Hà Nội: Minh bạch, tránh tiêu cực trong thực hiện điều chỉnh giá nước sạch

(Mặt trận) - Chiều nay, 29/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định của UBND TP về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Quang cảnh hội nghị

Cần thiết xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt

Tại Hội nghị, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thành Tâm trình bày báo cáo của Sở về phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó cho hay: Về chính sách của Nhà nước về hạn chế khai thác nước ngầm, trước năm 2016 nguồn nước ngầm có công suất khai thác khoảng 700.000 m3/ngày đêm, chiếm 77,78% tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP, nhưng hiện công suất này đạt 770.000 m3/ngày đêm (chiếm 50,3%).

Theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt, quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm, lộ trình giảm dần khai thác nước ngầm từ năm 2025 đến 2050 là 615.000 m3/ngđ giảm còn 413.000 m3/ngđ. Trong khi, nhu cầu nước sạch của TP ngày càng tăng, phải bổ sung đơn vị cấp nguồn từ nguồn nước mặt, dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng lên do chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.

Bên cạnh đó, ngày 14/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt có hiệu lực thi hành từ 15/6/2019 (thay thế quy chuẩn năm 2009), yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn nhiều so với quy chuẩn cũ để đảm bảo sức khỏe người dân. Để thực hiện xử lý nước và đảm bảo chất lượng nước đạt QCVN 01-1:2018/BYT, các đơn vị cấp nước cần đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước cũ hoặc thay thế nguồn nước cấp để đảm bảo nước sạch cấp đến người dân đúng quy chuẩn. Do vậy, với giá nước cần được điều chỉnh để các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Đặc biệt, cơ sở thực tiễn quan trọng là biến động của các chi phí cấu thành giá nước sạch. Phương án giá nước sạch trên địa bàn Hà Nội đến nay đã thực hiện 10 năm, tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng: Tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%; mức lương cơ sở tăng 29,56%; chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí điều chỉnh tăng…

Với các biến động của các chi phí cấu thành giá nước sạch đó, giá nước đến thời điểm hiện nay đã cơ bản không đáp ứng được chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD). Việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới các tác động tiêu cực: Không đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch, không thu hút được nhà đầu tư, không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm…

“Như vậy, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP là cần thiết, phù hợp quy định pháp luật và yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của Nhà nước trong việc quản lý hoạt động SX, KD nước sạch”- bà Trần Thành Tâm nói.

Theo phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt được đưa ra, giá nước bình quân đảm bảo khung giá tối đa theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính. Hệ số điều chỉnh trong phương án giá dự kiến đều đảm bảo thấp hơn hệ số tối đa theo quy định tại Thông tư 44/2021/TT-BTC.

TT

Nhóm khách hàng sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt

Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt (đồng/m3)

Từ ngày 1/7/2023

Từ ngày 1/1/2024

I

Hộ dân cư

 

 

1

Mức đến 10 m3/đồng hồ/tháng

 

 

 

Hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo

5.973

5.973

Các đối tượng hộ dân cư khác

7.500

8.500

2

Từ trên 10-20 m3/đồng hồ/tháng

8.800

9.900

3

Từ trên 20-30 m3/đồng hồ/tháng

12.000

16.000

4

Trên 30 m3/đồng hồ/tháng

24.000

27.000

II

Cơ quan hành chính

12.000

13.500

III

Đơn vị sự nghiệp, phục vụ mục đích công cộng

12.000

13.500

IV

Hoạt động sản xuất vật chất

15.000

16.000

V

Kinh doanh dịch vụ

27.000

29.000

(Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt chưa bao gồm thuế GTGT và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt).

Đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 (mức giá này giữ nguyên theo mức giá nước sạch tại Quyết định 38/2013/QĐ-UBND). Đối với người dân tại khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, TP có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Song song đó, về phương án giá bán buôn nước sạch sinh hoạt, giá bán buôn của Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đà thực hiện theo Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 18/02/2014 là 5.070 đồng/m3; giá bán buôn của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, năm 2023 là 6.986,51 đồng/m3 và năm 2024 là 7.646,34 đồng/m3; giá bán buôn của Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống thực hiện theo Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND TP.

Thực hiện điều hòa mức giá bán buôn của Sông Đà và Nước sạch Hà Nội cho các đơn vị lưu thông theo nguyên tắc: Tăng giá bán tại khu vực có hiệu quả cấp nước cao và giảm giá bán tại khu vực có hiệu quả cấp nước kém hơn, đảm bảo giá nước cho các đối tượng bằng với mức giá bình quân của đơn vị bán buôn.

Điều chỉnh giá cần đi đôi với đảm bảo chất lượng nước

 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị

Tham gia phản biện vào dự thảo Quyết định của UBND TP về điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội, tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bày tỏ tán thành với sự cần thiết điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, phù hợp thực tiễn Hà Nội trong bối cảnh các yếu tố nguyên vật liệu đầu vào cho SXKD đều tăng nhiều so với những năm trước, làm cho chi phí SX và giá thành KD nước sạch tăng lên. Đồng thời, ghi nhận UBND TP đã có sự thận trọng trong xây dựng phương án điều chỉnh, đảm bảo cơ sở pháp lý, đòi hỏi thực tiễn và đánh giá tác động; vệc sắp xếp bảng giá thể hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh giá nước sạch cần đi đôi với đảm bảo liên tục, ổn định cung cấp nước sạch, chất lượng nước đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; trong phương án điều chỉnh giá nước sạch và các văn bản giải trình Quyết định của TP phải làm sao minh bạch, công khai, để tạo được sự ủng hộ của người dân.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nếu không tăng giá nước sạch thì sẽ không tạo được động lực thúc đẩy ngành SXKD nước tăng phạm vi bao phủ nước sạch và khả năng cấp nước an toàn, người dân còn phản ánh cấp nước không đảm bảo liên tục. Đồng thời, sẽ không khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào cấp nước do thu hồi vốn khó khăn.

