Hòa Bình: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) -Những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS,PBXH), tập trung vào những vấn đề Nhân dân quan tâm, qua đó góp phần tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tăng cường đoàn kết và đồng thuận trong Nhân dân.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Xứng đáng là "tai mắt”của Nhân dân

Năm 2023, MTTQ các cấp và các tổ chức CT-XH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức giám sát được 361 cuộc bằng các hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát, phối hợp tham gia giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các đoàn thể CT-XH... Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tại cơ sở còn thông qua Ban thanh tra nhân dân (TTND), Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Hoạt động giám sát tập trung vào các nội dung như: việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; việc thực hiện các nội dung tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, các tổ chức CT-XH đề xuất giám sát các nội dung: việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh, người lao động tại doanh nghiệp, đối tượng bảo trợ xã hội; việc quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm tổng phụ trách Đội rong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập… 

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Năm 2023, các Ban TTND đã giám sát 320 vụ, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 21 vụ việc, đã xử lý, giải quyết đạt tỉ lệ 100%. Ban GSĐTCCĐ tổ chức giám sát 419 công trình, dự án, qua đó đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý 67 công trình có vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cộng đồng dân cư, đã kiến nghị, xử lý đạt 100%.

 Ban công tác Mặt trận thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) luôn quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Đối với công tác phản biện xã hội, năm 2023, MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình đã tổ chức phản biện xã hội đối với 312 dự thảo văn bản của cấp ủy, các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách của chính quyền các cấp; tổ chức 164 cuộc phản biện, chủ yếu về luật Đất đai (sửa đổi). Đó là minh chứng rõ nét, cụ thể được các cấp ủy, chính quyền coi trọng, ghi nhận, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. 

Tại buổi giám sát về việc việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại huyện Cao Phong theo Kế hoạch số 215/KH-MTTQ-BTT,ngày 19/10/2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh. Trên tinh thần góp ý xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, các thành viên đoàn giám sát đã nêu ra một số ưu điểm, hạn chế đối với cá nhân được giám sát. Trong đó, một số hạn chế được nêu rõ như chưa dành được nhiều thời gian đi sâu, đi sát cơ sở để nắm bắt tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của tổ chức đảng, đảng viên và Nhân dân; việc nắm bắt thông tin chủ yếu qua các cuộc tiếp xúc cử tri và báo cáo của các cơ quan chuyên môn nên đôi lúc chỉ đạo giải quyết chưa kịp thời; việc chỉ đạo, đôn đốc tổ chức quán triệt, triển khai một số văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên đôi khi còn chậm. Với tinh thần cầu thị, đồng chí Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cao Phong đã tiếp thu và có hướng khắc phục những hạn chế, phát huy ưu điểm để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, công tác GS,PBXH còn một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục. Thực tế cho thấy, càng xuống cấp dưới, công tác GS,PBXH càng khó khăn, lúng túng, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; các hình thức giám sát còn hạn chế, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn. Công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét, việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Việc tổ chức các hội nghị phản biện của các tổ chức CT-XH còn hạn chế, chủ yếu tham gia các dự thảo văn bản khi được yêu cầu…

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, để khắc phục những khó khăn, hạn chế cần xây dựng kế hoạch GS,PBXH theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm. Khi giám sát theo chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và những vấn đề "nóng” trong dư luận xã hội. Cần tiếp tục kiện toàn các hội đồng tư vấn, ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh với các hội đồng tư vấn. Các kết luận GS,PBXH của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phải có sự phản hồi cụ thể bằng văn bản của các đơn vị được giám sát. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác GS,PBXH của mặt trận đối với hoạt động xây dựng luật của Quốc hội.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, để đạt được hiệu quả cao, MTTQ các cấp và các tổ chức CT-XH cần lựa chọn các hình thức GS,PBXH phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch, dân chủ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quá trình GS,PBXH, nắm bắt dư luận, tập hợp nhiều hơn ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần xem xét, quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật; có chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ, các tổ chức CT-XH của các cơ quan được giám sát.

Trao đổi về công tác GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp, đồng chí Xa Đức Thọ,   Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: "Thời gian tới, MTTQ và các tổ chức CT-XH cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế GS&PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH. Tiếp tục tham mưu cấp ủy lãnh đạo, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS,PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, trong đó, cần tăng cường sức mạnh đội ngũ cán bộ mặt trận và các thành viên đoàn giám sát. Tích cực nêu gương gắn với triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”.

Thực hiện tốt vai trò GS,PBXH cũng chính là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Một khi dân tin, dân đồng thuận thì MTTQ và các tổ chức CT-XH mới phát huy tốt vai trò là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Cùng với thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân, MTTQ và các tổ chức CT-XH vừa phải phối hợp với chính quyền thực hiện công khai, minh bạch, vừa phải cầu thị, lắng nghe, thực hiện trách nhiệm phản hồi các phản ánh, kiến nghị. Quan trọng nhất là phải kịp thời giải quyết kiến nghị, đề xuất hợp pháp, thiết thực của Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận, khơi gợi sức sáng tạo, đổi mới, huy động các nguồn lực trong Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng hiện đại, văn minh.

Hoàng Anh