Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Hưng Yên: Tìm lời giải căn cơ cho bài toán thiếu giáo viên

(Mặt trận) - Làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên về kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học trên địa bàn khá trầm trọng. Hưng Yên cần báo cáo thêm nguyên nhân vì sao và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Chi 

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn.

Cùng tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Về phía tỉnh Hưng Yên có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn và lãnh đạo chủ chốt tỉnh. 

Nhiều giải pháp chủ động trong bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo yêu cầu của Chương trình

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết, từ nhiều năm qua, ngành giáo dục Hưng Yên được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và trong tỉnh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời về các nội dung đổi mới dạy học; được phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội ủng hộ, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đa số cán bộ quản lý, giáo viên nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, có nhiều cán bộ quản lý, giáo viên hiểu sâu, đi đầu trong đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Đến năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch, phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp các cơ sở giáo dục. Đến nay, mạng lưới giáo dục và quy mô trường lớp tiếp tục ổn định; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, đáp ứng việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học đạt 79,4%.

Để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Tích cực triển khai việc tuyên truyền đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; chủ động chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình.

Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều giải pháp chủ động trong bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo yêu cầu của Chương trình. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã xây dựng và thực hiện đa dạng bằng các hình thức tập huấn bồi dưỡng tập trung, trực tuyến, hội thảo… dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và chuyên gia tư vấn quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo viên cấp tỉnh… nhằm hướng dẫn giáo viên tự học, thực hành, hướng dẫn những nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ thực tiễn của giáo viên và việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ, thảo luận về chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng thực hành.

Khó tuyển dụng do tiêu chuẩn đầu vào cao

 

Đoàn giám sát đánh giá cao tinh thần sẵn sàng đổi mới, tâm huyết, trách nhiệm, sự cố gắng của đội ngũ giáo viên trong đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều giải pháp chủ động trong bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo yêu cầu của Chương trình. Tuy nhiên, như báo cáo của lãnh đạo tỉnh tại cuộc làm việc, Hưng Yên đang gặp tình trạng "thừa, thiếu cục bộ". Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm học 2022 - 2023 tổng số giáo viên theo định mức Hưng Yên cần là 10.869 người; số giáo viên hiện có mặt là 9.282 người. Do đó, số giáo viên còn thiếu so với định mức cho năm học 2022-2023 là 1.586 người. Theo dự kiến, nếu không kịp thời bổ sung giáo viên, đến năm 2024, tỉnh thiếu 2.248 giáo viên ở 3 cấp học.

Các thành viên Đoàn giám sát nhận thấy, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học trên địa bàn khá trầm trọng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị, tỉnh báo cáo thêm về tình trạng này, nguyên nhân vì sao trong khi số biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại các trường phổ thông công lập chưa sử dụng hết.

Giải trình thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên Lê Quang Hòa cho biết, nếu tính số giáo viên thiếu trên địa bàn so với định biên của Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Nội vụ, thì giáo viên mầm non của Hưng Yên thiếu nhiều nhất, có khoảng 1.700 giáo viên. “Vừa rồi, Bộ Chính trị đã có bổ sung 1.063 giáo viên cho các bậc học của Hưng Yên, trong đó là có hơn 600 giáo viên mầm non, do đó còn thiếu khoảng hơn một nửa nữa”, ông Lê Quang Hoà thông tin.

Lý giải tại sao Hưng Yên không tuyển dụng hết số biên chế được giao, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cũng cho biết, từ năm 2018 - 2021, tỉnh đã thực hiện 4 lần tuyển dụng, với số lượng tuyển dụng là 1.346 giáo viên trên tổng số chỉ tiêu còn thiếu là 1.555 giáo viên, tức là hàng năm tỉnh đều tổ chức tuyển dụng trên cơ sở số giáo viên còn thiếu, mặc dù cũng chịu áp lực cắt giảm 10% biên chế viên chức của giai đoạn 2015 - 2020. Nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng thiếu giáo viên ở Hưng Yên là do phải thực hiện tinh giản biên chế. Nêu vấn đề này, ông Lê Quang Hòa cũng cho biết, “Trung ương giao cho tỉnh chỉ tiêu tuyển dụng là 1.063 giáo viên, nhưng giao cắt giảm biên chế là 1.600 thì rất là khó cân đối”. Thêm vào đó, đến thời điểm này, Ban Tổ chức Trung ương cũng chưa có quyết định giao biên chế chính thức, kể cả biên chế công chức, viên chức cho tỉnh năm 2023 theo Quyết định 72 của Bộ Chính trị. Vì vậy, năm 2023, tỉnh mới tạm giao biên chế và đến nay hầu hết các huyện đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức theo số lượng biên chế tạm giao còn thiếu. 

Nguyên nhân nữa của tình trạng thiếu giáo viên là do khó khăn trong nguồn tuyển dụng, đặc biệt với cấp mầm non, THCS. Đặt vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay, số biên chế giáo viên, nhất là biên chế giáo viên cấp mầm non và THCS khi tuyển dụng rất khó khăn do đầu vào rất hạn chế khi áp dụng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Thế nên, khi tuyển dụng giáo viên năm 2021, Hưng Yên cũng như nhiều tỉnh khác thiếu rất nhiều chỉ tiêu. Ví dụ, năm 2019, tỉnh đăng tuyển 246 nhưng chỉ tuyển được 100, hay năm 2021 cũng không đáp ứng được, thiếu khoảng một nửa so với chỉ tiêu đăng tuyển. Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng là một trong những địa phương có tổng biên chế được giao rất thấp so với cả nước.

Trước khó khăn này, địa phương đã có giải pháp giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách thay vì giảm biên chế. UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ tham mưu 2 Nghị quyết về thu hút nhân lực chất lượng cao và thu hút giáo viên về tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục… Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên kiến nghị, Trung ương sớm giao biên chế năm 2023; sớm có định biên theo vị trí việc làm và định mức; đồng thời, sớm hoàn thiện chính sách về tự chủ trong lĩnh vực giáo dục…

Tình trạng thiếu giáo viên không phải vấn đề của riêng Hưng Yên mà các tỉnh, thành khác trên cả nước cũng gặp phải. Vì thế, cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát và lãnh đạo tỉnh là dịp để Đoàn lắng nghe, trao đổi thẳng thắn, chân thành, khách quan về những vướng mắc địa phương đang gặp phải, để cùng tìm kiếm giải pháp khắc phục, nhất là về phương diện chính sách, pháp luật. Như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, “giám sát là để phát hiện những ưu điểm, cách làm hay để chúng ta nhân rộng; đồng thời, thấy được những hạn chế, tồn tại, tìm ra nguyên nhân để khắc phục, từ đó có biện pháp cụ thể. Để sau giám sát, cái gì của tỉnh phải làm, cái gì của huyện phải làm, cái gì của xã phải làm”.

Ghi nhận những điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên, đặc biệt trong thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp..., Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, tỉnh cần phát huy các kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm để nhân dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn cho ngành Giáo dục đào tạo.