“Không riêng Hà Nội thấy sốt ruột phải điều chỉnh giá nước sạch, mà các địa phương khác đã điều chỉnh từ sau khi có Thông tư 44, với mức điều chỉnh cao hơn mức Hà Nội đang đưa ra”- ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

Đồng tình cao với chủ trương của TP, song Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo đề nghị, trong khâu tổ chức thực hiện, cần làm rõ công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành TP để người dân hiểu rõ, hiểu đúng vì sao cần tăng giá nước, mới tạo được đồng thuận. Ngoài ra, hiện 7 trạm nước ở 7 khu vực không có nước, nên cũng cần làm rõ việc này, song song với tăng giá nước.

Đặc biệt, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) đề nghị  có báo cáo về chất lượng nước của các đơn vị cung cấp nước trong thời gian qua.

“Giá nước sinh hoạt tăng nhưng phải có chất lượng nước đảm bảo đủ tiêu chuẩn, vậy nếu nước không đủ tiêu chuẩn (trong thực tế đã xảy ra) thì giải quyết thế nào? Ống dẫn cũ, vỡ, nước lọc không chuẩn, vẫn có các sinh vật, hóa chất độc hại… thì sao? Đề nghị có đánh giá về công nghệ, thiết bị của các đơn vị cung cấp nước hiện nay và công bố những đơn vị có công nghệ, thiết bị cần thay; nếu phải thay thì thời hạn thay là bao lâu (kể từ khi tăng giá), để người dân giám sát. Cũng nên có đường dây nóng để Nhân dân phản ánh về chất lượng nước, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe”- bà Bùi Thị An thẳng thắn.

Tuyên truyền để người dân đồng thuận với quyết sách lớn

Thay mặt Tổ soạn thảo phát biểu tiếp thu các ý kiến, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện kinh nghiệm, tâm huyết, sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học… vào dự thảo Quyết định này của UBND TP.

“Quan trọng là các đại biểu đều đồng thuận về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và sự cần thiết để TP ban hành Quyết định này. Các ý kiến ghi nhận sự chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, có sức thuyết phục và có cơ sở khoa học của phương án đưa ra; đánh giá cao Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức phản biện xã hội về nội dung này thể hiện sự thận trọng, lắng nghe, tiếp thu”- ông Nguyễn Xuân Lưu nhấn mạnh.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Quyết định của UBND TP về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên đia bàn TP Hà Nội nói riêng và các dự thảo văn bản QPPL sẽ được thông qua tại Kỳ họp HĐND TP tới đây, đảm bảo đúng Luật ban hành văn bản pháp luật, có sự tham gia của đại diện Nhân dân vào các khâu ban hành văn bản của TP.

Trước các ý kiến cụ thể tại Hội nghị, các bài góp ý vào dự thảo Quyết định và ý kiến giải trình của Giám đốc Sở Tài chính - thành viên UBND TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP khẳng định: Những nội dung Sở Tài chính chuẩn bị tham mưu cho UBND TP, HĐND TP đều là những nội dung được nhiều người dân quan tâm, quá trình chuẩn bị rất chặt chẽ, khoa học, lấy ý kiến đa chiều, với rộng rãi các đối tượng liên quan. Sở Tài chính ghi nhận các ý kiến góp ý, trong đó đều cho rằng dự thảo Quyết định có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và sự cần thiết phải điều chỉnh giá nước sinh hoạt trong thời điểm này.

“Mức điều chỉnh giá nước sạch mà UBND TP đưa ra là mức giá tương đối phù hợp với thực tiễn Hà Nội hiện nay, so sánh với mức điều chỉnh tại các tỉnh, TP khác thì dễ có sự đồng thuận trong thời điểm này”- bà Nguyễn Lan Hương nhận định.

Từ đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục là hạt nhân tích cực tuyên truyền ngay từ trong gia đình, cộng đồng dân cư đang sinh sống cho tới các tổ chức mà mình đang làm việc, để mọi người dân ủng hộ một quyết sách lớn của TP. Đồng thời, để thể hiện sự ưu việt của Thủ đô, đề nghị Tổ soạn thảo rà soát bổ sung những đối tượng hộ dân đáng quan tâm, để khi triển khai Quyết định sẽ có cơ sở đi vào thực tiễn ngay.

Đặc biệt, về khâu tổ chức thực hiện Quyết định, bà Nguyễn Lan Hương lưu ý cần làm rõ trách nhiệm quản lý điều hành của UBND TP đối với các sở ngành TP, trong đó có nội dung tăng cường thanh tra kiểm tra, nhằm thực hiện mọi nội dung liên quan đến giá phải đảm bảo công khai, minh bạch và nhất là bình đẳng giữa người bán - người mua và chất lượng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành.

“Từ khâu đầu đến khâu cuối phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch, mới hạn chế thấp nhất phát sinh tiêu cực”- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP nêu rõ.