MTTQ các cấp tỉnh Hà Giang phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Công tác giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) các cấp tỉnh Hà Giang đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong chương trình phối hợp thống nhất hành động của UB MTTQ tỉnh với các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức thành viên, phát huy vai trò quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Giám sát đầu tư cộng đồng xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) kiểm tra công trình đường bê tông nông thôn.

Phát huy vai trò giám sát trong các vụ việc nổi cộm, UB MTTQ tỉnh Hà Giang đã giám sát giải quyết việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại huyện Bắc Quang. Từ đầu năm 2021 đến nay, Ban tiếp công dân huyện Bắc Quang đã tiếp được 40 lượt với 43 công dân; UBND các xã, thị trấn tiếp định kỳ 1.500 lượt công dân. Cấp huyện đã nhận được 86 đơn thư của công dân, với 85 vụ việc. Nội dung liên quan đến vấn đề về tranh chấp đất đai; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách... Đoàn giám sát MTTQ tỉnh đã tập trung vào một số vấn đề như tình hình thực hiện, kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân; công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; các vụ việc đã được kết luận trong các đợt kiểm tra và các vụ việc phát sinh trong thời điểm giám sát.

Từ đầu năm đến nay UB MTTQ tỉnh Hà Giang đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức 10 đoàn giám sát, với tổng số 15 cuộc giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát về thực hiện quyền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số chế độ chính sách đối với công nhân và người lao động trong các doanh nghiệp. UB MTTQ các cấp đã giám sát được 71 cuộc; UB MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND, các Ban HĐND cùng cấp tổ chức giám sát được 202 cuộc; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giám sát được 381 cuộc; các Ban thanh tra nhân dân giám sát được 84 cuộc; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được 212 cuộc. Nội dung giám sát chủ yếu về việc triển khai Nghị quyết của HĐND về phát triển KT-XH; giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; việc thực hiện quy ước, hương ước thôn bản; các công trình thủy lợi; việc giải ngân quỹ phát triển thôn; việc sửa chữa trường, lớp học… trên địa bàn các xã.

UB MTTQ tỉnh Hà Giang đã tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các dự án, chính sách, kế hoạch, quy hoạch liên quan đến phát triển KT-XH ở địa phương. UB MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức phản biện 34 hội nghị lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và các đề án, kế hoạch của chính quyền cùng cấp. Trong đó tổ chức 21 hội nghị phản biện; hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với người dân được 19 hội nghị. Công tác tiếp công dân được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm, UB MTTQ các cấp đã tiếp 323 lượt công dân đến kiến nghị, khiếu nại; tiếp nhận 327 đơn thư phản ánh, kiến nghị; qua nghiên cứu, xác minh UB MTTQ các cấp đã chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Hà Giang Triệu Quốc Lương cho biết: Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, UB MTTQ các cấp phối hợp các đoàn thể cùng cấp trong tỉnh lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà xã hội và nhân dân đang quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện phản biện, giám sát, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận theo hướng sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc hiệp thương dân chủ; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vừa khẳng định vai trò của tổ chức, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực sự đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, từ đó đồng thuận xã hội, đoàn kết đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua.

VIỆT TÚ