MTTQ tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) -Tuy đã có nhiều kết quả nổi bật, nhưng công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bình Định cần tiếp tục được đổi mới để thể hiện rõ hơn chức năng đại diện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Công tác này được thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội (CT-XH).

Giám sát chủ trương lớn, mật thiết với nhân dân

Từ năm 2013 đến nay, với 1.234 đoàn giám sát được thành lập, Mặt trận và các đoàn thể CT-XH các cấp đã tập trung giám sát các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy định cơ chế huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia… trên địa bàn tỉnh.

Ở cấp tỉnh, hoạt động giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; công tác quản lý, xử lý việc khai thác cát; tình trạng tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm; việc giải quyết kiến nghị đối với cán bộ, đảng viên xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ; thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Ở cấp huyện, cấp xã, các nội dung giám sát cũng bám sát vào các chính sách lớn, các vấn liên quan trực tiếp đến người dân như: Công tác quản lý đất đai; bồi thường, giải phóng mặt bằng khu tái định cư; việc bình xét hộ nghèo; quản lý thu - chi các quỹ do nhân dân đóng góp…

“Nhìn chung, hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, có nền nếp, hiệu quả. Mặt trận các cấp cũng đã chủ động hơn trong lựa chọn hình thức, nội dung, đối tượng giám sát, nhận được sự đồng tình của người dân”, bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết.

Bên cạnh đó, với vai trò là cầu nối, chủ trì tập hợp, những năm qua, MTTQ các cấp đã tổ chức lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân, tổ chức CT-XH, các hội quần chúng, đại diện các dân tộc, tôn giáo, các chuyên gia, nhân sĩ trí thức, các nhà khoa học về các vấn đề, lĩnh vực, chính sách được phản biện, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội.

Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Bình Định đã chủ trì tổ chức hơn 100 hội nghị PBXH đối với các nội dung về việc ban hành mới, sửa đổi bổ sung một số quy định về các loại phí, lệ phí; các chế độ, chính sách; một số đề án, dự án quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, phát triển kinh tế, sản xuất, làng nghề, đầu tư xây dựng; quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị… Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý gần 3.000 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương như các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nghị quyết liên tịch; các dự thảo, dự án luật…

Chủ động, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo đánh giá của Tỉnh ủy, chất lượng, hiệu quả công tác GSPBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên MTTQ Việt Nam trong tỉnh và nhân dân. Việc xác định đối tượng, nội dung, hình thức giám sát, phản biện ở cấp cơ sở còn lúng túng. Các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện chưa sâu, thiếu tính thuyết phục; việc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng. Tính chủ động của nhân dân trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa cao. Việc bố trí kinh phí để MTTQ và các tổ chức CT-XH cấp huyện, xã thực hiện GSPBXH chưa được quan tâm đúng mức.

Trước tình hình đó, ngày 28.11.2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GSPBXH của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH trong tỉnh và việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, nhân dân trong tỉnh tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh kịp thời thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân; về đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH trong tỉnh thực hiện việc GSPBXH; động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nghiêm túc giải quyết các kiến nghị sau GSPBXH và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác GSPBXH, việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, một giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia GSPBXH.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức GSPBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, không để chồng chéo, trùng lắp. Chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, các đề án, chương trình, những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm. Giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. 

M.LÂM - N.MUỘI