(Mặt trận) - Tiếp tục phiên làm việc sángngày 13/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp |
Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong biên soạn, công bố GDP, GRDP
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành. Cụ thể gồm: bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Nêu lý do của các đề xuất sửa đổi này, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, GDP, GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên thực tiễn, quy trình này đã được kiểm nghiệm; khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương với địa phương; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo quy định; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ, ngành và địa phương trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP, GRDP; bảo đảm tính đồng bộ và hệ thống, tính kết nối ở các khâu của quy trình; bảo đảm tính phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA)…
Do quy trình biên soạn GDP, GRDP là quy trình mang tính kỹ thuật chuyên sâu nên theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc giao Chính phủ ban hành quy trình này sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh, cũng như trách nhiệm phối hợp của thống kê Bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp và sử dụng các thông tin thống kê cho công tác biên soạn và đánh giá lại quy mô GDP, GRDP. Việc luật hóa các quy định trên cũng sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý; hiệu quả trong thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê; bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong biên soạn, công bố GDP, GRDP.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao sự nỗ lực của Cơ quan soạn thảo, trong thời gian ngắn đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật qua 2 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về phạm vi sửa đổi, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trínhư Tờ trình, theo đó sửa đổi 2 điều, mở rộng phạm vi, bổ sung nội dung về nâng cao vai trò trách nhiệm xây dựng quy trình biên soạn tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP của cơ quan thống kê Trung ương; xác định rõ thẩm quyền rà soát, đánh giá lại quy mô GDP; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, công bố thông tin thống kê và sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Việc sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.
Sửa đổi ít nhưng rất căn bản
So với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Ba, dự thảo Luật đã sửa đổi tên, sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật, đồng thời tiếp thu, sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh một số nội dung đã được tiếp thu, giải trình trong Báo cáo số 377/BC-CP, nhiều nhóm vấn đề theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được tiếp thu với lý do cần phải được nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện. Do đó, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các vấn đề theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo, giải trình rõ về phương hướng, lộ trình xử lý các vấn đề còn lại.
Về Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, dự thảo Luật đã bổ sung Danh mục thay thế gồm 20 nhóm với 222 chỉ tiêu. So với Danh mục đã báo cáo tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự luật đã sửa đổi, bổ sung về tên nhóm chỉ tiêu (nhóm thứ 13) và sửa tên 7 chỉ tiêu, bổ sung 7 chỉ tiêu, tách, gộp một số chỉ tiêu. Tờ trình Chính phủ cũng đã làm rõ việc sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu được quan tâm về năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic (12 chỉ tiêu), kinh tế số, chuyển đổi số (23 chỉ tiêu), giới và bình đẳng giới (26 chỉ tiêu), vùng và liên kết vùng (130 chỉ tiêu liên quan có phân tổ theo vùng), môi trường và biến đổi khí hậu (12 chỉ tiêu), các chỉ tiêu dự báo, phản ánh, đo lường kinh tế xanh, tăng trưởng xanh (24 chỉ tiêu), kinh tế tuần hoàn (5 chỉ tiêu), kinh tế bao trùm (7 chỉ tiêu).
Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm. "Hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp nhất như: giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu)", ông Vũ Hồng Thanh nêu ví dụ.
Đối với thống kê tại Phụ lục II về các chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, dù số chỉ tiêu khá nhiều nhưng theo Ủy ban Kinh tế, vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường tổng hợp. Cụ thể, có 23 chỉ tiêu kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số nhưng chưa thể hiện rõ nét về đo lường kinh tế số hay chưa có giải trình cụ thể và thuyết phục vì sao không đưa chỉ tiêu “Tỷ lệ các nền tảng số đang hoạt động trên thị trường Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất hay thay đổi chỉ tiêu “Tỷ lệ chi cho chuyển đổi số”, hoặc theo thống kê có tới 130 chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng nhưng nhiều chỉ tiêu chỉ dừng ở mức phản ánh thực trạng về dân số, lao động, việc làm, sản lượng (phản ánh về lượng)… của vùng, rất khó phản ánh và đo lường mức độ phát triển kinh tế vùng hay mức độ liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng, mức độ phát triển và đóng góp của kinh tế đô thị, phản ánh về chất (hiện chỉ có duy nhất 1 chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hoá). Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, đánh giá thận trọng hơn để bảo đảm có nhiều hơn các chỉ tiêu phản ánh chất lượng phát triển kinh tế - xã hội vùng, quốc gia. Cùng với đó, cần rà soát thêm các tiêu chí hình thành nên các chỉ tiêu lao động đã qua đào tạo, doanh thu, lao động/nhân lực ngành du lịch,… đảm bảo thống nhất trong cách tính của cơ quan Trung ương và địa phương.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện thêm một bước dự thảo Luật. Với 3 nội dung sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ "tuy ít điều nhưng rất căn bản. Phụ lục đã đành rồi nhưng 2 điều kia, Điều 18, 19 rất căn bản, nếu sửa được 2 điều này sẽ mang lại giá trị thực tiễn rất lớn". Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát kỹ lưỡng Điều 18, Điều 19 xem có nội dung nào cần quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn nữa hay không, nội dung nào chưa bao quát hết thì có thể giao Chính phủ hướng dẫn thêm.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là các nội dung nhằm bảo đảm chất lượng, độ tin cậy, chính xác của thông tin thống kê; xử lý khi có sự khác biệt, không thống nhất về số liệu của cùng một chỉ tiêu thống kê; điều chỉnh cách tính, đánh giá lại một số chỉ tiêu thống kê; nâng cao chất lượng công tác thống kê của các bộ, ngành đối với nhiệm vụ được phân công; vai trò của cơ quan thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của các bộ, ngành; tiếp cận, chia sẻ, phổ biến kết quả điều tra, thống kê sau khi đã được công bố; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê... "Đây là những vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài, đề nghị tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo chất lượng công tác thống kê thích hợp theo tình hình mới và đảm bảo đánh giá tác động tổng thể", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hồ Long