Hội nghị triển khai Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật

(Mặt trận) - Sáng 20/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Lâm Hiển 

Đồng chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tham dự có: Các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...

Tạo thống nhất, chủ động trong nhận thức và hành động

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Hội nghị là bước quán triệt, cụ thể hoá và bảo đảm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 843 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; hướng dẫn một bước việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong nhận thức cũng như triển khai hoạt động này.

Nhấn mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

"Trong đó, đã xác định trọng tâm là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, qua đó phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục triệt để những hạn chế bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là những hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục, quy trình, cách thức tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật để công tác này được thực hiện bài bản, thường xuyên, nền nếp, thống nhất và có chất lượng, hiệu quả hơn, gắn bó chặt chẽ với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và triển khai tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Một trong những yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền là phải có hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, trong đó tính tối cao của Hiến pháp được bảo đảm và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, mà trước hết là phát huy vai trò, chức năng giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Để đạt được mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở vững chắc cho việc huy động quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, kịp thời phát hiện những nội dung văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, pháp luật, văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên không còn phù hợp để đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, xử lý cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật; phát hiện việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành.

Với ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tin tưởng, hội nghị sẽ là diễn đàn để các cơ quan cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay, những cách làm mới để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 560.

Trong đó, về mặt pháp lý, các cơ quan của Quốc hội có nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại 3 Luật (gồm: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức Quốc hội). Thời gian qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; các quy định về phương thức và trình tự, quy trình tiến hành còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là về từng bước tiến hành giám sát, các công việc cần tiến hành, trách nhiệm của từng chủ thể, kỳ giám sát, hồ sơ, mẫu biểu báo cáo kết quả giám sát...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu thực tế, việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn rất chậm. Kết quả giám sát năm 2022 cho thấy có đến 21% tổng số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành hoặc chậm ban hành. Phải chăng điều này cũng là do chúng ta thiếu giám sát, đôn đốc, nhắc nhở? Có những văn bản chậm hơn 3 năm 10 tháng chưa được ban hành kể từ khi luật có hiệu lực thi hành. Như vậy, rõ ràng, công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật cũng chưa nghiêm.

“Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560 hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục giám sát, thời gian, cách thức tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho việc tiến hành giám sát bài bản, thường xuyên, thống nhất ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết cũng như phát hiện kịp thời các văn bản có nội dung trái Hiến pháp, pháp luật; đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.

Thông tin cụ thể về các nội dung của Nghị quyết số 560, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện kế hoạch giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 cho đến hết ngày 31.12.2022 để tổng hợp kết quả giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 560; xây dựng chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua Tổng Thư ký Quốc hội và tổ chức thực hiện việc báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật hằng năm (từ ngày 1.1 đến hết ngày 31.12), bắt đầu từ năm 2023.

Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm trách nhiệm được quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 560. Cùng với đó, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng dự án luật, pháp lệnh, nhất là việc chuẩn bị văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo hồ sơ dự án; chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật tới các cơ quan phụ trách giám sát theo đúng quy định. Tăng cường công tác rà soát, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có sai phạm.

Đã có 13 tham luận phát biểu tại hội nghị. Trên cơ sở Nghị quyết 560 và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV yêu cầu là phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và công tác đối ngoại; trong đó có nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm then chốt.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, từ nghị định đến thông tư hoặc không ban hành các văn bản đã có tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một khâu yếu. Nhấn mạnh lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về công tác này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau hội nghị này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo kết luận tới các cơ quan hữu quan. Nêu rõ phải quán triệt tinh thần Nghị quyết 560 để thống nhất cả trong nhận thức và hành động, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan giám sát.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có những trường hợp qua giám sát những văn bản hướng dẫn thi hành hoặc trong tổ chức thực hiện đã phát hiện ra những bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, từ đó mới có hướng để sửa đổi kịp thời. Do đó, kết quả giám sát không chỉ nhằm phát hiện những nội dung có đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp cũng như sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... hay không mà còn phát hiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn để điều chỉnh kịp thời. Điều này càng khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát với chức năng lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu yêu cầu, ngoài việc giám sát thường xuyên thì có thể tổ chức giám sát chuyên đề, có thể đưa những chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thậm chí là của Quốc hội. Nhấn mạnh vai trò giám sát của các cơ quan chức năng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đối tượng được giám sát không phải chỉ riêng từng luật mà còn liên quan đến trách nhiệm, vấn đề chịu trách nhiệm cuối cùng của các cơ quan thực hiện giám sát trong lĩnh vực này; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị về lĩnh vực này.

Cùng với giám sát theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, cơ quan chủ trì thẩm tra luật còn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thực hiện giám sát theo chuyên đề. Nhấn mạnh về mối quan hệ biện chứng trong xây dựng và thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý chú trọng khâu xây dựng pháp luật, sự cần thiết phải thiết lập cơ chế phối hợp và hệ thống cơ sở dữ liệu; đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội lập và ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết này, thống kê tập hợp được tất cả những văn bản dữ liệu.

Như vậy, ngoài việc quán triệt Nghị quyết 560, các cơ quan phải chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để thực hiện Nghị quyết, đưa vào chương trình giám sát hằng năm về tập trung thực hiện tốt công tác giám sát và tổ chức thực thi pháp luật đối với những lĩnh vực được phân công phụ trách và những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trên tinh thần của Nghị quyết 560 là cần mở rộng gắn chặt giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát việc thực hiện chính sách, qua đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc đánh giá tính chất khả thi cả các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được ban hành.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp nhiều phương thức giám sát, phối hợp liên ngành về xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối giữa các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sau hội nghị là quá trình thực thi. Đảng đoàn Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan chức năng những kết quả giám sát, nhằm tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thực hiện.

Từ những yêu cầu cụ thể, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn kết quả việc thực hiện Nghị quyết 560 sẽ là tạo sự chuyển biến thực sự về thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó giảm thiểu dần, tiến tới khắc phục được căn cơ, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật.

Nhấn mạnh quản lý nhà nước mang tính chất liên tục, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu từng bộ, ngành chủ động rà soát. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải có kế hoạch, chương trình giám sát và báo cáo kết quả. Nghị quyết 560 cũng nhấn mạnh không nhất thiết báo cáo theo định kỳ mà khi có vấn đề cần thiết là phải báo cáo. Mọi kết quả giám sát định kỳ báo cáo Quốc hội.

Trên tinh thần đổi mới công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng rằng, Hội nghị này sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy, tạo động lực giúp các cơ quan hoàn thành tốt chức năng giám sát nói chung, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, góp phần vào thành tựu chung trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao vai trò của Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đây cũng là nền tảng, yêu cầu bắt buộc để hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần thiết thực tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.