Khẩn trương xem xét, nghiên cứu giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri

(Mặt trận) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tư, trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri (KNCT) gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, các Bộ, ngành, cơ quan khi nhận được kiến nghị đã khẩn trương xem xét, nghiên cứu giải quyết, trả lời với thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm, đúng thời gian theo quy định.

Giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu. Ảnh: Hồ Long 

Hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.640 KNCT. Trong đó, có 62 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,4%); 2.524 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 95,6%); 32 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 1,2%); 22 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,8%). Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

Nội dung KNCT liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội (229 kiến nghị); Y tế (227 kiến nghị); Tài nguyên và Môi trường (210 kiến nghị); Nội vụ (198 kiến nghị); Nông nghiệp, nông thôn (194 kiến nghị); Giáo dục, đào tạo (181 kiến nghị); Giao thông, vận tải (179 kiến nghị)…

Đến nay, có 2.596/2.640 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 62/62 kiến nghị, đạt 100%. Đặc biệt, tiếp thu KNCT về tăng cường tổ chức thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22.7.2022 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Tại Nghị quyết số 560 này đã đặc biệt nhấn mạnh giám sát văn bản quy phạm pháp luật gắn với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật... Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6.7.2022 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ, theo đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn.

Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, tiếp thu KNCT về nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, thực hiện các kiến nghị sau giám sát, trong thời gian qua, Quốc hội đã không ngừng cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, qua đó giúp hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. 

Kịp thời giải đáp lo lắng của cử tri về biến chứng sau tiêm vaccine Covid - 19 cho trẻ em

Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.482/2.524 kiến nghị (đạt 98,3%). Các Bộ, ngành đã giải trình và cung cấp thông tin về 2.176/2.482 KNCT, chiếm 87,6% tổng số KNCT được xem xét, giải quyết, trả lời.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời cử tri về việc quản lý công tác đào tạo sau đại học, đào tạo tiến sĩ để nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ, chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng và công tác đào tạo sau đại học nói chung; đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về đào tạo sau đại học các cơ sở đào tạo và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành....

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri ở một số địa phương về bổ sung biên chế nhân viên y tế cho trường học; giảm tải chương trình học tập cho học sinh lớp 1; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dạy bơi cho học sinh trong trường học; công tác tư vấn tâm lý học đường; biện pháp cải thiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường; chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non…

Đối với Bộ Y tế, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, Bộ đã giải đáp khi cử tri  bày tỏ lắng về những biến chứng sau tiêm vaccine phòng Covid - 19 cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi mà một số báo, đài đã đăng tải trong thời gian qua. Cụ thể, theo Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại Covid - 19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để triển khai công tác tiêm vaccine phòng Covid - 19 được an toàn, hiệu quả, tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng toàn quốc… Đồng thời, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế thường xuyên họp, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid - 19 phù hợp với thực tế và kinh nghiệm qua các đợt dịch của Việt Nam và thế giới…

Bộ Y tế cũng đã trả lời cử tri các địa phương về một số nội dung như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng; việc thanh, quyết toán vật tư y tế đã vay, mượn để phục vụ khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch; tăng định mức chi, bổ sung danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả; thông tuyến khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho thương bệnh binh, người có công, người nhiễm chất độc màu da cam; bố trí đủ vaccine phòng Covid - 19…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời KNCT về tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, đề nghị quan tâm, có các giải pháp xử lý hiệu quả những vấn đề này. Theo đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội. Và, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường; tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

Đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 132 vụ, 63 đối tượng

Đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, các Bộ, ngành đã nghiên cứu, xem xét, giải quyết 61 kiến nghị, chiếm 2,5% tổng số KNCT được xem xét, giải quyết, trả lời. Tiếp thu phản ánh của cử tri, một số Bộ, ngành đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trong đó, tiếp thu KNCT về việc cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn triệt để tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện hơn 70 chuyên án, xử lý trên 300 vụ việc, khởi tố trên 1.100 đối tượng và xử lý hành chính trên 400 đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng.

Tương tự, tiếp thu KNCT về việc đẩy mạnh công tác thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc toàn ngành triển khai 3.260 cuộc thanh tra hành chính và 80.723 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.025 tỷ đồng, 1.760 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 24.008 tỷ đồng, 1.116 ha đất; ban hành 65.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.501 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 132 vụ, 63 đối tượng ...

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu cụ thể một số vấn đề cử tri đã kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết, trong đó có một số vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, các Bộ, ngành đang trong quá trình xem xét để giải quyết 245 KNCT gửi đến Kỳ họp thứ Ba, chiếm 9,9 % tổng số KNCT được xem xét, giải quyết, trả lời. Nhiều KNCT đã được các Bộ, ngành nêu rõ sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật.

Nghiêm túc, có trách nhiệm xem xét giải quyết kiến nghị của cử tri

Đánh giá chung, Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, các KNCT đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý, điều hành. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống của Nhân dân về cơ bản ổn định.

Về cơ bản, các Bộ, ngành, cơ quan khi nhận được KNCT đã khẩn trương xem xét, nghiên cứu giải quyết, trả lời với thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm, đúng thời gian theo quy định. Nội dung văn bản trả lời đã tập trung vào trọng tâm vấn đề cử tri kiến nghị. Trong văn bản trả lời, các Bộ, ngành cũng đã nêu rõ những khó khăn vướng mắc của Bộ, ngành mình để cử tri hiểu và các địa phương cũng thấy rõ trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết nên được cử tri đánh giá cao. Nhiều KNCT được giải quyết như đã nêu ở phần trên đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân. Sự giải quyết nhanh chóng, kịp thời của các Bộ, ngành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân cũng như trách nhiệm cao của các Bộ, ngành trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.

Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri địa phương quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Cụ thể, trả lời của Bộ Công thương về các giải pháp bình ổn giá xăng dầu, về việc dừng thực hiện dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I và nhiệt điện Quỳnh Lập II và đưa 2 dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập ra khỏi Quy hoạch điện VIII. Trả lời của Bộ Nội vụ về giải pháp tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục, về hướng dẫn vị trí việc làm, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, việc thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập. Trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình học trung học phổ thông. Trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm bớt thời lượng quảng cáo trên truyền hình hay việc kiểm duyệt các nội dung quảng cáo. Trả lời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải quyết vướng mắc trong quá trình hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân …

Tuy nhiên, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Đoàn ĐBQH còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Một số Bộ, ngành còn trả lời KNCT chưa đúng thời hạn nên ĐBQH chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri khi tiếp xúc cử tri.

“Mặc dù từ nhiều kỳ họp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị các Bộ, ngành cần nhanh chóng nghiên cứu, giải quyết, trả lời KNCT đúng thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn một số Bộ, ngành chưa trả lời đúng thời hạn KNCT với số lượng lớn như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ...” , Trưởng Ban Dân nguyện nói.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số KNCT chưa được giải quyết; một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện; một số KNCT chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật…