy định chính sách, pháp luật hiện hành, thực tiễn các địa phương, nguyện vọng chính đáng của người dân, phù hợp với nguồn ngân sách tỉnh và đáp ứng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đặt ra trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến nêu tại Hội nghị để nghiên cứu, cân nhắc bổ sung cho dự thảo Nghị quyết. Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề như: Mức trợ cấp cho hộ nghèo, thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định của tỉnh so với quy định của Trung ương; mở rộng đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế nếu có mức sống bằng mức sống trung bình; mức hỗ trợ cho người chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng tại cộng đồng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ gia tăng hơn nữa các hội nghị phản biện xã hội để cùng với UBND tỉnh trong từng bước xây dựng các cơ chế, chính sách trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho rằng, công tác giám sát đã và đang được tiến hành tích cực, hiệu quả song đối với công tác phản biện xã hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Vì vậy chưa có nhiều tiếng nói để giúp cho HĐND, UBND tỉnh ban hành được những quyết sách, đặc biệt là liên quan đến vấn đề xã hội một cách thiết thực hơn, hiệu quả hơn, sớm đi vào đời sống của nhân dân hơn.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Hồi, cần phải thay đổi căn bản về tư duy nhận thức chính trị, thay đổi căn bản trong công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là trong hoạt động phản biện.
Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, phân tích để bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật và yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Trong thời gian tới, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đổi mới theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW (ngày 26/10/2022) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đ.B