Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Khê với công tác giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) -Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng luôn coi trọng công tác giám sát và phản biện xã hội, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm khi tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó, góp phần xây dựng đảng bộ, chính quyền quận trong sạch vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

 Mặt trận Tổ quốc phường Thanh Khê Tây tổ chức hội nghị phản biện xã hội và tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến kiệt 211A và kiệt 237A Dũng Sĩ Thanh Khê.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải cho biết, trong điều kiện thành phố thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, Mặt trận các cấp của quận đã chú trọng triển khai công tác giám sát ở cả 4 hình thức: giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, phối hợp tham gia giám sát cùng các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát thông qua hoạt động của các ban thanh tra nhân dân và các ban giám sát cộng đồng ở 10 phường.

Mặt trận quận tham gia giám sát việc tiếp công dân giải quyết các trường hợp vướng mắc liên quan đến các dự án khu vực cống thoát nước Khe Cạn, dự án trạm biến áp 110kV - Thuận Phước và trạm biến áp 220KV - Hải Châu, dự án khu vực phía tây hồ điều tiết thuộc khu dân cư Phần Lăng giai đoạn 2...

Bên cạnh đó, Mặt trận quận tổ chức thành công 4 hội nghị phản biện xã hội. Nổi bật như phản biện về đề án “Xây dựng Thanh Khê - Đô thị văn minh giai đoạn 2021 - 2030”; kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn quận,… Đồng thời, Mặt trận quận tăng cường việc hướng dẫn Mặt trận 10 phường tổ chức 52 cuộc giám sát chuyên đề về các nội dung phát triển kinh tế - xã hội, giám sát các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19…

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Khê Mai Phước Đạt, công tác giám sát và phản biện xã hội đã phát huy được vai trò và trách nhiệm của Mặt trận phường trong điều kiện thành phố thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị nhằm bảo đảm dân chủ ở nhiều lĩnh vực như: thực thi chính sách, pháp luật tại địa phương; tiếp và giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân; triển khai những công trình, dự án tại cộng đồng dân cư…

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thanh tra nhân dân phường An Khê thực hiện quyền giám sát đối với việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; việc thu, chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; giám sát cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú. Mặt trận phường phối hợp ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát các công trình cải tạo, nâng cấp đường kiệt, hẻm ở khu dân cư.

Trong khi đó, tại phường Thanh Khê Tây, Mặt trận phường tổ chức các hội nghị phản biện xã hội thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Điển hình như hội nghị phản biện xã hội và tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến kiệt 211A và kiệt 237A Dũng Sĩ Thanh Khê. “Khi người dân có nhiều ý kiến thắc mắc về chủ trương mở rộng kiệt hẻm của địa phương, Mặt trận phường đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị. Tại hội nghị, người dân đóng góp nhiều ý kiến mang tính xây dựng.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo UBND phường đã giải thích, tháo gỡ nhiều vướng mắc. Từ đó, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thanh Khê Tây Lê Hoàng cho biết, đồng thời chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất để thực hiện công tác phản biện xã hội là kinh phí tổ chức còn hạn hẹp, việc mời các chuyên gia có chuyên môn sâu về nội dung cần phản biện còn chưa nhiều.

Để nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, ông Huỳnh Sơn Hải mong các cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền tạo điều kiện và phối hợp để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả công tác này. Đồng thời, kiến nghị Trung ương cần ban hành luật về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, trong đó có quy định cụ thể vai trò của Mặt trận và quy định mức kinh phí bảo đảm cho hoạt động này.

Cấp có thẩm quyền cần nâng mức kinh phí cho ban giám sát đầu tư của cộng đồng; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm các ban tư vấn của Mặt trận; nghiên cứu thêm cách thức tổ chức giám sát, phản biện như: tham vấn ý kiến các chuyên gia am hiểu sâu trên các lĩnh vực, ý kiến người dân... “Thời gian đến, Mặt trận quận sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng hiệu quả hơn trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị”, ông Huỳnh Sơn Hải cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thông qua hoạt động giám sát, Mặt trận các cấp quận Thanh Khê đã tổ chức tiếp 650 lượt công dân, giải quyết 678 đơn; tham gia hòa giải 200 vụ việc từ cơ sở; tham gia góp ý 136 nội dung, phản biện 191 văn bản. Các tổ chức chính trị - xã hội quận, phường tham gia góp ý, phản biện 243 văn bản.

Theo Báo Đà Nẵng