Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nam Định tham gia giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Nam Định đã tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Ban công tác Mặt trận xóm 8, xã Xuân Hòa (Xuân Trường, Nam Định) tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng xóm NTM kiểu mẫu

Thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ; các luật, pháp lệnh mới ban hành hoặc mới có hiệu lực... Trong 5 năm (2016-2020), MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền tổ chức 91 hội nghị tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và trên 6.000 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp để nắm bắt tâm tư, ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh tới Quốc hội, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, những vấn đề dư luận quan tâm. Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng nông thôn mới (NTM); phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh giám sát thực hiện tiêu chí số 17 “Môi trường và an toàn thực phẩm” trong bộ tiêu chí xây dựng NTM; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát việc thực hiện Luật BHXH, Luật Công đoàn, Quy chế dân chủ ở cơ sở; kiểm tra việc quản lý và sử dụng các nguồn quỹ cứu trợ và Quỹ vì người nghèo các cấp tại 3 huyện: Ý Yên, Hải Hậu và Vụ Bản; phối hợp với Thanh tra tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Hội Luật gia tỉnh giám sát việc thực hiện Luật Tiếp công dân tại một số xã của huyện Nam Trực... MTTQ các huyện, thành phố hàng năm đều chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, tham gia phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức giám sát theo kế hoạch; tập trung giám sát những vấn đề cử tri quan tâm; đôn đốc thực hiện các kết luận sau giám sát, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ở Hải Hậu, MTTQ huyện và các xã, thị trấn đã thành lập 953 đoàn giám sát, tiến hành giám sát tại các đơn vị; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 784 cuộc giám sát. MTTQ các cấp thành phố Nam Định phối hợp thực hiện 513 cuộc giám sát, phát hiện 62 vụ việc sai phạm, đến nay đã giải quyết xong. MTTQ huyện Mỹ Lộc tham gia 17 cuộc giám sát với Thường trực HĐND và Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở huyện; phối hợp với Viện KSND giám sát tin báo tố giác tội phạm tại Công an huyện định kỳ hàng quý. Các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng huyện Giao Thủy thanh tra 143 cuộc, giám sát 499 công trình. MTTQ huyện Trực Ninh chủ trì 7 cuộc giám sát việc đảm bảo kinh phí hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị cấp xã, kinh phí hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện 34 cuộc giám sát theo chuyên đề... Đặc biệt, trong năm 2020, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. MTTQ cấp huyện, xã phối hợp với các tổ chức thành viên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan thành lập 245 đoàn giám sát, tổ chức 1.660 cuộc giám sát việc rà soát, thống kê danh sách; công khai niêm yết danh sách; chi trả chế độ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Sau khi có kết quả giám sát của MTTQ cấp huyện, cấp xã, MTTQ tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả giám sát ở 10/10 huyện, thành phố. MTTQ cấp huyện, thành phố thành lập 15 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra kết quả giám sát ở 29 xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra, giám sát tại cơ sở, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra vi phạm, trục lợi chính sách. Đến nay, UBND tỉnh đã chi trả hỗ trợ cho trên 261 nghìn người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 với kinh phí hỗ trợ 287 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã triển khai việc giám sát và phản biện xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh chương trình ký kết giám sát thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp của 4 ngành (Hội Nông dân, MTTQ, Sở NN và PTNT, Sở Công Thương); tích cực tham gia giám sát những lĩnh vực có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ và các nội dung trong xây dựng NTM… Hội LHPN tỉnh giám sát chế độ bảo hiểm đối với cán bộ nữ xã, phường, thị trấn; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc quản lý và điều hành các nguồn vốn từ ngân hàng cho hội viên phụ nữ vay phát triển sản xuất. Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát công tác bảo vệ môi trường tại 7 doanh nghiệp trên địa bàn. Hội Cựu chiến binh tỉnh giám sát công tác đảm bảo môi trường tại một số công ty TNHH đóng tàu huyện Xuân Trường; giám sát doanh nghiệp CCB huyện Ý Yên thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Đoàn Thanh niên tỉnh kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay hỗ trợ cho thanh niên sản xuất, kinh doanh... Thông qua công tác giám sát đã kịp thời đề xuất các chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. 

Thời gian tới, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Chú trọng lựa chọn nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, những vấn đề nhân dân có nhiều bức xúc, kiến nghị, phản ánh. Hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng./.

Lam Hồng