(Mặt trận) - Sáng 7/10, tiếp tục Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long |
Chỉ bổ sung hoặc luật hóa các nội dung thực sự cần thiết, xác đáng
Báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, dự thảo luật gồm 3 điều: Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (gồm 60 khoản); Điều 2 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (gồm 2 khoản); Điều 3: quy định về hiệu lực thi hành của luật.
Về những quy định chung (Chương I), dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung quy định của 3 khoản tại 3 điều về: thẩm quyền giám sát của Quốc hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; bổ sung vào Điều 3 một nguyên tắc. Bổ sung mới 1 điều (5a) quy định về giám sát của HĐND nơi tổ chức chính quyền đô thị.
Về giám sát của Quốc hội (Chương II), dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung quy định của 37 khoản tại 24 điều về: thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát.
Về giám sát của HĐND (Chương III), dự thảo luật bổ sung mới 8 điều (gồm các Điều 60a, 60b, 62a, 69a, 69b, 70a, 72a và Điều 80a). Nội dung tập trung quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND, tại phiên họp Thường trực HĐND; chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND; vấn đề giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND. Đồng thời, quy định về xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với những lý do được nêu tại Tờ trình.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành 3 quan điểm xây dựng luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung và nhấn mạnh quan điểm luật chỉ bổ sung hoặc luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải thực sự cần thiết, xác đáng, thống nhất với bố cục của luật hiện hành; không đưa vào luật hoặc luật hóa các vấn đề, quy trình, thủ tục thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; những nội dung cần quy định linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Đối với các chính sách mới cần có đánh giá tác động đầy đủ, cho thấy hiệu quả, phù hợp thì mới quy định vào luật.
Về phạm vi sửa đổi, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng luật để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, nhất là các vấn đề luật hóa quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, nghiên cứu làm rõ để đề xuất sửa đổi thêm một số nội dung khác có vướng mắc, bất cập được phản ánh tại các hội thảo, hội nghị và qua khảo sát, lấy ý kiến.
Bổ sung làm rõ, hoàn chỉnh hơn các khái niệm
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã tích cực nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ một cách nghiêm túc, công phu, bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tăng cường giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND các cấp là việc phải điều chỉnh trong thời gian tới thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này. Giám sát phải đúng, trúng, trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng, cử tri và Nhân dân đặt ra cho Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hàng năm Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đều có các chuyên đề giám sát. HĐND các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, công tác giám sát rất được quan tâm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành quy định về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND và được HĐND các địa phương hết sức hoan nghênh. “Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát “tâm phục, khẩu phục” thông qua việc Đoàn giám sát chỉ ra được điểm mạnh, hạn chế cũng như giải pháp để thực hiện trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quan trọng nhất là hậu giám sát, khi Đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất phải có địa chỉ và thời gian nhất định, ai làm và bao giờ thực hiện xong?
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần rà soát sự phù hợp của dự thảo luật với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giám sát của Quốc hội và HĐND không chồng chéo với các giám sát, thanh tra của các cơ quan khác. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri, vừa phải gắn với công tác lập pháp. Cùng với đó, cần chú trọng bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ, hoàn chỉnh hơn các khái niệm về giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, giám sát của Quốc hội, giám sát của HĐND. Việc bổ sung, chỉnh lý khái niệm này cần theo hướng xác định rõ nội hàm, ý nghĩa của khái niệm được giải thích. Trong đó, phải giải thích rõ ràng, thống nhất cách hiểu, phân biệt để khi ban hành thấy rõ luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngắn gọn, tập trung, trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ giám sát. Cùng với đó, xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết trong hoạt động giám sát, vấn đề lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm cũng như các tiêu chí chọn nội dung giải trình.
Quan tâm đến nội dung về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải thích luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành, đó là khi nào có vướng mắc thì các cơ quan đề nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, nên cân nhắc chưa luật hóa việc đưa Ban Dân nguyện vào tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì trong thực tế cũng có những lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các Ủy ban khác tham mưu công tác này.
Theo Đại biểu Nhân dân