Lạng Sơn: Phản biện xã hội đối với dự thảo quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn

(Mặt trận) - Sáng 31/5/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

Quang cảnh Hội thảo

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức chính trị – xã hội; đại diện các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.

Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bố cục gồm 3 điều; dự thảo Quy định kèm theo nghị quyết gồm 3 chương, 13 điều.

Theo Dự thảo Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư và đăng ký nộp thuế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư theo nghị quyết. Các chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ thủ tục đầu tư; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn…

Chẳng hạn, đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, mức hỗ trợ là 200 triệu đồng/ha, tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/cụm công nghiệp. Đối với xây dựng mới chợ nông thôn (có trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo quy mô và hạng mục đạt chuẩn nông thôn mới), ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí xây lắp trước thuế, nhưng không vượt quá 1,7 tỷ đồng/chợ…

Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ đồng tình với với chủ trương của HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu còn góp ý nhiều nội dung về tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi, tính hài hòa; tác động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nghị quyết và những nội dung khác có liên quan tới tình hình thực tiễn…

Sau hội thảo, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện bằng văn bản để gửi cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu.